TP.HCM cần nhanh chóng khởi động lại các công trình đang "đóng băng"
Ngày 21.12, Tạp chí Cộng Sản phối hợp Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM và Trường đại học Kinh tế - luật TP.HCM tổ chức hội thảo bàn giải pháp phát triển TP.HCM theo tinh thần Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 98 của Quốc hội.
Phát biểu tại hội thảo, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM Phạm Phương Thảo đánh giá 2 nghị quyết này là cơ sở chính trị tạo điều kiện để thúc đẩy sự phát triển của TP.HCM. Tuy nhiên, bà Thảo dự báo sẽ có những khó khăn, mà lớn nhất là ràng buộc về thể chế. Do đó, trong quá trình thực hiện 2 nghị quyết trên, TP.HCM cần đề xuất hoàn thiện thể chế chính sách tốt hơn. Bà Thảo cũng cho rằng TP.HCM cần làm quy hoạch tốt hơn và gắn với phát triển bền vững.
"Hiện nay, quy hoạch thế nào mà để có quận thiếu hơn 25 trường học, rồi văn hóa, thể thao cũng thiếu cơ sở vật chất. Sân vận động Thống Nhất có 14.000 chỗ ngồi, quá nhỏ. Lúc quy hoạch khu thể thao Rạch Chiếc có 466 ha nhưng bây giờ còn dưới 200 ha", bà Thảo nói.
Nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM nhìn nhận song song với việc triển khai thực hiện 2 nghị quyết trên, TP.HCM cũng cần nhanh chóng khởi động lại các công trình đang "đóng băng" và chuẩn bị khởi công những công trình mới.
Đẩy mạnh tiến độ giải ngân đầu tư công
PGS-TS Trần Thọ Quang, Vụ trưởng Cơ quan thường trực miền Trung - Tây nguyên, Tạp chí Cộng Sản cho rằng để xây dựng và phát triển TP.HCM cần đẩy mạnh tiến độ giải ngân đầu tư công để sớm đưa các công trình kết nối vùng, có tác động lan tỏa cao như dự án metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương), Vành đai 3, nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất, cao tốc TP.HCM - Mộc Bài...
TS Phan Hải Hồ (Học viện Cán bộ TP.HCM) nhìn nhận hệ thống thể chế và cách thức vận dụng, áp dụng nghị quyết mới chưa hoàn thiện, còn nhiều vấn đề có độ vênh pháp lý khiến nhiều cán bộ, công chức không dám làm vì sợ vi phạm pháp luật.
"Thực tế hiện nay chưa có quy định hướng dẫn một cách chi tiết việc cán bộ khi thực hiện cơ chế đặc thù thì có hành lang pháp lý là gì, tôi được làm đến khuôn khổ, mức độ nào, để không vượt quá quy định pháp luật", TS Hồ nói.
TS Hồ khuyến nghị, lãnh đạo TP.HCM giảm bớt các đầu mối công việc để tập trung thực hiện 2 nghị quyết, đồng thời cho rằng cần một phó chủ tịch UBND TP.HCM phụ trách riêng công việc này để tránh quá tải.
Về công tác truyền thông, ông Nguyễn Minh Hải, Trưởng phòng Báo chí - xuất bản, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM khuyến nghị cần đặt liên kết truyền thông trong tổng thể liên kết vùng và là một phần không thể thiếu của liên kết vùng.
Trong đó, TP.HCM phát huy tính tích cực, chủ động, gợi mở cho cả vùng và cho các địa phương khác, trên tất cả lĩnh vực trong đó có vấn đề thông tin truyền thông để trở thành đầu tàu cho sự phát triển ổn định và bền vững.
Nhìn từ góc độ nguồn nhân lực, nhà báo Hoàng Anh Tuấn, Cơ quan thường trú Thông tấn xã Việt Nam tại TP.HCM, nhìn nhận sự phát triển của khu vực tư, nhất là chính sách tiền lương hấp dẫn đã tác động đến tình hình ổn định nhân sự tại các cơ quan, đơn vị khu vực công.
Do đó, TP.HCM đang có hiện tượng "chảy máu chất xám" trong khu vực công khi có một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức xin nghỉ việc do thu nhập hiện nay chưa bảo đảm cuộc sống. Nhà báo Hoàng Anh Tuấn cho rằng TP.HCM cần sớm quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ cho tương lai.
Bình luận (0)