Theo Nghị định của Chính phủ (ban hành ngày 30.12) quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật Giáo dục đại học sau khi đã được bổ sung, sửa đổi, thì hệ thống văn bằng giáo dục đại học bao gồm cả bằng cử nhân lẫn bằng kỹ sư…
Kỹ sư, bác sĩ có trình độ tương đương cao hơn cử nhân
Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật Giáo dục đại học sau khi đã được bổ sung, sửa đổi hiện đã được ban hành. Trong đó, Chính phủ có các quy định chi tiết cho một số ngành đào tạo chuyên sâu đặc thù, nghĩa là các văn bằng bác sĩ, kỹ sư… vẫn còn tồn tại chứ không phải bị biến mất như dư luận bấy lâu nay lo ngại. Chỉ có điều, các văn bằng này thể hiện trình độ đào tạo tương đương sẽ khác với trước đây, tùy thuộc vào khối lượng học tập của từng chương trình đào tạo.
Cụ thể, điều 15 (về văn bằng, chứng chỉ giáo dục đại học), nghị định quy định hệ thống văn bằng giáo dục đại học bao gồm bằng cử nhân, bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ, văn bằng trình độ tương đương.
Bằng cử nhân được cấp cho người tốt nghiệp chương trình đào tạo trình độ đại học theo quy định của pháp luật, đáp ứng yêu cầu chuẩn đầu ra bậc 6 theo Khung trình độ quốc gia Việt Nam và các quy định cụ thể, hợp pháp của cơ sở đào tạo.
Bằng thạc sĩ cấp cho người tốt nghiệp chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ, đáp ứng yêu cầu chuẩn đầu ra bậc 7.
Bằng tiến sĩ cấp cho người tốt nghiệp chương trình đào tạo trình độ tiến sĩ, đáp ứng yêu cầu chuẩn đầu ra bậc 8.
Văn bằng trình độ tương đương là văn bằng đối với một số ngành đào tạo chuyên sâu đặc thù thuộc hệ thống giáo dục đại học bao gồm bằng bác sĩ y khoa, bác sĩ nha khoa, bác sĩ y học cổ truyền, bằng dược sĩ, bằng bác sĩ thú y, bằng kỹ sư, bằng kiến trúc sư, và một số văn bằng khác theo quy định riêng của Chính phủ, được cấp cho người tốt nghiệp chương trình đào tạo một số ngành đào tạo chuyên sâu đặc thù.
Trình độ đào tạo của chương trình đào tạo chuyên sâu đặc thù gồm: chương trình có khối lượng học tập từ 150 tín chỉ trở lên đối với người đã tốt THPT và tương đương hoặc có khối lượng học tập từ 30 tín chỉ trở lên đối với người đã tốt nghiệp trình độ đại học; chương trình có khối lượng học tập từ 90 tín chỉ trở lên đối với người có trình độ tương đương bậc 7 theo Khung trình độ quốc gia Việt Nam.
Căn cứ quy định về điều kiện đầu vào, khối lượng học tập tối thiểu, chuẩn giảng viên, chuẩn đầu ra và các chuẩn khác trong chuẩn chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học theo quy định của Bộ GD-ĐT, người tốt nghiệp chương trình đào tạo chuyên sâu đặc thù (cấp văn bằng bác sĩ, kỹ sư…) được xếp vào bậc tương ứng trong Khung trình độ quốc gia Việt Nam.
Như vậy, với những chương trình đào tạo đại học kéo dài 5, 6 năm, khi tốt nghiệp người học được cấp bằng kỹ sư, bác sĩ, thì có thể sắp tới các văn bằng này sẽ có trình độ tương đương bậc 7, là trình độ của người có bằng thạc sĩ.
Phải công khai học phí từng năm và cả khóa học
Theo luật Giáo dục đại học, sau khi bổ sung, sửa đổi thì không phải tất cả các trường đại học đều được quyền tự chủ, mà chỉ những trường đã thỏa mãn các quy định của luật. Theo đó, trường đại học khi được quyền tự chủ sẽ được tự chủ trên cả 3 phương diện: học thuật, tổ chức bộ máy và nhân sự, tài chính và tài sản.
Trong đó, với quyền tự chủ về tài chính và tài sản, trường công vẫn bị chi phối bởi các quy định hiện hành về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập; trường tư thì sẽ được nhà nước sẽ hỗ trợ phát triển phù hợp với khả năng của ngân sách và các quy định về đầu tư phát triển giáo dục đại học.
Một trong 6 yêu cầu “giải trình” mà nghị định đặt ra với các trường đại học được tự chủ là phải thực hiện công khai đầy đủ trên trang thông tin điện tử của mình về các nội dung cụ thể, trong đó có các thông tin liên quan tới tài chính như chi phí đào tạo, mức thu học phí, mức thu dịch vụ tuyển sinh và các khoản thu khác của người học cho từng năm học và dự kiến cả khóa học; chế độ, chính sách miễn, giảm học phí, học bổng…
Một số nội dung phải công khai khác còn có đề án tuyển sinh và kế hoạch tuyển sinh, danh sách nhập học và tốt nghiệp hằng năm theo ngành, trình độ đào tạo, quy mô đào tạo và tỷ lệ sinh viên có việc làm sau 12 tháng tốt nghiệp; mẫu văn bằng, chứng chỉ, danh sách cấp văn bằng, chứng chỉ cho người học hằng năm.
Các thông tin như thông báo chỉ tiêu tuyển sinh, quyết định mở ngành, quyết định liên kết đào tạo cùng với hồ sơ chứng minh đủ điều kiện, trường phải công khai lên trang thông tin điện tử của trường trước khi thực hiện ít nhất 30 ngày làm việc.
Bình luận (0)