Bánh xèo 30 bếp bán ‘không kịp thở’ ở TP.HCM: Có gì mà khách đông dữ vậy?

11/04/2022 12:48 GMT+7

Với 30 bếp đổ bánh và hàng chục nhân viên, tối nào quán bánh xèo của bà Thủy (ở Q.Gò Vấp, TP.HCM) cũng đông nghẹt khách đến ăn , nhân viên làm ‘không kịp thở’. Mỗi ngày quán bán hàng nghìn cái bánh xèo cho ‘đã cái nư’ của bà chủ. Nhiều người lần đầu đến ăn không khỏi thắc mắc có gì trong món bánh xèo ở đây mà khách đến ăn đông dữ vậy?

Mỗi ngày bán hàng ngàn cái cho "đã cái nư"

Ghé quán bánh xèo Bình Định của bà Nguyễn Thị Thu Thuỷ (41 tuổi) tại số 238 - 244 đường Lê Đức Thọ (Q.Gò Vấp) một buổi tối cuối tuần, chúng tôi choáng ngợp bởi bên trong không gian quán rộng rãi là số lượt khách tới ăn đông nghẹt, có thời điểm kín không còn dư bàn nào.

Quán có không gian rộng rãi
cao an biên
Quán đông đúc khách vào buổi tối
cao an biên

Bà Thủy cùng chồng điều phối hơn 30 bếp để đổ bánh xèo làm hết công suất, hơn chục nhân viên đổ bánh, lấy rau, nước chấm, tiếp khách liên tục để sớm mang món ra cho khách không phải chờ đợi lâu. Nhìn vào hàng chục khách ngồi kín bàn, bà chủ tâm sự quán thường đông khách vào buổi tối, nhất là những tối cuối tuần như vậy. Mỗi ngày quán bán hàng ngàn cái bánh xèo cho “đã cái nư” của bà chủ.

Kế bên, ông Hoàng Tử Nam (42 tuổi, chồng bà Thuỷ) giới thiệu quán bán từ 9 - 24 giờ hằng ngày. Ở đây, giá của mỗi cái bánh xèo dao động từ 8.000 - 12.000 đồng tùy loại, còn lại rau, nước chấm, bánh tráng đều hoàn toàn miễn phí cho khách và khách có thể xin thêm thỏa thích.

Quán có hơn 10 nhân viên
cao an biên
Quán bánh xèo có gần 30 bếp được đổ bánh liên tục
cao an biên

“Sao quán mình đông khách dữ vậy anh chị?”, vừa nghe câu hỏi của chúng tôi, bà chủ cười nói quán mình không phải là quán bán bánh xèo miền Trung ngon nhất ở Sài Gòn này nhưng chính sự thân thiện, thái độ của chủ và nhân viên dành cho khách chính là điều cốt lõi để khách có thể ghé lại đây nhiều lần.

Về phần món ăn, công thức pha bột cho chính chị tìm tòi hằng năm trời cũng là một “bí kíp” để món bánh xèo trở nên ngon hơn. Thêm vào đó, bên cạnh nước chấm chua ngọt thường thấy quán còn có nước mắm đậu độc quyền do chính chị nghĩ ra mà khách không thể tìm thấy hương vị đó ở bất cứ quán nào khác ở Sài Gòn.

“Mình thương khách, thì khách sẽ thương lại mình. Mình nấu món ăn chỉn chu, nấu bằng cái tâm thì chắc chắn khách sẽ cảm nhận được mà ghé lại nhiều lần. Đó cũng là lý do mà quán ăn của tôi vẫn trụ vững suốt 15 năm qua dù kế bên cũng có nhiều những quán khác bán món bánh tương tự”, bà tâm sự.

Công thức pha bột để bánh được ngon do chính chị Thuỷ tìm tòi, sáng tạo ra
cao an biên

Tối đó, anh Nguyễn Thanh Bình dẫn chị Trần Thị Luyến (cùng 32 tuổi) từ Q.12 ghé quán bánh xèo của bà Thuỷ để ăn. Chị Luyến cho biết anh chị là khách ruột của quán từ năm 2017 đến giờ, từ lần đầu ăn đã mê luôn món bánh xèo ở đây nên ghé lại suốt nhiều năm qua.

Vị khách nói mỗi lần đến đây ăn vào buổi tối là thấy khách đông nghẹt, dù vậy vì không gian quán rộng rãi nên khá thoải mái. Điều chị thích nhất ở đây chính là sự nhiệt tình của nhân viên cũng như món ăn ngon.

Vợ chồng chị Luyến là khách ruột của quán suốt nhiều năm qua
cao an biên

“Tôi ăn ở nhiều quán bánh xèo miền Trung rồi nhưng thấy ở đây là hợp khẩu vị nhất, nhất là món nước mắm đậu số dzách luôn. Lần nào tới cũng ăn gần chục cái mới đã được”, chị tâm sự.

Anh Bình thì lại rất thích việc xin thêm rau, bánh tráng, nước chấm miễn phí tại đây. Tuy nhiên với anh dĩa rau mà quán dọn ra đã khủng tới mức ăn muốn không hết nên cũng không cần phải xin thêm.

Bắt đầu từ con số 0

Ít ai biết chủ quán ăn này ngày xưa từng là cô gái 18 tuổi từ Bình Định chân ướt chân ráo vào Sài Gòn làm công nhân may mặc suốt nhiều năm. Tích cóp được một ít tiền, bà Thuỷ mở cửa hàng điện thoại công cộng, bán sim số để làm ăn.

Bà kể thời đó việc kinh doanh buôn bán “ngon lành” lắm. Sau khi bà lấy chồng, ông cũng bỏ một công việc có mức lương lý tưởng để mở cửa hàng điện thoại kế bên để vợ chồng cùng làm. Về sau, nhiều cửa hàng điện thoại di động lớn mọc lên khắp nơi, công việc cũng không còn thuận lợi như trước.

Nước mắm đậu được nhiều khách yêu thích
cao an biên

Sau đó, bà Thủy quyết định chuyển sang bán bánh xèo miền Trung chỉ với 1 nhân viên (là cháu ở quê lên) dù chưa có một khái niệm gì về việc làm bánh này. Lý do đầu tiên là bởi bà chủ thích… ăn bánh xèo. Ngày đầu bán, bà kê 8 cái bàn, vừa mở cửa khách đã ngồi kín chỗ.

“Người thì ít mà kê bàn nhiều, đông khách quá mà mình chưa quen nên đứng lóng ngóng. Lúc đó tôi cũng chưa biết nấu bánh sao cho ngon, đổ ra mấy mẻ cho khách ăn nhiều người chê, ăn không nổi. Vậy là dần dà, quán mất hết khách, ế ẩm”, bà nhớ lại khoảng thời gian khó khăn.

Rau thêm, bánh tráng, nước chấm xin thêm miễn phí
cao an biên

Không bỏ cuộc, chủ quán dành hàng tháng trời để thử nghiệm cách pha đủ các loại bột để cho ra một cái bánh xèo vừa giòn vừa ngon. Nghề dạy nghề, dần bà chủ cũng tìm ra được công thức của riêng mình. Càng ngày món ăn dần cải thiện, tiếng lành cũng đồn xa, khách bắt đầu tăng dần, tăng dần và cuối cùng bà đã có một lượng khách “ruột” ổn định như bây giờ.

Đến thời điểm thích hợp, vợ chồng bà quyết định mua hẳn một miếng đất 8 tỷ đồng vừa xây nhà ở phía sau vừa làm mặt bằng bán bánh xèo phía trước. Đó cũng là mặt bằng hiện tại mà quán đang bán.

Cuối tuần là thời điểm khách đông đúc, quán bán hàng ngàn cái
cao an biên
Vợ chồng chị Hạnh hạnh phúc vì quán bánh xèo tâm huyết nhận được tình cảm từ nhiều thực khách
cao an biên

Qua bao khó khăn, thăng trầm, giờ đây quán ăn đã trở thành cơ ngơi, là tâm huyết của vợ chồng bà Thủy. Hai người tự nhủ sẽ cùng phát triển quán ngày càng hoàn thiện hơn, mang những phần bánh xèo ngon nhất đến với nhiều người hơn nữa.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.