Sự kiện bánh tráng cù lao Mây (xã Lục Sĩ Thành, H.Trà Ôn, Vĩnh Long) lần đầu tiên được xuất khẩu sang Mỹ đã làm nức lòng người dân ở làng nghề truyền thống tồn tại hàng trăm năm này.
Đóng gói bánh tráng bằng máy - Ảnh: An Lạc
|
Làng nghề nổi tiếng
Từ cầu Cần Thơ, theo quốc lộ 54 đi chừng 30 phút là đến H.Trà Ôn, ngồi phà thêm 10 phút sẽ đặt chân lên cù lao Mây - nơi có làng nghề làm bánh tráng nổi tiếng. Ông Nguyễn Thành Luân, Chủ tịch UBND xã Lục Sĩ Thành, cho biết: “Nghề làm bánh tráng ở cù lao Mây đã vang danh xa gần từ nhiều năm nay. Mới đây, sản phẩm của xứ này còn được đưa sang Mỹ”. Còn chị Nguyễn Thị Hằng (ngụ ấp Tân Thạnh, xã Lục Sĩ Thành) nói: “Mấy chục năm theo làm nghề bánh tráng nhưng bây giờ là vui nhất. Việc xuất khẩu đã nâng thêm tiếng tăm cho bánh tráng cù lao Mây, nhờ đó khách hàng cũng đặt mua nhiều hơn”.
Đi một vòng cù lao, chúng tôi thấy không khí sản xuất bánh tráng rất nhộn nhịp. Nghề làm bánh tráng diễn ra quanh năm. Thông thường, cứ khoảng 3 giờ sáng là các lò bánh bắt đầu thổi lửa, làm bột… để chuẩn bị tráng bánh cho tới tận chiều tối. Bà Nguyễn Thị Nhan (73 tuổi), một trong những thợ tráng bánh giỏi nhất ở cù lao Mây, nhớ lại: “Tôi bắt đầu học làm bánh tráng từ năm 17 tuổi, rồi theo nghề cho tới tận bây giờ. So với những nơi khác thì bánh tráng cù lao Mây được khách hàng nhận xét là ngon hơn bởi độ dẻo, dai và ít bể”. Theo bà Nhan, để làm được bánh tráng ngon phải chọn đúng loại gạo Tài Nguyên lúa mùa kết hợp với bí quyết trộn đường, sữa, mè, dừa… Chính sự công phu trong cách pha chế đã giúp bánh tráng cù lao Mây có hương vị riêng mà người tiêu dùng rất ưa chuộng. Có lẽ vì thế mà làng nghề này mới giữ được sức sống lâu bền và còn lan truyền sang nhiều nơi khác.
Thúc đẩy làm ăn hợp tác
Đề cập chuyện bánh tráng lần đầu đi Mỹ, ông Lương Văn Thông, Chủ nhiệm HTX Bánh tráng cù lao Mây, hồ hởi cho biết: “Mấy năm nay, Cơ sở bánh tráng Lệ Hằng và một số cơ sở khác cũng có sản phẩm “xuất ngoại” nhưng số lượng không lớn. Dịp cuối năm 2014, có một khách hàng ở Mỹ liên lạc với chúng tôi, nói “rất ghiền sản phẩm nhà quê này” và muốn đặt mua 4.000 cái bánh tráng ngọt cỡ 35 x 35 cm, với giá 3.500 đồng/cái. Chỉ trong vài hôm là chúng tôi giao đủ hàng cho khách. Rất mừng là vị khách này đánh giá cao và hẹn sẽ tiếp tục làm ăn trong năm 2015”.
Theo ông Luân, để làng nghề làm bánh tráng thích nghi với tình hình kinh tế thị trường hiện nay, địa phương đã thành lập HTX Bánh tráng cù lao Mây vào năm 2011. Song song đó, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể cho làng nghề. Mới đây, Viện Năng suất VN hỗ trợ HTX 7 máy hút chân không, nâng thời gian bảo quản bánh lên 90 ngày nên rất thuận lợi trong việc xuất khẩu hàng đi Mỹ và các thị trường khác.
Ông Thông cho biết để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, sản phẩm bánh tráng cù lao Mây hiện nay rất đa dạng, gồm: bánh tráng ngọt, bánh trắng, bánh dừa, bánh sữa, bánh cay… Một số siêu thị đã đến tìm hiểu làng nghề và thống nhất đặt hàng mua hàng dài hạn. Bên cạnh đó, HTX cũng tiếp tục tìm đường đưa sản phẩm truyền thống này đi các nước.
Có thể nói nghề sản xuất bánh tráng ở cù lao Mây đang có bước tiến đáng kể theo hướng áp dụng công nghệ hiện đại, đáp ứng tốt về chất lượng và các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. “Vấn đề hiện nay là cần gắn kết chặt chẽ hơn 72 hộ làng nghề, từ chỗ làm ăn tự phát, nhỏ lẻ sang hướng hợp tác sản xuất theo đơn đặt hàng quy mô lớn. Từ đó đưa làng nghề vào sản xuất liên tục, giúp bà con tăng thu nhập, làm giàu bằng chính sản phẩm truyền thống của mình”, ông Luân nói.
Bình luận (0)