Phía bên kia của phở
Tôi là người lữ khách dừng bước chân ngang qua Hà Nội vào một buổi sáng mùa thu và đã trót đem lòng mê luyến vẻ đẹp ẩm thực tinh tế của vùng đất kinh kỳ này. Trong những thức quà ngon được làm ra từ hạt gạo thì bánh cuốn là thứ mà tôi ưa thích hơn tất thảy.
Ở cái xứ sở khởi nguồn từ nền văn minh lúa nước như Việt Nam thì hạt gạo luôn chiếm một vị thế vô cùng quan trọng. Cái thứ “hạt ngọc của đất trời” ấy không chỉ là lương thực chủ đạo mà còn làm nên nét ẩm thực vô cùng độc đáo. Từ món phở nức tiếng thế giới đến những món bánh chưng, bánh dày đậm truyền thống người Việt hay những món bánh lá, bánh bèo, bánh cuốn... dân dã nhưng mang trong mình hồn cốt dân tộc, gắn liền với bàn tay khéo léo của những người phụ nữ Việt quen lam lũ ruộng đồng.
Bánh cuốn không phải là món ngon nhất của Hà thành nhưng tôi cho rằng nó lại có vị Hà Nội nhất. Theo những ghi chép từ trong sách xưa truyền lại, bánh cuốn đã xuất hiện khá lâu trong đời sống của người Việt. Trên dải đất hình chữ S này, ta có thể gặp bánh cuốn với những tên gọi khác nhau như bánh dẻo, bánh mướt, bánh ướt ở các địa phương như Lạng Sơn, Hải Phòng, Hải Dương, Thanh Hóa, Nghệ An... nhưng có lẽ chỉ ở Hà Nội thì thứ bánh ấy mới mang một phong vị đặc trưng nhất.
Hà Nội phồn hoa đã bao lần thay đổi theo nhịp thăng trầm của đất nước, nhưng thành phố ấy vẫn giữ được cái đẹp của người Tràng An nhất là trong văn hóa ẩm thực không bao giờ mất đi sự tinh tế. Bánh cuốn Hà Nội không dày và cứng như bánh Phủ Lý, không ăn kèm nước chấm ninh từ xương lợn như ở Hải Phòng, không mềm như bánh cuốn xứ Thanh...
Tôi đi dọc các con phố, bất cứ đâu cũng có thể sà xuống một hàng bánh cuốn nóng hổi của những cô hàng có nụ cười thân thiện và đôi bàn tay khéo léo tráng ra những chiếc bánh mềm mượt có nhân thịt beo béo kèm với những lát hành phi giòn thơm vàng đẹp mắt rải phía trên. Ăn đĩa bánh cuốn nóng hôi hổi kèm với mất lát chả quế và bát nước mắm chua ngọt trong buổi sáng mùa thu se lạnh thì ấm lòng vô cùng.
Thanh Trì có bánh cuốn ngon/Có gò Ngũ Nhạc có con sông Hồng.
Sẽ thật đáng tiếc cho vị thực khách nào thưởng thức ẩm thực Hà Nội mà thiếu bánh cuốn Thanh Trì, thứ bánh mà từ thời nhà Trần người Việt đã ăn và tặng cho bạn bè, người thân vào dịp tết hàn thực.
|
Những lớp bậc thang màu trắng
Không thể tìm thấy hình ảnh cô hàng bánh cuốn đội thúng trên đầu đi bán khắp các con phố như những năm 1960 kỷ trước, muốn thưởng thức bánh cuốn, tôi đành theo sự hướng dẫn của một người bạn, tìm đến một hàng bánh cuốn gia truyền đã hơn 30 năm ở làng cổ Thanh Trì. Hình ảnh người phụ nữ trung niên ngồi giữa hai nồi nhôm nước sôi xình xịch, hơi nước nghi ngút bay lên qua tấm vải căng ngang mặt nồi khiến cho tôi có một cảm giác thật yên bình.
Không giống bánh cuốn nóng, bánh cuốn Thanh Trì được tráng sẵn từ khi trời còn mờ đất. Mở nắp thùng xốp, từng lớp bánh trắng tinh được xếp như những bậc thang xinh xắn hiện ra. Bác bán hàng khéo léo giở từng lớp bánh xếp vào đĩa. Lá bánh mỏng như tờ giấy mà dai ngon vừa đủ, trên mặt bánh được điểm những cọng hành lá phi thơm hấp dẫn vô cùng.
Thực khách khi ăn không chỉ xuýt xoa vì bánh ngon mà còn thích thú bởi sự tinh tế trong bát nước chấm chua ngọt rất thanh với mùi thơm đặc trưng của cà cuống nướng, miếng chả quế beo béo và vài lá rau thơm. Tất cả đưa lại cho người ta một ấn tượng thật khó quên.
Tôi trò chuyện cùng bác hàng, cảm nhận được rất rõ sự tự hào trong giọng nói của bác khi kể về lịch sử của làng và cái mong muốn gìn giữ, truyền nghề cho con cháu. Nghề nuôi sống mình nhưng mình cũng làm nghề đẹp hơn cháu ạ.
Tôi tin bác cũng như tin bao nhiêu nếp nhà ở ngôi làng này vẫn thủy chung với cái nghề mà ông bà đã truyền lại dù xã hội có hiện đại đến đâu. Để mỗi khi có dịp về thăm Hà Nội, tôi lại vẫn cứ được thỏa thuê với niềm vui thú về ẩm thực nơi đây.
|
Bình luận (0)