Bánh canh hẹ nấu với sườn non - Ảnh: Mỹ Tuyết |
Cũng như nhiều người khác, mẹ tôi thường làm món bánh canh hẹ tại gia để cả nhà cùng ăn hoặc mời khách, nếu có dịp. Chính vì chế biến tại nhà, đơn giản nhưng ngon và chất lượng nên mẹ tôi thường hay nói đùa “bánh canh tại gia gần bằng ơn cha nghĩa mẹ”. Mẹ nói vậy là nói để vui chứ sánh làm sao được cái ngon của một món ăn bình dân mà gần bằng công ơn trời biển của mẹ cha.
Từ công đoạn làm bột đến khi chọn loại thực phẩm để nấu, mẹ một tay đảm đang, kỹ và nhanh gọn. Riêng công đoạn làm bột, mẹ thường làm một lần rồi để dành nấu nhiều ngày. Cho nên khi cả nhà muốn có bữa bánh canh thay món hoặc để mời khách thì mẹ chỉ cần ra chợ mua thực phẩm như cá tươi, thịt, xương về nấu trong chốc lát là có món ăn liền.
Cái ngon của bánh canh ở chỗ bột dẻo dai và nồi nước nóng đậm chất, ngọt tự nhiên. Nồi bánh canh nấu chín không màu mè, chỉ có nước trong cùng những sợi bánh canh trắng mịn óng mượt hòa với cá hoặc xương thịt và màu hẹ xanh xắt thật nhỏ. Bột bánh mẹ tự tay xay, nhào nặn, làm từ gạo nhà; lá hẹ cũng có sẵn mấy chậu ngoài sân, chỉ có thịt cá là phải mua, nhưng nhà ở gần biển gần chợ nên những thứ đó cũng không lấy gì làm khó.
Từ thời còn khốn khó đến khi cuộc sống đã phát triển, bánh canh tại gia là món truyền thống của nhiều gia đình ở làng tôi. Sau này nhiều người thử nấu rồi đem món ngon này ra phố bán, được người ăn ủng hộ và ưa chuộng. Khắp các đường phố Tuy Hòa bây giờ, quán bánh canh hẹ rất nhiều và đã trở thành một trong những món đặc trưng ở Phú Yên. Mấy chị em tôi và bạn bè được ăn từ nhỏ nên đến bây giờ dù lớn tuổi, đi làm nhiều nơi nhưng không thể nào quên món “ruột thịt” của quê hương mình.
Mỹ Tuyết
Bình luận (0)