Ai … bánh đúc… đi… tiếng rao đó đã trở thành nổi nhớ da diết trong tiềm thức tuổi thơ nhiều người nơi phố phường Hà Nội những năm đầu thế kỉ 20 cùng với Ai tào phớ… nào… Theo dòng thời gian bánh đúc đã không còn được nhiều người yêu thích nữa nhưng mỗi khi thèm nhớ thì đây vẫn là món ăn chơi rất thú vị.
>> Chờ ăn bánh đúc 'chảnh' Phan Đăng Lưu
>> Bánh đúc gợi nhớ thời ấu thơ
>> Độc đáo mắm rạm bánh đúc
Khi nói tới bánh đúc người ta nghĩ ngay món bánh này là của con nhà nghèo, món ăn dân giã của người nông thôn nơi miền quê Việt Nam. Mà bao đời như thế rồi, sao có thể khác được với nguyên liệu làm bánh chỉ đơn giản là bột gạo, chút nước vôi trong, nếu thêm gia vị thì cũng chỉ là muối hay mỡ heo. Tất cả cho vào nồi rồi quậy lên tới khi bột sền sệt lại thì tắt bếp, đổ bột thành bánh trên những tàu lá chuối xanh. Đợi tới khi bánh nguội thì dùng tay bẻ, hoặc lấy dao cắt thành miếng nhỏ, ăn không hoặc chấm với chút tương bần thì ngon tuyệt.
|
Trong những lần họp chợ phiên nơi miền quê chẳng thể thiếu những mẹt bánh đúc của các bà, các cô miệng nhai trầu cười nói luyên thuyên. Nhờ có những mẹt bánh đúc ấy mà nhiều chàng thi sĩ đứng tựa góc khuyất nào đó ngắm nhìn các cô thôn nữ mặc áo yếm, tình tứ và nghĩ ra không biết bao nhiêu là thơ ca. Cũng từ đó mà thứ bánh lạ chỉ làm bằng bột gạo ấy mới có dịp du nhập vào thành phố, tiếng rao “ Ai… bánh đúc… đi… trở nên thân thuộc trên mọi nẻo đường.
Hình ảnh người phụ nữ lúc lỉu với đôi quang gánh, gánh hai mẹt bánh đúc rảo bước giữa những vòng xe đã được nhiều người để ý, cư dân thành phố nhất là Hà Nội đã tiếp nhận món bánh đúc như cái thú ăn chơi tao nhã của người sành ăn, cùng với món bánh cuốn nổi tiếng Thanh Trì.
Nhà văn Vũ Bằng đã không tiếc lời ca ngợi miếng bánh đúc "mặt mịn và bóng như da người phụ nữ vừa tắm xong". Bánh đúc là món quà nơi miền quê mang lên tặng thành phố, vừa rẻ vừa ngon. Chỉ với 5.000 đồng đã có một dĩa, thử tìm xem có thứ gì rẻ mà ngon hơn bánh đúc?
|
Ở Hà Nội nhiều năm về trước ai muốn thưởng thức lại món ăn chơi một thời này thường tìm đến phố Lê Ngọc Hân. Chỉ ở con phố này mới có được một đĩa bánh đúc như ý mình, vừa ăn vừa cảm nhận vị ngòn ngọt của bột gạo, vị beo béo của mỡ heo, vị nồng nồng của nước vôi… hòa quyện vào trong từng miếng bánh đúc.
Trên những nẻo đường của Hà Nội hôm nay đã thiếu vắng dần hình ảnh người phụ nữ với đôi quang gánh lúc lỉu trên vai, rảo bước cùng mẹt quà bánh mà cất tiếng rao trong gió...
Bây giờ là cuối thu, những cơn gió mùa đã tràn về khe khẽ luồn qua kẽ lá, đi trong buổi chiều se lạnh chạnh lòng khắc hoãi nhớ tiếng rao “ Ai … bánh đúc…đi ”.
Đoàn Xuân
(viết tặng một người Hà Nội)
Bình luận (0)