Làng Phương Lang thuộc xã Hải Ba (H.Hải Lăng, Quảng Trị) nổi tiếng với món... bánh ướt. Thứ bánh mang tên ngắn gọn, dung dị đã và đang làm cho làng chuyển mình từng ngày.
Sau khi đầu tư hệ thống máy móc để làm nghề bánh ướt truyền thống, anh Lê Hữu Nam đã có những thành công bước đầu - Ảnh: Nguyễn Phúc
|
Ai đó đã từng nói với tôi rằng hạt gạo là hạt ngọc của thiên nhiên, là kết quả của sau cuộc hôn phối của đất và trời. Bởi vậy, chỉ cần những hạt gạo và bằng đôi tay khéo léo, những cư dân nông nghiệp có thể tạo ra triệu triệu những món ngon, lạ. Bánh ướt là một trong những biến tấu tuyệt vời đó. Và phàm ở Quảng Trị, hễ nhắc đến bánh ướt người ta không thể không nhắc đến địa danh Phương Lang... Về “công xưởng” bánh ướt miền trung buổi sáng mờ sương, lòng háo hức rằng sẽ cảm nhận được sự hối hả của làng nghề vào xuân, nhưng tôi đã khá... hụt hẫng vì cảnh làng chả khác ngày thường. Tạt vào một vài nhà làm bánh có tiếng trong làng, tôi chỉ nhận được những cái lắc đầu nguầy nguậy bảo: “Anh đến đúng địa chỉ nhưng lộn thời điểm. Chả ai làm bánh buổi sáng bao giờ”. Không bỏ cuộc, cuối giờ chiều, tôi trở lại.
Vẫn trên con đường cũ, vẫn ngôi làng cũ, nhưng phía trên những mái nhà ngói đỏ đã có những mảng khói bốc nghi ngút, báo hiệu làng bánh đang “vận hành”. Nhà bà Nguyễn Thị Hường (67 tuổi) được người làng giới thiệu là địa chỉ làm bánh ngon, uy tín bậc nhất ở Phương Lang. Tuổi đã cao nhưng bà vẫn còn “cháy” với nghề và nói cứng chỉ thôi làm bánh ướt lúc nhắm mắt xuôi tay. “Trong làng chúng tôi, nghề làm bánh truyền từ đời này sang đời khác. Tôi được hưởng từ cha mẹ tôi. Lúc ông bà qua đời không để lại gì nhiều ngoài cái nồi làm bánh để tôi kiếm miếng cơm thiên hạ”, bà Hường bồi hồi nhớ lại. Bà kể, khi còn làm bánh thủ công, công việc của người thợ hết sức vất vả, rằng: “Hằng ngày, tôi đều phải ngồi lỳ bên bếp lửa hồng, khói bốc nghi ngút, làm mẻ này đến mẻ khác. Và lúc xong việc ra ngoài thì áo quần đã ướt sũng mồ hôi, cả khuôn mặt đỏ bừng, rát bỏng như vừa uống rượu”. Cũng theo bà Hường, các công đoạn làm bánh ướt qua nhiều năm vẫn không thay đổi. Những hạt gạo trắng ngần sẽ được giã nhuyễn rồi mang đi ủ từ 8 đến 10 tiếng rồi đưa lên tráng. Chỉ khác rằng ngày xưa, người Phương Lang tráng bánh thủ công thì nay đã có máy móc làm thay.
Anh Lê Hữu Nam (39 tuổi), có tuổi nghề làm bánh gần chục năm. 5 năm trước, anh thanh niên này đã làm cho rất nhiều người dân địa phương ngỡ ngàng khi đầu tư một hệ thống máy móc làm bánh ướt ngót nghét 60 triệu đồng. Sự có mặt của hệ thống này đã đánh văng sự tồn tại của những cái bếp tráng bánh cũ, vốn có năng suất rất kém. “Tôi ví dụ làm với bếp thủ công thì giỏi lắm chỉ cho ra 20-30 kg bánh ướt/ngày trong khi có máy thì trong mỗi buổi có thể cho ra 600 kg bánh”, anh Nam so sánh. Hiệu quả kinh tế là hiện hữu trước mắt, khi hiện giá mỗi kg bánh ướt là 7.000 đồng, số tiền lời của anh Nam mỗi tháng trên dưới 20 triệu đồng sau khi trừ chi phí nguyên liệu (mỗi ngày dùng khoảng 300 kg gạo) và 3 nhân công (lương 1,5 triệu đồng/tháng). Tương tự, anh Nguyễn Xuân (43 tuổi) cũng là chủ một cơ sở làm bánh ướt có số má của địa phương nhờ đầu tư công nghệ để làm nghề truyền thống. Anh chép miệng: “Ai mà chả muốn kiếm thu nhập nhưng ngoài việc đó, mình giữ được cái nghề của cha ông thì càng đáng mừng”.
Ngày nay, đến hầu khắp các khu chợ lớn trên địa bàn tỉnh Quảng Trị như chợ Đông Hà, chợ TX.Quảng Trị, chợ Diên Sanh... đều bắt gặp mớ bánh ướt mang thương hiệu Phương Lang. Hãy tin tôi, cứ mua và ăn thử, bạn sẽ hiểu vì sao thứ bánh đó, do những người ở ngôi làng đó làm nên lại có tiếng tăm đến vậy.
Bình luận (0)