Chuyên san PLOS ONE đăng tải báo cáo mới giải thích lý do một đội ngũ chuyên gia đưa ra kết luận rằng người Ai Cập cổ đại có lẽ là những kỹ sư thủy lực học đầu tiên áp dụng công nghệ hiện đại để xây dựng Kim tự tháp khổng lồ giữa sa mạc.
Cuộc nghiên cứu tập trung vào kim tự tháp cổ nhất của Ai Cập: lăng mộ của pharaoh Djoser, được gọi là Kim tự tháp của Djoser.
Kim tự tháp của Djoser được xây dựng vào khoảng năm 2680 trước công nguyên (thế kỷ 27 TCN). Lúc đó, những bộ lạc sống theo kiểu săn bắt, hái lượm chỉ mới bắt đầu dựng nên Stonehenge ở Anh, và cộng đồng voi ma mút lông xoắn cuối cùng vẫn còn tự do sinh hoạt ở đảo Wrangel của Siberia.
Vào thời điểm hoàn thành, kim tự tháp của Djoser trở thành cấu trúc cao nhất thời bấy giờ với chiều cao hơn 62 m. Kim tự tháp huyền thoại giờ đây vẫn đứng vững ở Saqqara, cách quần thể kim tự tháp Giza khoảng 15 km về hướng tây nam.
Tuy nhiên, bằng cách nào kim tự tháp này được xây dựng vẫn là điều bí ẩn, chủ yếu là thắc mắc liên quan đến biện pháp di chuyển những khối đá nặng đến 300 kg lên cao.
"Nhiều báo cáo chi tiết đã thảo luận về những quy trình xây dựng kim tự tháp và cung cấp giải thích rõ ràng, nhưng tất cả thường tập trung vào những kim tự tháp gần đây, kích thước nhỏ hơn và được ghi chép chi tiết vào thời Trung và Tân Vương quốc Ai Cập (năm 1980 đến 1075 TCN)", theo trưởng nhóm tiến sĩ Xavier Landreau, Tổng giám đốc Paleotechnic, viện tư nhân ở Paris (Pháp) chuyên nghiên cứu các công nghệ cổ đại.
Lời giải cho bí ẩn vận chuyển khối đá xây kim tự tháp Ai Cập
Người xưa làm điều đó như thế nào?
Sử dụng cách tiếp cận mới, nhóm của tiến sĩ Landreau là đội ngũ đầu tiên đề cập một hệ thống thủy lực được lắp đặt giữa lòng kim tự tháp với công năng vận chuyển những khối đá khổng lồ.
Kim tự tháp của Djoser bao gồm khoảng 2,6 triệu khối đá vôi, mỗi khối trọng lượng khoảng 300 kg. Kim tự tháp này có 6 tầng, chiều cao 62,5 m và phần đáy rộng 121 m.
Trong hơn 150 năm, người Ai Cập cổ đại xây dựng thêm 6 kim tự tháp khác, di chuyển tổng cộng hơn 20 triệu tấn đá. Nhóm tiến sĩ của tiến sĩ Landreau tính toán được trong mỗi giờ suốt từng ấy năm, gần 50 tấn đá được cắt, di chuyển và xếp vào chỗ.
Các nhà nghiên cứu cho rằng người xưa đã sử dụng một con đập được kiểm soát để giữ nước vận hành thiết bị thủy lực trung chuyển đá giữa lòng kim tự tháp. Thiết bị này hoạt động giống như một hệ thống thang nâng bằng thủy lực.
Bình luận (0)