Bằng kỹ sư, bác sĩ tương đương thạc sĩ: Có thể học thẳng lên tiến sĩ ?

06/01/2020 07:44 GMT+7

Theo Nghị định 99 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục ĐH , bằng kỹ sư, bác sĩ sẽ tương đương trình độ với bằng thạc sĩ.

Điều này đặt ra câu hỏi, người có bằng kỹ sư, bác sĩ có thể học thẳng lên tiến sĩ hay vẫn phải có bằng thạc sĩ ?
Theo Nghị định 99/2019 ban hành ngày 30.12.2019, văn bằng của một số ngành đào tạo chuyên sâu đặc thù thuộc hệ thống giáo dục (GD) ĐH bao gồm bằng bác sĩ y khoa, bác sĩ nha khoa, bác sĩ y học cổ truyền, bằng dược sĩ, bằng bác sĩ thú y, bằng kỹ sư, bằng kiến trúc sư và một số văn bằng khác theo quy định riêng của Chính phủ, được cấp cho người tốt nghiệp chương trình đào tạo một số ngành đào tạo chuyên sâu đặc thù.
Các bằng này được xếp vào loại “văn bằng trình độ tương đương”. Căn cứ vào khối lượng học tập của chương trình đào tạo của “văn bằng trình độ tương đương” cho thấy, văn bằng này tương đương trình độ bậc 7, trình độ của người có bằng thạc sĩ. Từ thông tin này, đặt ra câu hỏi: liệu người có bằng bác sĩ, kỹ sư có được học thẳng lên tiến sĩ, hay vẫn phải học thạc sĩ như trước?

Luật và quy định chưa hoàn toàn tương đồng

Việc xét bằng bác sĩ tương đương trình độ nào là đơn vị có liên quan căn cứ vào đó xếp lương cho người lao động. Còn muốn học tiến sĩ thì người học vẫn phải có bằng thạc sĩ

GS Nguyễn Hữu Tú,  Phó hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội

Theo ông Nguyễn Minh Lợi, Phó cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và đào tạo, Bộ Y tế, các trường đang tuyển sinh và đào tạo tiến sĩ thực hiện theo quy chế của Bộ GD-ĐT quy định là người học phải có bằng thạc sĩ, nếu chỉ có bằng ĐH thì phải tốt nghiệp loại giỏi trở lên. Trong khi đó, không có văn bản nào, kể cả Nghị định 99, nêu rằng bằng bác sĩ là bằng thạc sĩ, mà Nghị định 99 chỉ nói là bằng bác sĩ nếu thỏa mãn các điều kiện về trình độ chuyên sâu đặc thù, thì tương đương trình độ bậc 7.
Còn GS Nguyễn Hữu Tú, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội, cho biết: “Việc xét bằng bác sĩ tương đương trình độ nào là đơn vị có liên quan căn cứ vào đó xếp lương cho người lao động. Còn muốn học tiến sĩ thì người học vẫn phải có bằng thạc sĩ”.
Chia sẻ với PV Thanh Niên, PGS Nguyễn Đắc Trung, Phó trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, cho rằng giữa luật GDĐH sửa đổi và quy định hiện nay về đào tạo tiến sĩ có những điểm chưa hoàn toàn tương đồng.
Theo khung trình độ quốc gia, bậc 7 là phải có chương trình đào tạo từ 150 tín chỉ trở lên. Nhiều trường cấp bằng kỹ sư nhưng số tín chỉ đào tạo không đạt 150, nên không thể nói bằng kỹ sư của họ tương đương trình độ thạc sĩ. Vì thế, trước hết các trường ĐH phải xây dựng chương trình kỹ sư làm sao đảm bảo có cái “khung” đạt yêu cầu tối thiểu của Nghị định 99.
“Với những trường mà chương trình đào tạo kỹ sư thỏa mãn yêu cầu Nghị định 99 thì giờ thực hiện theo luật mới hay luật cũ, đó là vấn đề mà Bộ GD-ĐT tiếp tục phải xem xét để có hướng dẫn cụ thể”, PGS Nguyễn Đắc Trung nêu ý kiến. Ngoài ra, ông Trung nói thêm: “Vấn đề ở đây là chữ “bằng” trong khái niệm “bằng thạc sĩ”. Kể cả anh có trình độ tương tương nhưng chưa có bằng thì phải bổ sung các điều kiện còn thiếu so với chuẩn đầu ra thạc sĩ để lấy được bằng. Còn nếu quy chế cho phép “bằng tương đương thạc sĩ”, thì câu chuyện hoàn toàn khác”.

Các cơ sở đào tạo có thể xem xét trường hợp cụ thể

Theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ GDĐH, Bộ GD-ĐT, nếu nói bằng kỹ sư, bác sĩ tương đương với thạc sĩ, cũng chưa thực sự chính xác.
Nghị định 99 đã đưa ra quy định có tính nguyên tắc (tại khoản 2, điều 14): căn cứ quy định về điều kiện đầu vào, khối lượng học tập tối thiểu, chuẩn giảng viên, chuẩn đầu ra và các chuẩn khác trong chuẩn chương trình đào tạo các trình độ của GDĐH theo quy định của Bộ GD-ĐT, người tốt nghiệp chương trình đào tạo chuyên sâu đặc thù được xếp vào bậc tương ứng trong khung trình độ quốc gia VN. Vì vậy, xác định văn bằng nào nằm ở bậc 6 hay bậc 7, thì phải xem xét đồng thời các tiêu chuẩn này chứ không chỉ dựa vào khối lượng học tập, không quy đơn giản tính từ số tín chỉ hay số năm học ra trình độ được đào tạo.

Đang sửa đổi quy chế tuyển sinh

Theo quy chế tuyển sinh, đào tạo tiến sĩ mà Bộ GD-ĐT ban hành ngày 4.4.2017 quy định tiêu chuẩn đầu vào là người học phải có bằng thạc sĩ (nếu bằng ĐH thì phải là loại giỏi). Trong khi đó Nghị định 99 lại có khái niệm “văn bằng trình độ tương đương”. Nhiều ý kiến cho rằng việc quy định chuẩn đầu vào khuôn cứng trong khái niệm “bằng thạc sĩ” là vênh với luật GDĐH bổ sung, sửa đổi. Trước ý kiến này, bà Phụng cho biết Bộ GD-ĐT đang cho sửa đổi quy chế tuyển sinh cả 3 trình độ ĐH, thạc sĩ, tiến sĩ để khắc phục những điểm vênh trong các quy chế với luật GDĐH bổ sung, sửa đổi.
Trong năm 2020, Bộ GD-ĐT sẽ ban hành thông tư quy định chuẩn chương trình đào tạo các trình độ của GDĐH. Chuẩn chương trình này sẽ bao gồm chuẩn đầu vào, chuẩn khối lượng học tập tối thiểu, chuẩn giảng viên, chuẩn đầu ra và các chuẩn khác. Mỗi một trình độ đều có chuẩn riêng, những chuẩn này thực tế đã có rồi nhưng chưa được tập hợp đầy đủ trong một văn bản.
Trước băn khoăn, liệu với những người đã tốt nghiệp ĐH, đã được cấp bằng kỹ sư, bác sĩ trước thời điểm luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật GDĐH có hiệu lực, giờ muốn học tiến sĩ thì có phải quay lại học thạc sĩ không, bà Phụng trả lời: Nhìn chung, rất ít văn bản có đủ cơ sở để quy định chính sách “hồi tố”. Việc này hiện đang được một số trường và các nhóm nghiên cứu phối hợp với các đơn vị xây dựng chính sách của Bộ nghiên cứu để có quy định phù hợp khi sửa đổi, bổ sung, ban hành các quy chế đào tạo các trình độ GDĐH theo kế hoạch năm 2020.
Ngoài quy định chung trong các quy chế đào tạo mới, với nguyên tắc đào tạo liên thông đang được thực hiện thì trong thời gian tới, các cơ sở đào tạo có thể xem xét với từng trường hợp cụ thể, trên cơ sở văn bằng người học đã được cấp cùng với bảng điểm, điều kiện thực hiện chương trình đào tạo và chuẩn đầu ra, số tín chỉ đã tích lũy… để công nhận đạt điều kiện đầu vào trình độ tiến sĩ hoặc yêu cầu cập nhật, bổ sung thêm kiến thức.
Nhìn chung, công nhận đủ điều kiện hay áp dụng liên thông đều cần phải có nguyên tắc chung để xem xét với những trường hợp cụ thể chứ không chỉ dựa vào tên gọi của bằng cấp hay số lượng tín chỉ. Nếu trường cấp bằng kỹ sư nhưng chương trình đào tạo không khác cử nhân, chỉ ở mức 120 tín chỉ hoặc trên chuẩn tối thiểu của chương trình cử nhân, chuẩn giảng viên, chuẩn đầu ra… không đảm bảo thì không thể nói người có bằng kỹ sư đó đủ điều kiện đầu vào tiến sĩ. Như vậy, luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật GDĐH giao cho Bộ GD-ĐT xây dựng chuẩn chương trình đào tạo các trình độ của GDĐH và việc Nghị định 99 quy định về hệ thống văn bằng đã góp phần chuẩn hóa thêm một bước về bằng cấp ở nước ta hiện nay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.