11 giờ 30 phút, trời nắng chang chang, tôi đã tranh thủ có mặt tại đây. Lời đồn về quán của chú Hải thì tôi nghe đã lâu, nhưng tới nay thì mới có dịp trải nghiệm với những điều độc, lạ mắt thấy tai nghe.
Mở cửa đúng 12 giờ trưa, khách chờ sẵn
TP.HCM không thiếu những quán bánh canh ngon, nhưng quán ăn của chú Hải (55 tuổi) nằm trong một con hẻm trên đường Bùi Minh Trực (Q.8), với tôi, không những ngon mà còn kỳ lạ.
[CLIP]: "Bánh canh chờ" độc, lạ ở TP.HCM khách phải chờ 30 phút - 1 tiếng để ăn.
Tôi bất ngờ khi 12 giờ mở cửa, nhưng thời điểm này hàng chục khách đã ngồi chật ních vài cái bàn ở quán, bàn nhỏ nhưng dồn tận 4 - 5 người. Chưa kể nhiều người vây quanh quán, sẵn sàng chờ chực giữa cái nắng oi bức để mua cho bằng được phần bánh canh của chú.
Lúc này, tôi tự hỏi liệu trong tô bánh canh này có gì mà khách tới sớm tận 30 phút để “xí" được một chỗ ngồi?
Lân la hỏi chuyện anh Tùng (37 tuổi, ngụ Q.8) vị khách cho biết suốt mười mấy năm ăn ở quán này, đó là điều bình thường. Anh cho biết nếu không tranh thủ tới sớm để ăn, thì không có chỗ ngồi, thậm chí không có đầy đủ thành phần trong tô bánh canh mà anh thích.
“Ăn ở đây, nhiều người sẵn sàng đợi 30 phút tới 1 tiếng là chuyện bình thường. Một là bánh canh ở đây ngon, 2 là giá rẻ, 3 là gần nhà. 1 tháng 30 ngày thì tôi ăn ở đây hết 25 ngày rồi", anh cười, cho biết.
Kế bên, cô Thủy (60 tuổi, ngụ Q.8) cũng ăn ở đây vài năm nay tiếp lời. Cô nói rằng không ai dại gì hành hạ bản thân phải đợi 30 phút - 1 tiếng để ăn một món nào đó, nhưng quán ăn này là ngoại lệ với cô.
Chú Hải thuần thục công việc này 39 năm qua.
CAO AN BIÊN
“Nước lèo ở đây ngọt theo kiểu ngọt xương chứ không phải ngọt đường, tôi thích nhất cái nước này không chỗ nào có. Mọi thứ trong tô bánh canh từ giò heo, chả, thịt, huyết… mọi thứ đều ngon, sạch sẽ. Nói thiệt là vì lỡ mê cái bánh canh ở đây nên dù có đợi bao lâu cũng thấy đáng, mình thích rồi thì chờ đợi cũng vui. Thêm nữa cũng thông cảm cho quán, vì khách thì đông, mà chủ yếu có 2 vợ chồng bán nên chậm cũng đúng", cô Thủy nói về lý do sẵn sàng chờ đợi của mình.
Trong lúc chờ đợi, khách tự rót, tự pha một ly trà đá được đặt ở một góc của quán. Vị trà đặc, thơm, nhâm nhi trong lúc chờ đợi rồi cùng nhau trò chuyện, tán gẫu dưới gốc cây ngái tỏa bóng cũng làm cho thời gian trôi nhanh và cái nắng TP.HCM bớt phần gay gắt.
Nước lèo đậm đà, các nguyên liệu được phối hợp hài hòa.
CAO AN BIÊN
12 giờ hơn, chú Hải và vợ cũng bắt đầu chuẩn bị xong và “ba đầu sáu tay” làm món cho hàng chục nhưng vị khách đã chờ đợi từ rất lâu. Anh Tùng thì cũng thỏa ý nguyện và cảm thấy không uổng công khi tới sớm, vì anh gọi được một phần bánh canh đuôi heo khoái khẩu. Còn tôi, thì gọi một phần giò heo bình thường.
Hớp một miếng nước lèo, tôi kết ngay tô bánh canh này. Nó đậm đà, ngọt nước và mang hương vị rất truyền thống của những tô bánh canh ngày xưa mẹ nấu cho tôi. Sợi bánh canh trắng phau, dai mềm, dù không có gì quá đặc biệt so với các quán khác, nhưng phối hợp với chả, giò heo, thịt… rất hài hòa. Chính nước lèo là điểm ăn tiền của tô bánh canh này.
Cá nhân tôi, chấm 9/10 cho khẩu vị của tô bánh canh. Tôi cũng thầm hiểu lý do vì sao nhiều người sẵn sàng chờ đợi để ăn bánh canh của vợ chồng chú Hải. Thế nhưng tôi cũng có lưu ý rằng quán ăn này không dành cho người quá đói hay cọc, hoặc thiếu sự kiên nhẫn, bởi việc chờ đợi cũng không phải là dễ chịu. Có người vì nóng lòng, hối chủ quán thì liền nhận câu trả lời: “Quán hết món rồi!”. Nhiều khách cho biết đó là câu nói họ nghe mỗi lần hối chủ quán, biết ý, nên cũng chẳng hối.
10.000 đồng cũng mua được
Đem câu hỏi này hỏi chủ quán, chủ vội giải thích: “Đó là khách người ta nói thôi con ơi! Mấy ngày thứ 7, chủ nhật đông khách thì mới bán hết sớm như vậy chứ mấy ngày bình thường lâu hơn. Có mấy bữa trời mưa, bán không hết phải tới 5 giờ chiều".
Nói về việc để khách phải chờ đợi lâu, chú Hải nói chú cũng thấy “chột dạ" và thương khách. Nhưng vì chỉ có 2 vợ chồng chú bán, cũng như nhiều khách tới đợi sớm để ăn được món mình thích nên vợ chồng chú cũng cố gắng chuẩn bị sớm nhất, mang món ra cho khách càng sớm càng tốt.
Được khách ủng hộ như vậy suốt mấy chục năm qua là niềm vui, niềm hạnh phúc của những người buôn bán đồ ăn như chú. 39 năm trước, chú cùng chị của mình mở quán ăn này. Chú đứng bán, chị chú nấu ăn. Bán hơn 1 năm, người chị nghỉ bán, chú quyết định vẫn duy trì quán ăn này để có kế sinh nhai.
Dần dà, với công thức nấu đặc biệt, khách xa gần ngày càng ủng hộ nhiều hơn và quán có một lượng khách “ruột" ổn định như ngày hôm nay. “Tôi nấu bằng cái tâm, bằng sự kỹ lưỡng và vệ sinh, khi khách ăn sẽ cảm nhận được điều đó. Mỗi ngày được chuẩn bị món cho khách là một niềm vui của vợ chồng tôi", ông chủ nói.
Ở đây, mỗi tô bánh canh giá 35.000 - 50.000 đồng, khá hợp lý. Vợ chú Hải cũng cho biết nếu khách muốn mua tô 10.000 đồng, quán chủ có bán.
Quán ăn này chính là tâm huyết của chú Hải gây dựng suốt mấy chục năm nên chú nói sẽ cố gắng mỗi ngày để đáp lại tình yêu mà khách dành cho mình. Nhiều thực khách thì cũng nói sẽ ủng hộ quán như suốt mấy chục năm nay vẫn vậy, vì đã lỡ phải lòng quán bánh canh kỳ lạ này…
Bình luận (0)