Bánh tráng yêu thương

12/08/2020 08:00 GMT+7

Cũng giống như các địa phương khác, miền Trung là cái nôi sinh ra nhiều loại thức ăn và đặc biệt là các loại bánh.

Chiếc bánh quê tôi được làm ra từ dải đất gian khó nhiều mưa nắng nên cũng mang đủ phẩm chất của con người xứ nhọc nhằn. Từ ruộng đồng, từng hạt gạo một nắng hai sương qua bàn tay người thợ đã làm nên hình hài những chiếc bánh nặng nghĩa tình.
Đối với người dân nghèo quê tôi, hạt gạo là của hiếm vì sống nơi ruộng vườn thì ít mà đồi núi thì nhiều. Ngoài thóc lúa, chiếc bánh quê tôi còn được sinh ra từ các loại cây lương thực khác như khoai, sắn, đậu... Thế nhưng giống như cô thôn nữ chân quê mộc mạc, các loại bánh làm từ khoai sắn đã được lên ngôi không chỉ đi vào từng bữa ăn giáp hạt mà còn mạnh dạn bước chân vào cung vua phủ chúa trở thành món ngon truyền thống. Đó là chiếc bánh bèo, bánh gói, bánh quai vạc, bánh tu huýt làm từ bột sắn bột khoai... bao đời nay đã trở thành niềm tự hào của người dân cố đô Huế.
Dù đi xa nhưng những người con miền Trung ở chân trời góc bể nào cũng thầm cảm ơn những chiếc bánh làm ra từ đôi tay lao động của người cha cần cù và giọt mồ hôi vất vả của người mẹ giàu đức hy sinh. Nếu cho tôi chọn loại bánh nào đại diện cho con người và vùng đất miền Trung quê mình thì tôi xin chọn chiếc bánh tráng.

Tiết canh, nộm gà, nộm vịt cũng không thể thiếu chiếc bánh tráng đứng bên cạnh để dung hòa giữa độ cứng và độ mềm trong thức ăn

Ảnh: Hương Thủy

Thực ra không chỉ miền Trung mới có bánh tráng mà ở trong Nam và nhất là ngoài Bắc cũng có loại bánh phổ biến này với tên gọi là bánh đa. Nếu bánh đa dựa vào hình dáng để đặt tên thì bánh tráng lại dựa vào thao tác làm ra sản phẩm để gọi tên bánh. Phải nói rằng, quê tôi phiên chợ nào cũng có mặt chiếc bánh tráng nên rất phổ biến. Có lẽ vì thế mà tuổi thơ ai cũng có nhiều kỷ niệm với loại bánh này. Những đứa trẻ mong mẹ đi chợ về không chỉ để được gặp người thân yêu nhất mà quan trọng còn là được nhận lấy chiếc bánh tròn vành vạnh như chiếc đĩa để xoa dịu cơn đói. Và dù đi chợ thiếu tiền, thiếu đồ ăn nhưng bao giờ người mẹ cũng dành vài hào mua ít nhất một chiếc bánh chia đều cho các con. Chỉ nghe tiếng mẹ bẻ bánh tráng rôm rốp chia phần là đã muốn nhón chân lên giành lấy phần nhiều. Vị ngon của bột gạo, vị thơm của hạt vừng (mè) như theo cổ họng trôi tuột vào dạ dày xua tan cảm giác thèm ăn của lũ trẻ chân đất.
Khi lớn lên, chúng tôi mới cảm nhận được sức sống lâu bền của chiếc bánh tráng đã gắn chặt với mảnh đất và con người miền Trung. Hạt gạo làm ra chiếc bánh chính là linh hồn của sản phẩm, là máu thịt không thể thiếu được của mỗi chiếc bánh. Gửi vào trong đó là công sức của người nông dân hàng ngày ra đồng chăm lúa. Đời bánh cũng vất vả như đời người vì phải qua những công đoạn ngâm nước, xay bột, trộn vừng. Phải ba chìm bảy nổi qua các công đoạn tráng mỏng trên bếp lửa hồng rồi phơi dưới nắng gắt và cả phơi sương đêm chiếc bánh mới có hình hài tròn trịa dâng cho đời.
Nhiều món ăn quê tôi không thể thiếu bánh tráng, bằng sự kết hợp rất tài tình để cho bữa tiệc thêm thịnh soạn. Bánh tráng kẹp với bánh mướt để tạo ra món bánh cặp mà chỉ có ở miền Trung. Bánh tráng còn làm chiếc áo bên ngoài che chở cho món kẹo lạc để thành đặc sản cu - đơ Hà Tĩnh nổi tiếng. Tiết canh, nộm gà, nộm vịt cũng không thể thiếu chiếc bánh tráng đứng bên cạnh để dung hòa giữa độ cứng và độ mềm trong thức ăn. Dù đi xa nhưng người dân quê tôi vẫn thèm ăn món bánh tráng xúc hến, xúc nhộng tằm xào giá. Món ăn dân dã mà mang đậm hồn quê. Hai địa danh nổi tiếng ở miền Trung là bánh tráng Đô Lương (Nghệ An) và bánh tráng Tuy Hòa (Phú Yên). Nguồn nước và hạt gạo đã làm cho bánh tráng 2 vùng đất này lên ngôi đầu bảng. Đêm rằm nhìn trăng trên trời là lũ trẻ nghĩ ngay tới chiếc bánh tráng, nếu đêm nào trăng khuyết lại bảo chú Cuội đang ngồi ăn bánh tráng trên cao. Trai gái hạnh phúc viên mãn cũng được ví như hình tròn của chiếc bánh tráng.
Có lần tôi được nghe ông nội kể, người dân quê tôi thích ăn bánh tráng là để nhớ công ơn của vị anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ. Trong cuộc hành quân ra Bắc để tiêu diệt 20 vạn quân Thanh, Nguyễn Huệ đã có sáng kiến cho quân lính mang theo hàng trăm chiếc bánh tráng để làm lương thực. Rõ ràng cùng với giáo gươm súng đạn, bánh tráng đã trở thành một thứ vũ khí góp nên sức mạnh để ông cha ta làm nên chiến thắng tiêu diệt quân thù.
Mỗi lần nghe câu hát: “Vời vợi tuổi thơ một xu bánh đa vừng” chắc hẳn người dân miền Trung ai cũng nhớ đến tuổi thơ mình với nhiều kỷ niêm thân thương và không thể không thương nhớ tới miền Trung yêu dấu.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.