Ẩm thực
Quầy bánh Huế tuyệt ngon trong chợ Bến Thành
Quầy bán bánh bèo cùng các món bánh Huế lâu năm trong chợ Bến Thành này luôn thu hút một lượng thực khách “khủng” bởi giá phải chăng và vị ngon khó cưỡng. Giờ cao điểm buổi trưa, quầy bánh Huế không tên, chỉ độc một cái bảng ghi “bánh bèo Huế - 15.000đ/dĩa” đông khách đến mức phải kê thêm hơn chục cái ghế xung quanh quầy. Thực khách vừa cầm dĩa vừa ăn chứ không có bàn. Nhiều nhóm khách khác còn phải xếp hàng chờ đến lượt vì chỗ ngồi trong chợ rất hạn hẹp. Một dĩa bánh Huế thập cẩm ở đây gồm bánh bèo, bánh ít trần nhân đậu xanh, bánh bột lọc, rắc bánh mì chiên (chứ không phải da heo như thường thấy, kiểu ăn tương tự như quán Huế trên đường Cao Bá Nhạ, quận 01) và tôm chấy (làm từ tôm khô) và chan nước chấm chua ngọt. Đặc biệt món bánh thập cẩm này có thêm cả rau ngò (rau mùi) mà hầu như các quán bánh Huế khác ở Sài Gòn và Huế không có.
Ẩm thực
Góc Huế nhỏ giữa lòng Sài Gòn
Quán Huế nhỏ bé nằm trên con đường Cao Bá Nhạ ở quận 01 này dành cho những ai đã hàng chục năm ăn quen vị bún bò ở đây. Chủ quán là bà Hồ Thị Sen khi từ Huế vào Sài Gòn đã mở quán này gần 40 năm. Hiện giờ bà chỉ nếm nồi nước lèo còn con cháu bà mới đứng bán chính. Tô bún bò ở đây vẫn giữ kiểu nấu chung với giò của con heo nhỏ, một kiểu nấu rất Huế chứ không là giò heo to như nhiều quán khác, bên cạnh thịt bò chín và chả tôm ăn kèm. Món chả tôm ăn kèm cũng khá đặc biệt, mềm mềm, ngọt dịu mà ăn không ngán. Nhiều khách còn thích kêu thêm chén chả nhỏ ăn cho đã thèm.
Ẩm thực
Tìm ăn bánh Huế 'chính hiệu' ở Sài Gòn
Những quán bán các loại bánh Huế đúng kiểu Huế khách không tấp nập nhưng đều đặn và trung thành. Đó là bởi khẩu vị ở những nơi này dành cho những người ưa nước chấm làm từ tôm đậm đà chứ không ngọt lừ đi. Những quán Huế ở Sài Gòn có hai dạng, một là vẫn giữ gần với nguyên gốc, hai là làm cho ngọt thêm để phù hợp với khẩu vị người gốc miền Nam. Cả hai phong cách này vẫn song song tồn tại và đều sống được, bởi khách hàng gốc Nam cũng nhiều, khách hàng gốc Huế và gốc miền Trung cũng nhiều không kém. Những người gốc Huế sành ăn thường chọn quán Huế - Ngọc Trâm có "thâm niên" gần 15 năm nằm trên con đường Sư Vạn Hạnh nối dài. Nỗi nhớ quê nhiều khi quay quắt vì những chiếc bánh nhỏ nhoi như thế. Quán bán những món bánh đã đi vào tiềm thức của mỗi người dân Huế như bánh bèo, bánh nậm, bánh lọc, bánh ram ít...
Ẩm thực
Đi ăn bánh bèo chén Cung An Định ở Sài Gòn
Bánh bèo Huế vốn đã rất quen thuộc với người Sài Gòn. Tuy nhiên để tìm đúng nguyên bản bánh bèo chén trong kiệt - hẻm của Cung An Định (Huế), dân sành ăn thường tìm đến quán Huế nhỏ trên con đường Kỳ Đồng (quận 03) này. Cây bút John Krich của tờ nhật báo Wall Street Journal trong một bài viết đầu năm 2011 đã từng đánh giá bánh bèo Huế cùng những phụ gia không thể thiếu đi kèm là nước mắm và tôm nõn, là một món ăn xứng đáng đứng ở "tầm vương giả". Nhưng vẫn còn rất nhiều tranh cãi về nguốn gốc bánh bèo chén Huế. Người thì cho rằng đó là một món bình dân, người thì cho rằng các nhà vua Huế xưa hẳn rất thích món ăn giản dị mà đầy tinh tế này. Mà cũng đúng thôi, vì Huế là nơi chốn đã chứng kiến triều đại phong kiến cuối cùng của Việt Nam, nên ẩm thực vùng đất này luôn tuân theo những chuẩn mực nhất định. Ở Huế, Gốc bánh bèo bà Cư nằm trong kiệt (hẻm) của Cung An Định ở địa chỉ 23/177 Phan Đình Phùng từ lâu đã là một địa chỉ món Huế được yêu thích nhờ vào hương vị tinh túy gia truyền. Đặc biệt là món bánh bèo hấp trong những cái chén sành nhỏ, phủ lên trên một chút tôm cháy, mỡ hành và da heo chiên, ăn với nước mắm và ớt xanh. 20 năm trước, hậu duệ của quán bánh bèo nức tiếng đất cố đô này đã "Nam tiến" với chi nhánh đầu tiên trong con hẻm 45C Kỳ Đồng (quận 03) này.
Ẩm thực
Đi ăn món Huế trong hẻm nhỏ
Ở Sài Gòn có khá nhiều mô hình kinh doanh món Huế, từ cao cấp cho đến trung lưu, và cả bình dân nữa. Riêng cái thú đi ăn món Huế trong những con hẻm nhỏ cũng mang đến nhiều cảm xúc mới lạ cho thực khách. Có ý kiến cho rằng, người Huế đến với ẩm thực không theo cái nghĩa sinh học giản đơn, mà thưởng thức bằng cả khứu giác, thị giác và cả… thính giác nữa. Cũng như nhà văn Nguyễn Tuân lúc sinh thời từng nói, rằng "người Huế thích ăn bằng mắt". Ẩm thực xứ Huế, dù là cao lương mĩ vị hay dân dã đơn sơ, cũng đều khiến cho thực khách phải lưu luyến bởi nét tinh tế đến quyến rũ trong từng hương vị, màu sắc... Quán Huế nhỏ Bích Liên lúc trước bán trong hẻm 400 Lê Văn Sỹ (quận 03), nay đã dời về con hẻm 351 cũng nằm ở gần đó. Quán mở từ đầu những năm 90, chủ yếu bán các món Huế dân dã như bánh bèo, nậm, lọc, cơm hến, bún hến, nem, tré, mắm các loại... Quán khá nổi tiếng trong phân khúc món Huế bình dân. Còn nhớ cách đây gần 10 năm một chén bánh bèo Huế chỉ chừng 500, 600đ, bánh ram ít, bánh nậm cũng vậy.
Ẩm thực
Hương Ngự và những món Huế khó tìm thấy ở Sài Gòn
Đi ăn món Huế ở Sài Gòn tôi vẫn thích những quán ăn nằm khuất khuất trên những con đường nhỏ, trong hẻm thì càng tốt nữa. Phần vì Huế yên bình, nên có lẽ thưởng thức món Huế ở Sài Gòn cũng cần chút tĩnh lặng cho đúng với tinh thần ẩm thực xứ sở cố đô. Ăn món Huế ta hay nghĩ đến bánh Huế (bánh bèo, nậm, lọc..), hay phong phú hơn là những món cuốn, rồi cơm hến, bún hến, bún bò, bún mắm nêm... Quán Huế đa phần tập trung vào những món này vì dễ làm, cũng như khẩu vị không quá khác biệt với người Sài Gòn. Nhưng bạn đã bao giờ thưởng thức "cơm âm phủ" chưa? Thoáng nghe qua hơi rờn rợt nhưng món này một khi đã dọn ra chắc chắn sẽ quyến rũ bạn ngay từ cái nhìn đầu tiên. Cái tên có phần hơi kỳ quặc này do những người khách bình dân lam lũ ở Huế những năm đầu thế kỷ 20 đặt ra, là vì quán bán món này (theo nhiều tài liệu quán nằm đối diện sân Vận động Huế) vốn là một quán ăn chuyên bán đồ ăn khuya dành cho giới lao động. Món "đặc trưng" của quán là một loại cơm thập cẩm trộn trong đủ thứ được xắt nhỏ như nem Huế nướng, chả lụa, thịt nướng, trứng chiên, tôm chấy, rau thơm, dưa leo... với chén nước mắm pha loãng ăn kèm, như một món ăn nhanh, rẻ, tiện lợi cho những khách ăn vội vã về khuya, thay vì phải làm nhiều món khác nhau.
Ẩm thực