Băng trôi lớn bằng Singapore có thể gây thảm họa hàng hải

15/11/2013 16:50 GMT+7

(TNO) Tảng băng có kích cỡ lớn bằng đảo quốc Singapore vừa tách khỏi Nam Cực và đang trôi dạt vào đại dương có thể gây ra thảm họa cho các tuyến hàng hải quốc tế, các chuyên gia theo dõi tảng băng này cảnh báo.

>> Tảng băng trôi khổng lồ đe dọa tàu thuyền


Hồi giữa tháng 10.2011, các nhà khoa học nghiên cứu về Nam Cực thuộc NASA đã phát hiện một vết nứt lớn tại Đảo băng Pine - Ảnh: NASA


CNN ngày 15.11 dẫn một báo cáo nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Trường đại học Southampton (Anh) cho hay diện tích tảng băng này được ước tính vào khoảng 700 km2, gần bằng đảo quốc Singapore và lớn gấp đôi thành phố Atlanta của Mỹ.

Các nhà khoa học không dự đoán rằng sẽ có hậu quả gì về mặt môi trường, nhưng lại lo ngại tảng băng với kích cỡ khổng lồ như vậy có thể ảnh hưởng đến các tuyến hàng hải quốc tế, tùy theo nó trôi theo hướng nào.

 
Những thảm họa từ băng trôi trên thế giới

Được biết, băng trôi từng gây ra những tai nạn hàng hải chết người khủng khiếp.

Nổi tiếng nhất là vụ tàu RMS Titanic (Anh) bị chìm tại Bắc Đại Tây Dương vì đâm phải một tảng băng trôi vào tháng 4.1912, khiến hơn 1.500 người thiệt mạng.

Còn vào tháng 1.1854, tàu hơi nước City of Glasgow cũng bị chìm vì đụng phải băng trôi khi đang đi từ Liverpool sang Philadelphia, khiến 480 người chết.

Giáo sư Grant Bigg thuộc Trường đại học Sheffield (Anh), trưởng nhóm nghiên cứu băng trôi đang tìm cách tính toán đường đi của tảng băng.

“Thường thì phải mất ít lâu để các tảng băng trôi ra khỏi Đảo băng Pine, nhưng một khi đã ra khỏi đó thì chúng có thể hoặc trôi theo hướng đông dọc theo bờ biển Nam Cực hoặc có thể trôi vào giữa Nam Đại Dương”, Giáo sư Bigg phân tích.

Trường hợp tảng băng trôi vào Nam Đại Dương sẽ gây nguy hiểm cho tàu thuyền, ông Bigg nói thêm.

Giáo sư người Anh này còn cho hay đã từng có một tảng băng tách ra từ Đảo băng Pine được phát hiện đi xuyên qua Eo biển Drake.

Drake là là eo biển phân cách 2 lục địa Nam Mỹ và châu Nam Cực, là khoảng nằm từ cực nam của Nam Mỹ tại Cape Horn, Chile tới điểm cực bắc của Nam Cực tại quần đảo South Shetland.

Điều này có nghĩa tảng băng sẽ hướng vào một trong những tuyến hàng hải quốc tế tấp nập nhất thế giới và có thể gây ra thảm họa.

Jane Robertson, một chuyên gia quan sát băng trôi thuộc đảo quốc Greenland, cho biết khi đối mặt với các tảng băng trôi khổng lồ, “bạn có thể hoặc cố đi xuyên qua nó hoặc đi vòng qua nó”.

“Trong phần lớn các trường hợp, thuyền trưởng thường sẽ chọn đi vòng qua vì bất kể là bạn lái tàu chậm và cẩn thận cỡ nào thì sẽ luôn là nguy hiểm cho con tàu. Rồi thì thời tiết cũng có thể trở nên xấu đi nhanh chóng và bạn sẽ không muốn đi xuyên qua băng trong thời tiết xấu”, cô Robertson cho hay. 

Băng trôi là gì?

Băng trôi là một khối nước đá lớn tách ra từ đảo băng hoặc từ một tảng băng lớn hơn và trôi dạt vào đại dương.

Vì khối lượng riêng của nước đá thấp hơn của nước biển, nên thường chỉ có 1/10 thể tích một tảng băng nổi trên mặt nước.

Nhìn từ phía trên, rất khó để biết được hình dạng phần chìm dưới nước của các tảng băng trôi.

 Hoàng Uy

>> Nam Cực xuất hiện tảng băng trôi khổng lồ
>> Cứu sống hàng trăm người mắc kẹt trên băng trôi
>> Nước sạch từ băng trôi
>> Diện tích băng trôi giảm không ngừng
>> Sừng tê giác - từ Phi sang Á, Kỳ 6: Phần chìm của “tảng băng trôi”  

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.