Bánh trung thu rớt giá thê thảm sau rằm

20/09/2024 07:00 GMT+7

Bánh trung thu trên thị trường Hà Nội đang được bán với giá cao ngất ngưởng, nhưng chỉ sau rằm tháng 8, các loại bánh nướng, bánh dẻo đều giảm giá 'sập sàn' từ 50 - 70%.

Ế do mưa bão

Những năm trước, sau rằm trung thu, các quầy bánh trên vỉa hè các tuyến phố Hà Nội đều phải dọn dẹp trả lại mặt bằng. Nhưng năm nay, sang đến ngày 18 - 19.9 (tức ngày 16 - 17.8 âm lịch), nhiều quầy bánh trung thu trên các tuyến phố Trương Định, Thanh Nhàn, Trần Đăng Ninh, Nguyễn Chí Thanh, Mễ Trì… vẫn mở bán.

Bánh trung thu rớt giá thê thảm sau rằm- Ảnh 1.

Bánh trung thu đại hạ giá bày bán trên phố sau rằm

ẢNH: T.H

Tại cổng công viên Tuổi trẻ trên phố Thanh Nhàn (Q.Hai Bà Trưng), một tấm biển rất to in dòng chữ "Bánh trung thu cao cấp đại hạ giá" được căng lên khiến người đi đường đều phải ngoái nhìn.

Trên quầy hàng, các loại bánh trung thu, từ bánh không nhãn mác đến bánh có thương hiệu bày la liệt. Bên dưới quầy là những sọt bánh trung thu chất chồng. Giá ở đây rẻ nhất là bánh trung thu trứng chảy 10.000 đồng/chiếc, các loại có thương hiệu giá 100.000 đồng/3 chiếc, mua lẻ 35.000 đồng/chiếc; bánh trung thu khách sạn giá từ 35.000 - 50.000 đồng/chiếc.

Một nhân viên bán hàng cho biết: "Thông thường các đại lý bán được nhiều nhất tầm trước trung thu 1 tuần, nhưng năm nay, do mưa bão kéo dài, đường ngập, thị trường bánh trung thu khá ảm đạm. Số lượng bánh bán ra chưa được một nửa so với năm ngoái. Bánh "ế" của nhiều hãng sau rằm được chúng tôi gom về đây bán, kiếm thêm đồng nào hay đồng ấy. Các loại bánh nhân thập cẩm có giá rẻ nhất cũng phải từ 89.000 đồng/chiếc trở lên, nay giảm chỉ còn 1/3".

Chỉ tay vào những thùng bánh còn xếp chồng dưới đất, nhân viên bán hàng này nói thêm: "Hàng còn nhiều lắm, hạn còn dài đến tháng 10, muốn số lượng bao nhiêu cũng có, mấy ngày tới tôi vẫn ở đây, bán đến bao giờ hết bánh thì thôi".

Còn tại ngã tư Phạm Ngọc Thạch - Chùa Bộc (Q.Đống Đa), hàng bánh trung thu của hãng Rose Pie dù đã treo biển đại hạ giá nhưng chỉ lác đác vài người đến mua. Giá bánh được quảng cáo là cao cấp đang từ 25.000 - 35.000 đồng/chiếc.

Theo nhân viên cửa hàng này, bánh bán chậm là do mưa bão. "Chúng tôi bán rẻ để xả hàng tồn, thu hồi vốn, nhưng cũng chỉ được phép bán đến hết tuần này thôi", nữ nhân viên chia sẻ.

Cầm trên tay 4 chiếc bánh trung thu thập cẩm, Nguyễn Hải Anh, sinh viên Trường ĐH Kinh tế quốc dân, cho hay: "Bánh trung thu quá đắt, bọn em làm gì có tiền bỏ ra nửa triệu đồng mua 1 hộp bánh về ăn. Năm nào cũng thế, sau rằm giá bánh giảm còn 1 nửa, bọn em mới mua bánh về liên hoan".

Trong khi đó, trên các chợ cư dân online, nhiều người kinh doanh bánh trung thu đang kêu gọi "giải cứu" bánh trung thu. Chị Vũ Thanh T., ở Q.Long Biên cho hay, một người bạn của chị ở Thái Nguyên vay tiền nhập bánh trung thu về bán, gặp đúng dịp Thái Nguyên mưa ngập nhiều ngày, còn 2.000 chiếc bánh không bán được. Khi nước rút mới chuyển về Hà Nội nhờ chị thanh lý với giá từ 50.000 - 60.000 đồng/chiếc. Mua từ 4 bánh trở lên được miễn ship.

"Mấy hôm nay, tôi lên mạng kêu gọi bạn bè, người thân, hàng xóm, cộng đồng mạng "giải cứu" giúp bạn tôi vớt vát được đồng nào hay đồng ấy. Bánh dẻo hạn chỉ có 10 ngày, nếu bán không được coi như là phải bỏ hết", chị T nói.

Trên chợ cư dân của một chung cư tại P.Đại Mỗ (Q.Nam Từ Liêm), bánh trung thu cao cấp của khách sạn sản xuất được rao bán "xả kho" cả nghìn chiếc với giá giảm 70%. Giá 20.000 đồng/chiếc, nếu mua sỉ từ 100 chiếc trở lên sẽ được ưu đãi giá "đẹp".

Cẩn trọng mua bánh giá rẻ không rõ nguồn gốc

Theo ông Đặng Thanh Phong, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội (Sở Y tế Hà Nội), thời gian qua, các lực lượng chức năng đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát các các sản phẩm bánh trung thu bán trên thị trường. Tuy nhiên, với các loại bánh trung thu "siêu rẻ", không có nguồn gốc, không hạn sử dụng bán trôi nổi trên thị trường hoặc chào bán trên mạng xã hội thì rất khó kiểm soát. Đa phần người bán hàng không đăng ký giấy phép kinh doanh, các sản phẩm không dán tem nhãn, không có địa chỉ nơi sản xuất nên công tác kiểm tra, quản lý gặp nhiều khó khăn.

Theo PGS - TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm (ĐH Bách khoa Hà Nội), sau mỗi mùa trung thu, việc các cửa hàng bán bánh hạ giá để thu hồi vốn là chuyện hết sức bình thường.

"Tuy nhiên, do năm nay thời tiết thất thường vừa nắng nóng, vừa mưa bão dài ngày, các quầy bánh trung thu hầu hết ở ngoài đường, nếu bảo quản không tốt rất dễ bị hỏng, ôi thiu, ảnh hưởng đến chất lượng bánh và sức khỏe của người tiêu dùng. Nếu là các loại bánh có nhãn mác, còn hạn thì không sao, người tiêu dùng không nên ham rẻ mua các loại bánh hạ giá mà không có nguồn gốc, xuất xứ, không nhãn phụ ghi bằng tiếng Việt", ông Thịnh cảnh báo.

Để sử dụng bánh trung thu an toàn, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) khuyến cáo khi mua bánh người tiêu dùng cần chú ý sản phẩm phải có nguồn gốc rõ ràng; có tên của nhà sản xuất, địa chỉ nơi sản xuất, có hướng dẫn sử dụng, bảo quản...; chỉ mua, sử dụng thực phẩm, phụ gia thực phẩm có nhãn mác đầy đủ, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.

Người tiêu dùng nên lựa chọn các nhà sản xuất đáp ứng các quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm. Sản phẩm phải ghi ngày sản xuất, thời hạn sử dụng và còn hạn sử dụng. Sản phẩm được bày bán ở những địa điểm kinh doanh xác định, đáp ứng các yêu cầu về điều kiện kinh doanh thực phẩm như: có đủ trang thiết bị che đậy tránh bụi bẩn, mưa nắng, côn trùng xâm nhập, bảo quản đúng quy định trên nhãn sản phẩm của nhà sản xuất.

Khi lựa chọn bánh trung thu, người tiêu dùng phải sử dụng cảm quan để đánh giá, bảo đảm sản phẩm không bị dập nát biến dạng, bao bì không rách nát, không có màu sắc khác thường, không bị thiu, ẩm mốc, hư hỏng và không có mùi khác lạ.

Đặc biệt, tuyệt đối không lựa chọn, mua sản phẩm trôi nổi, không có nguồn gốc, hàng hết hạn sử dụng, bao bì rách nát, sản phẩm biến dạng, hàng lậu.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.