Các kiểu bánh ngoại
Chưa năm nào, trên thị trường Hà Nội lại xuất hiện nhiều loại bánh trung thu ngoại như năm nay. Các cửa hàng kinh doanh trên mạng xã hội đua nhau giới thiệu các loại bánh từ Hồng Kông, Malaysia, Đài Loan, Singapore, Thái Lan…
Chị Thùy Linh, chủ của hàng bán hoa quả thực phẩm nhập ngoại trên phố Minh Khai (quận Hai Bà Trưng) cho biết: “Mấy năm nay, người tiêu dùng trong nước đã nhàm chán với các loại bánh nướng, bánh dẻo truyền thống. Chúng tôi nhập bánh ngoại về bán vì muốn đem lại sự mới mẻ, đáp ứng nhu cầu ẩm thực ngày càng cao của người tiêu dùng”.
Một trong những loại bánh ngoại ưa chuộng nhất là bánh có xuất xứ từ Hồng Kông - nơi có nhiều hãng bánh trung thu nổi tiếng hơn 100 năm tuổi. Giá bánh mỗi nơi một khác, từ 950.000 - 1,5 triệu đồng/hộp. Tại một cửa hàng kinh doanh online có địa chỉ trên phố Nguyễn Lương Bằng (quận Đống Đa), bánh trung thu “xách tay” từ Hồng Kông được bán 220.000 đồng/chiếc. Theo người bán hàng quảng cáo, bánh ngoại sử dụng thực phẩm giàu chất dinh dưỡng là đậu đỏ và hạt óc chó, tốt cho sức khỏe, ít cholesterol phù hợp với người cao tuổi, trẻ em và phụ nữ có thai. Ngoài ra, ăn bánh còn có tác dụng đẹp da, nhuận tràng, chống lão hóa…
Tại siêu thị mini trên phố Nguyễn Khắc Hiếu (quận Ba Đình) có tới hơn 30 loại bánh nhập từ Hồng Kông với nhiều mẫu mã và chủng loại khác nhau, giá từ 1 triệu đồng/hộp. Ngoài những hộp bánh to cho người lớn, cửa hàng này còn nhập bánh trung thu dành cho trẻ em với những hình thù ngộ nghĩnh, giá hơn 800.000 đồng/hộp 4 chiếc.
Tại một cửa hàng online bán bánh ngoại, chị Khúc Ngọc Anh, chủ cửa hàng cho hay: “Cửa hàng tôi nhập bánh trung thu từ Đài Loan, Malaysia... nhưng năm nay được ưa chuộng nhất là bánh Lava của Hồng Kông. Trung bình chúng tôi bán được 100 hộp/ ngày. Khách hàng mua để ăn cũng có, nhưng phần lớn là đi biếu”.
Ngoài bánh Lava của Hồng Kông đắt hàng, mùa bánh trung thu năm nay còn một sản phẩm bánh nhập ngoại đang “làm mưa, làm gió” trên các trang bán hàng trực tuyến là bánh trung thu của hãng Tai Thong đến từ Malaysia với giá từ 1,2 - 2,1 triệu đồng/hộp. Sản phẩm được nhiều cửa hàng quảng cáo “xách tay” trực tiếp từ Malaysia bằng đường hàng không, khách hàng muốn mua phải đặt trước 2 ngày và đặt cọc tiền.
Ngoài ra, trên thị trường còn có bánh trung thu ngàn lớp của Đài Loan được các cửa hàng quảng cáo là mặt hàng được săn lùng nhiều nhất vào dịp Trung thu tại Đài Loan, cũng đang bán với giá 700.000 - 900.000 đồng/hộp (8 chiếc)...
Tỷ lệ bánh rởm rất cao
Các loại bánh ngoại có mặt ở Việt Nam được quảng cáo có nhiều tác dụng như: giúp giảm cân, làm đẹp, tốt cho tim mạch và huyết áp, trẻ hóa làn da, bổ sung vitamin E, không bị tiểu đường... Tuy nhiên, hầu hết các loại bánh này đều không rõ nguồn gốc, xuất xứ nên khó kiểm soát chất lượng.
Chị Vũ Phương Thúy, một khách hàng đã dùng thử bánh trung thu ngoại cho hay: “Tôi thấy lạ nên mua về ăn thử, nhưng không hợp khẩu vị cho lắm, bánh vừa ngọt, vừa mặn, vừa cay. Tôi băn khoăn nhất là hạn sử dụng, trong khi bánh trong nước chỉ trong vòng khoảng 1 tháng thì bánh ngoại ghi hạn sử dụng tới 4 tháng”.
tin liên quan
‘Sốt’ bánh trung thu nhân kim saBánh trung thu kim sa dự báo sẽ “gây bão”. Bánh trung thu kim sa “thần thánh”. Bánh trung thu kim sa “đốn tim” giới trẻ... là những lời cảm thán đã xuất hiện trên mạng trong mùa trung thu.
Chị Khúc Ngọc Anh, chủ cửa hàng online nêu trên cũng thừa nhận: “Trên thị trường Việt Nam đã xuất hiện bánh trung thu nhái từ Trung Quốc, trà trộn vào với bánh thật bán với giá cao. Cũng đã có người cho tôi ăn thử loại bánh này. Nhân bánh bở như khoai. Chữ và logo trên bao bì mờ không rõ nét như bánh thật”.
PGS - TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm (ĐH Bách khoa Hà Nội) cho rằng, nhiều người Việt thích đồ ngoại. Cũng giống như nhiều mặt hàng khác, bánh trung thu “xách tay” chỉ là mốt thời thượng. Nếu mua ở những địa chỉ uy tín, có mối quan hệ quen biết có thể tin tưởng được. Nhưng hàng hóa “xách tay” nói chung và mặt hàng bánh trung thu nói riêng, tỷ lệ rởm rất cao. Mua đắt tiền chưa chắc đã đảm bao an toàn.
“Theo quy định, tất cả các hàng hóa nước ngoài khi vào Việt Nam đều phải có nhãn phụ bằng tiếng Việt. Những sản phẩm không có nhãn phụ được coi là không rõ nguồn gốc, xuất xứ thì không nên tin dùng”, ông Thịnh khuyến cáo.
Bình luận (0)