Món bún của miền Nam khá đa dạng và phổ biến. Nếu như ở vùng Tây Nam Bộ có bún mắm hay bún nước lèo chịu ảnh hưởng từ người Chăm, còn có các món bún khác như bún riêu, bún ốc, bún thịt nướng, bún nem hay bún bì... mà trong đó chịu ảnh hưởng từ ẩm thực miền Bắc nhiều nhất có lẽ là bún riêu và bún ốc. Nếu như tô bún riêu nguyên bản chỉ có nước và riêu cua đồng, ăn cùng bún, rau và mắm tôm nên có vị ngọt thanh và ít mặn. Nhưng ở miền Nam một tô bún riêu đúng chuẩn thì thì ngoài vị ngọt của cua đồng, nước dùng còn được nấu với sườn non để tăng độ đậm đà. Ngoài ra màu sắc cũng hấp dẫn hơn nhờ cà chua xào lấy màu cùng một ít màu lấy từ hạt điều. Đó là chưa kể những món ăn kèm khá thú vị như vài miếng đậu hủ chiên hay huyết. Bún thịt nướng Nam Bộ cũng có khá nhiều điểm tương đồng với món bún chả Hà Nội. Chỉ là tương đồng, vì cách dùng bún tươi với các loại thịt, nem, chạo hay bì cùng nước mắm pha và rau sống vốn đã rất phổ biến trong văn hóa ẩm thực Nam Bộ rồi. Ở món bún chả Hà Nội, nước chấm được pha thật nhạt (đến mức hầu như không cảm nhận được vị mặn). Chả, tức thịt băm nhuyễn, viên thành viên tròn, dẹp và nướng vàng thả vào chén nước chấm. Khi thưởng thức, người ta gắp một chút bún và rau mùi rồi nhúng vào chén nước chấm có su hào, cà rốt ngâm chua. Thành phần của bún chả ngoài chả viên như trên còn có chả miếng, tức thịt ba rọi thái mỏng, rất giống với món bún thịt nướng Nam Bộ. Tuy nhiên ở phiên bản Nam Bộ, thịt được ướp gia vị thật đậm đà, cũng như cân đối giữa các vị ngọt, mặn và thơm (có nơi còn cho ít mè hoặc sả vào để khi nướng miếng thịt được thơm hơn). Rau thì hết sức phong phú: salad và các loại rau xắt nhỏ, giá sống, và đặc biệt là dưa leo bằm nhuyễn. Ngoài ra còn phải có mỡ hành và đậu phộng phủ ở phía trên nữa. Nếu như nước chấm của bún chả Hà Nội được pha thật nhạt, thì nước mắm ăn bún thịt nướng Nam Bộ phải đầy đủ vị ngọt, mặn vừa và chua nhẹ của chanh, và tất nhiền không thể thiếu màu đỏ t