Ẩn đằng sau rổ bánh lá tinh tươm, là bóng dáng lom khom của bà nội trợ Nam bộ cần mẫn, miệng thường nở nụ cười tươi, dù trán lấm tấm mồ hôi từ nửa đêm.
>> Ngọt dịu vị bánh bò ngày xưa
>> Giòn tan bánh rán xứ Thanh
Bánh có màu nâu, phớt tím gợi nhớ vẻ “phong sương” và màu đất, của những chiếc áo bà ba lam lũ trên đồng xa, ngoài sông vắng. Đồng vọng những điệu hò, câu ca vọng cổ ngân dài đôi bờ con sông Vàm Cỏ uốn lượn, thấp thoáng những cánh cò.
|
Cái màu nâu tím khẽ khàng, trông đáng thương ấy, được người họa sĩ... chân đất - cũng là người nội trợ chịu thương chịu khó phối màu từ nước cốt của mớ lá mơ tam thể. Một giống mơ hoang dại, mọc nhiều trong những vạt rừng tràm, gò hoang, trảng rừng ngập lợ...
Dân nam bộ thường gọi “lá thúi địt”. Dược sĩ Bùi Kim Tùng đánh giá rất cao loại lá dễ gây... hiểu nhầm này: “Lá mơ có tính thanh nhiệt, giải độc, dùng để trị viêm dạ dày, viêm ruột, kiết lỵ, sôi bụng, ăn không tiêu, thông tiểu. Lá này trị lỵ trực trùng rất hữu hiệu.” (Lược trích từ bài “Lá mơ đúc trứng trị kiết lỵ”, trang 142 - 143, sách Món Ăn Bài Thuốc, tập 1).
Thuở nhỏ, bọn trẻ tinh nghịch quê tôi thường lén bứt nắm này, vò sơ, nắm tay thật chặt, giấu kỹ ra sau lưng, rồi thả ra ngay mũi một thằng đáng ghét nào đó. Nó chỉ còn cách bịt mũi, chửi bới và rượt đánh kẻ chơi ác.
Không chỉ dân xã Bình Phong Thạnh, huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An mà còn vùng cù lao Dung, tỉnh Sóc Trăng cũng biết lấy lá “mơ... bịt mũi” làm bánh.
Có thể bạn sẽ thắc mắc, vậy người ta có... nghẹt mũi khi ăn loại bánh vừa kể không. Hoàn toàn không! Bởi khi qua nhiệt, mùi “đầu tôm, xương cá” hoàn toàn biến mất.
Chỉ còn lại vị ngọt bùi, dẻo mịn của bột gạo, chấm với nước cốt dừa cô (“thắng”) đặc sệt tạo độ ngon thuần phác. Tuy mộc mạc, nhưng phải gặp cái lưỡi tinh tế và một ký ức đồng quê “tươi rói” - mới cảm nhận hết được!
|
Gạo dùng làm bánh là loại gạo cứng, khô thường gọi “gạo đá”, nếu nấu cơm rất khó nuốt trôi. Song dùng gạo này chế biến thành bánh, bún, hủ tíu... thì ngọt, dẻo khỏi chê.
Đồng thời những chiếc lá mít bầu bĩnh, còn gợi nhớ trò chơi bán đồ hàng thời trẻ con. Người viết từng đóng vai một... bà mẹ đảm, sai “đám con” trèo hái lá mít giả làm tiền, mua sính lễ cho đám cưới đứa con trai lớn. Hái “dái mít” (hoa mít đực) làm heo, gáo dừa là xoong, chảo... Vui ơi là vui!
Dừa khô dùng làm bánh cũng phải lựa dừa già, cầm nghe nặng tay, lắc kêu ít nước. Cơm dừa, cũng là món khoái khẩu cho những đứa trẻ thích ăn... vụng. Dược sĩ Nguyễn Văn Bé, ở Long An, gốc Bến Tre tâm sự: “Trên sáu mươi tuổi đời, tui nghiệm ra mình có trí khôn hơn bạn bè là nhờ ăn cơm dừa. Hồi đó nghèo lắm!”
“Xác” cơm dừa già béo đậm, thoang thoảng tinh dầu dừa rất thơm. Trộn với ít nước ấm, vắt ra thành... sữa dừa. Rồi đun lửa liu riu và khuấy đều. Lúc gần đặc, những tinh thể sữa dừa kết tụ lại với nhau - hạt lớn “dìu” hạt nhỏ, hạt nhỏ “đeo” hạt lớn. Dân gian gọi hình ảnh này rất dễ thương: “mẹ bồng con”!
Dừa càng già, cho “mẹ bồng con” càng kịch liệt. Tắt lửa, nêm vào tí muối và chén lá hành hương xắt nhuyễn. Thơm “dậy” cả làng, nếu gặp gió xuôi.
|
Ẩn đằng sau rổ bánh lá tinh tươm, là bóng dáng lom khom của bà nội trợ Nam bộ cần mẫn, miệng thường nở nụ cười tươi, dù trán lấm tấm mồ hôi từ nửa đêm. Đợi nhìn khách ăn “say sưa”, mắt bà mới sáng ánh, lòng bà mới thỏa!
Lột đến chiếc bánh lá thứ ba, chợt gặp ánh mắt mẹ, tôi đã thấu hiểu: một món ăn dù bình dị đến đâu cũng có thể ngon bất ngờ, nếu đầu bếp nghĩ rằng, họ đang chế biến cho người thân!
Mặt khác, “đầu hỏa” (bếp) cũng là chiến tướng, toàn quyền điều khiển, sinh - sát nguyên liệu và đội quân gia vị. Tướng mà chưa hiểu lính thì sẽ đại bại!
Cũng như trong “vở kịch cuộc đời”, mỗi cá nhân thường giỏi 1 - 2 lĩnh vực mà thôi. Gặp tổng đạo diễn... “mù”, không đặt để họ đúng chổ sẽ tội cho... cả hai.
Tạ Tri
Tư liệu tham khảo: “Mơ tam thể” trang 247-248, thạc sỹ Vũ Quốc Trung, sách Cây Thuốc Vị Thuốc Phòng Và Chữa Bệnh Tiêu Hóa, NXB.Văn Hóa Thông Tin.
Bình luận (0)