Bánh mì Việt ở Thụy Sĩ: Cầu nối từ 2 chàng trai nặng tình với quê hương

11/10/2022 12:11 GMT+7

Có nhiều người Thụy Sĩ biết đến món bánh mì Việt Nam nhờ hai thanh niên gốc Việt sinh trưởng trên đất khách nhưng luôn mang trong mình một phần ẩm thực của quê hương.

Tôi biết đến Bánh Mì 136 khi nó xuất hiện trên website BRIDGE Zurich, một sáng kiến giới thiệu và kết nối ẩm thực thế giới từ năm 2020 của tập đoàn bán lẻ lớn nhất Thụy Sĩ Migros.

BRIDGE, tiếng Anh có nghĩa là chiếc cầu, nằm cạnh ga Zurich và được thiết kế với một khu siêu thị bán thực phẩm ở tầng trệt, nhà hàng và quán bar ở tầng gác lửng. Nơi đây phục vụ chủ yếu nhân viên của các nhà băng, công ty tài chính, bảo hiểm… tọa lạc lân cận.

Kỳ (áo đen), Danh và cô em họ Mỹ Phụng chuẩn bị cho một ngày bán hàng đông khách tại BRIDGE
Phuong DASEN

“Bạn đã ăn chưa?”

Bánh Mì 136 hân hạnh được BRIDGE mời đến cho thuê chỗ bán ngay đối diện cửa ra vào của tầng trệt.

Trên website BRIDGE, Bánh Mì 136 được giới thiệu như vầy: “Ở Việt Nam, bánh mì được viết là “Bánh Mì”. Bánh mì que được người Pháp mang đến Việt Nam đầu tiên trong thời kì thuộc địa. Người Việt Nam đã ăn và thêm vào chiếc bánh mì ngoại quốc các nguyên liệu địa phương. Qua nhiều năm, Bánh Mì đã trở thành một phần không thể thiếu trong nền ẩm thực Việt Nam. Tương tự vậy, Bánh Mì 136, ý tưởng về một chiếc xe bán thức ăn Việt Nam được ra đời tại Zurich. Nhưng gốc gác của hai thanh niên tạo ra nó, Đoàn Thanh Danh và Steven Nguyễn Cao Kỳ, là Việt Nam ở vùng Viễn Đông - nơi người quen thường chào nhau bằng câu hỏi “Bạn đã ăn chưa?” Hai chàng trai này đã mang phong tục, khẩu vị và văn hóa ẩm thực của Việt Nam đến Thụy Sĩ, vì họ được sinh ra và nuôi dưỡng trong các gia đình người Việt nên rất quen thuộc với các món ăn Việt Nam. Bằng những nguyên liệu chất lượng cao, họ tạo nên một món ăn thú vị dưới hình thức Bánh Mì.

Bánh Mì 136 tại BRIDGE, tầng trệt, từ ngày 1.12.2021 đến ngày 26.3.2022

Rất mong được gặp bạn, người yêu Bánh Mì”.

Trang trí tiệm Bánh Mì 136 tại BRIDGE Zurich

Phuong DASEN

Bánh mì lưu động và căn nhà số 136

Khi chúng tôi đến dự khai trương chủ đề mới của BRIDGE với tên gọi Mùa xuân châu Á (Asian Spring) giới thiệu ẩm thực Việt Nam hồi đầu tháng 3.2022, Kỳ và Danh đang lúi húi chuẩn bị nguyên liệu và bao bì cho một ngày bán hàng dự là rất đông khách.

Túi giấy đựng Bánh Mì 136 do Kỳ tự ghi nhãn

Phuong DASEN

Kỳ vui vẻ kể với chúng tôi về gia cảnh và nguồn cơn sáng lập Bánh Mì 136. Kỳ và Danh đều được sinh ra vào đầu thập niên 1990 tại Thụy Sĩ. Cha mẹ của Kỳ và Danh đến đất nước này sau năm 1975.

Được học hành và có công việc tương đối ổn định tại Thụy Sĩ, đôi bạn Kỳ -Danh luôn mang nặng tình yêu với Việt Nam và đam mê đối với ẩm thực Việt, đặc biệt là món bánh mì kẹp thịt kèm rau củ muối chua ngọt, dưa leo và ngò rí được rưới thêm nước thịt và xì dầu, không thể lẫn lộn với các loại sandwich chan sốt sền sệt của phương Tây. Dù không sinh ra ở Việt Nam, Kỳ vẫn thân thuộc với ngôi nhà của gia đình mang số 136 tại Quận 1 Sài Gòn, nên khi tạo lập thương hiệu của riêng mình, Kỳ đặt tên nó là Bánh Mì 136.

Tiệm Bánh Mì 136 của Kỳ và Danh ra đời trên một chiếc xe tải cải tiến với địa điểm kinh doanh là một gara xe hơi cũ được biết với cái tên “Spritzwerk” (tiệm phun sơn) trên đại lộ Zollstrasse bên hông nhà ga Zurich, cùng một số quầy thực phẩm lưu động khác.

Danh đang chuẩn bị ổ bánh mì thịt heo quay cho khách quen Thomas

Thục Minh

Giá Bánh Mì 136 lưu động dù vậy không hề thấp: 24 franc (gần 600.000 đồng)/ổ và có thể được giao tận nơi. Khách ăn và khen rất nhiều, Kỳ cho biết.

Nhờ vậy mà BRIDGE mới đưa Bánh Mì 136 vào danh sách đối tác kinh doanh của họ, kèm điều kiện phải giảm giá khi bán tại đây, bên cạnh tiền thuê mặt bằng.

Trên “thực đơn” niêm yết tại BRIDGE, Bánh Mì 136 nhân thịt gà, nhân heo quay, nhân đậu hủ có giá 16 franc, còn loại đặc biệt với thịt xá xíu có giá 18 franc.

Đoàn Thanh Danh (trái) và Steven Nguyễn Cao Kỳ đồng sáng lập Bánh Mì 136 tại Zurich, Thụy Sĩ
Bánh mì Việt Nam: Từ xe đẩy vỉa hè đến món ăn nổi tiếng thế giới

Hẹn gặp lại ở “BRIDGE”! Khi Bánh Mì 136 chuẩn bị “dời đô” từ Spritzwerk vào BRIDGE, nhiều khách quen nói tiếng Đức bồi hồi thương nhớ qua tài khoản của tiệm trên Instagram: “Ôi, phải chờ đến tháng 12 ư? Lẽ nào từ nay đến đó không được ăn Bánh Mì?” Kỳ đáp lại: “Hẹn gặp lại tại BRIDGE. Tháng 12”.

Và tôi đã gặp ở BRIDGE một Thomas. Cậu ấy mua một ổ bánh mì nhân heo quay để cầm đi làm, dù khi đó đã 11 giờ sáng. Thomas cho biết đã từng đi du lịch Việt Nam 2 lần, cách đây 20 năm và 3 năm. Đến Việt Nam, cậu thăm TP.HCM, Đà Nẵng và Hà Nội, ăn thử bánh mì. Để rồi không quên hương vị của nó.

Kỳ (áo trắng) và Danh với tiệm Bánh Mì 136 trên chiếc xe tải lưu động

Thomas sống và làm việc ở Zurich. Một ngày kia cậu phát hiện Bánh Mì 136 ở Spritwerk và mua ăn mỗi buổi sáng. Đến khi tiệm chuyển vào BRIDGE, Thomas vẫn tiếp tục vào đây mua.

Nhưng Thomas và những người yêu Bánh Mì 136 ở Zurich sẽ lại phải tìm Kỳ và Danh ở một “chiếc cầu” khác. Hợp đồng thuê chỗ bán hàng giữa Bánh Mì 136 và BRIDGE đã kết thúc vào cuối tháng 9.2022, sau khi đã gia hạn thêm 6 tháng so với dự kiến ban đầu, Kỳ vừa báo cho tôi trong tiếc nuối: “Bán ở BRIDGE rất được. Nhưng người ta phải lấy lại chỗ để còn giới thiệu ẩm thực của nước khác”.

Bánh Mì 136

Hiện tại Kỳ và Danh đang tạm nghỉ và tìm chỗ mới. Nhưng chắc chắn là Bánh Mì 136 sẽ sớm trở lại ở một địa điểm khác, để tiếp tục sứ mệnh mang một phần ẩm thực quê hương Việt Nam đến với người Zurich nói riêng và người Thụy Sĩ nói chung của Kỳ và Danh.

Bánh Mì 136 và các loại nhân khác nhau

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.