Bà Trần Thu Thủy, nhà phân phối bánh trung thu Kinh Đô cho thị trường Hà Nội, cho biết năm nay, bánh trung thu của hãng này gần như không tăng giá. So với mùa bánh năm ngoái, trung bình bánh Kinh Đô chỉ nhích lên 5 - 6% giá. Mẫu mã cũng có thay đổi để tạo cảm giác mới cho người mua.
Hãng này cũng có thêm vị mới từ nấm đông cô. Các vị đắt khách từ năm trước vẫn tiếp tục được sản xuất như bào ngư, gà quay sốt rượu, sữa dừa, hạt maca… Bánh bào ngư vẫn dẫn đầu về giá, với loại bánh 250 g có giá 160.000 đồng, bánh 210 g giá 135.000 đồng. Bánh nướng, dẻo nấm đông cô sốt rượu rum có giá thấp hơn: 120.000 đồng bánh 250 g, 110.000 đồng bánh 210 g…
Dòng bánh khách sạn cũng đã ra chợ. Bếp trưởng Wong Chi Ming của Khách sạn JW Marriott Hanoi chia sẻ: "Tôi luôn làm theo lời dạy của thầy, giữ công thức làm bánh truyền thống đã lưu truyền qua nhiều thế hệ. Chúng tôi vừa có bánh cổ truyền, vừa có vị mới cho năm nay là socola hạt dẻ và lá dứa. Đó là bánh trung thu tươi theo công thức gia truyền của tôi”. Bánh của khách sạn 6 sao này có giá cao nhất là 1,7 triệu đồng/hộp, gồm 4 bánh và 1 chai rượu; hộp 2 bánh giá 400.000 đồng và hộp 6 bánh 850.000 đồng.
Bánh truyền thống “cháy” hàng từ sớm
Bánh trung thu truyền thống của các nghệ nhân có tiếng tại Hà Nội cũng đã bán và nhận đặt hàng. Do quy mô sản xuất không lớn, lại có những nguyên liệu phải tự làm, nên số lượng bánh của các nghệ nhân cũng có hạn. Thời điểm này, một số nhà bánh ngon đã đưa ra giới hạn đặt hàng. Chẳng hạn, bánh trung thu của nhà Vinh Thu (14 Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm) đã thông báo trên trang facebook việc chỉ nhận đặt bánh cho rằm tháng 7 đến 10 âm lịch tháng này (31.8 dương lịch), nhận đặt bánh rằm tháng 8 đến mùng 8 âm lịch của tháng 8. Vinh Thu mạnh về bánh nướng thập cẩm gà quay.
Bà Quản Kim Yến, người quản lý của Vinh Thu, cho biết hạt sen, mỡ muối đều do nhà tự làm. Chưa kể, với bánh đỗ xanh, Vinh Thu dùng đỗ xanh nguyên vỏ ngâm rồi mới đãi làm bánh. Như thế, vị đỗ xanh sẽ thơm ngậy hơn. Giá bánh có trứng muối hay không đều như nhau, 50.000 đồng/bánh 150 g. “Chúng tôi tự làm lấy hạt sen ngay khi sen vào mùa theo cách riêng, như thế để giữ hương sen nguyên vẹn”, bà Yến cho biết.
Mùa bánh trung thu với nghệ nhân Ánh Tuyết (25 Mã Mây, quận Hoàn Kiếm) cũng bắt đầu rất sớm. “Mỡ muối tôi phải kén mỡ gáy, phải muối 4 tháng mới ngon. Lúc đó mỡ trong và không ngấy. Bản thân mỡ gáy cũng có độ giòn và không ngậy quá như mỡ thăn. Miếng mỡ muối khi thái ra phải trong veo mới là đạt. Lúc đó bánh trung thu sẽ béo mà không ngấy”, bà Tuyết bật mí bí quyết làm bánh. Bà cũng chủ động trong việc làm các nguyên liệu khác của bánh trung thu.
tin liên quan
Giữ “tết xưa” với bánh trung thu cổ truyềnCũng như ông cha ta ngày xưa quan niệm: “Miếng trầu là đầu câu chuyện”, chiếc bánh trung thu chính là vật chứng cho nét văn hóa truyền thống dân tộc: Tết Trung thu.
Đặc biệt, bà Tuyết vẫn giữ cách đập bánh dẻo truyền thống, dùng lòng trứng tạo độ trắng chứ không dùng hóa chất để tẩy màu. Bà lưu ý nếu bánh dẻo quá trắng mà không có độ ngà ngà thì đã dùng thuốc tẩy rồi. Bánh của nghệ nhân này cũng “khóa sổ” đơn đặt hàng từ sớm. Năm nay, việc giao trả hàng sẽ kết thúc vào ngày 12.8 âm lịch. Việc đặt hàng thường kết thúc sớm hơn, tùy theo số đơn hàng nhận được. Giá bánh cũng rất mềm: 50.000 đồng/bánh 200 g.
Một hàng bánh khác cũng được nhiều người yêu mến là bánh Gia Trịnh (16A Lý Nam Đế, quận Hoàn Kiếm). Nhà bánh này cũng có bánh thập cẩm, bánh đỗ như nhiều nhà khác, tuy nhiên, bánh nướng, bánh dẻo cốm của Gia Trịnh có vị ngon lạ. Mặc dù vậy, do độ dẻo của nhân cốm, tạo hình bánh dẻo thường mỏng và khi cắt khó sắc nét. Bánh dẻo và nướng nhân cốm có giá 125.000 một chiếc 500 g. Gia Trịnh cũng có những set bánh lẫn cả nướng, dẻo, gấc, gai, phu thê… tùy cho khách chọn.
Có lẽ, trong số các nhà bánh nổi tiếng, nhà bánh Ninh Hương (22 Hàng Điếu, quận Hoàn Kiếm) là có cách bán hàng bình thản nhất. Đây cũng là cửa hàng bán bánh nướng bánh dẻo quanh năm. Vị bánh chuẩn chỉnh Hà Nội xưa, tuy thời gian gần đây cũng chỉnh đường cho bớt ngọt… Bánh có giá từ 40.000 đồng trở lên, tùy theo kích cỡ. Tuy nhiên, vị vừng và hạt dưa thơm nhẹ dai dẳng, vị béo ngọt cân đối ở đây cũng là điểm nhiều người mê, càng ăn càng nghiện.
Hiện tại, các nhà bánh của nghệ nhân đều đã bán bánh trung thu. Khách có thể đến mua tận nơi từ 9 - 21 giờ hàng ngày.
Tuy nhiên, để yên tâm, khách có thể đặt qua các trang facebook của nhà bánh, hoặc yêu cầu thêm dịch vụ chuyển hàng tận nơi. JW Marriott Hanoi cũng có dịch vụ gọi chuyển bánh tận nơi trên facebook của khách sạn. Bánh Kinh Đô cũng đã bán tại nhiều điểm bán hàng khác nhau trong thành phố.
|
Bình luận (0)