Bảo bối tác chiến điện tử Nga

06/06/2016 09:15 GMT+7

Nga đang sở hữu một loạt hệ thống tác chiến điện tử tối tân có thể vô hiệu hóa các loại khí tài quân sự sử dụng liên lạc thông tin vô tuyến.

“Hệ thống tác chiến điện tử (EWS) sẽ là công cụ đắc lực để ứng phó các dòng máy bay chiến lược, chiến thuật tầm xa, phương tiện điện tử cũng như đánh chặn thiết bị truyền thông vô tuyến của vệ tinh quân sự nước ngoài”, Hãng thông tấn TASS dẫn lời Phó tổng giám đốc Yuri Mayevsky của Hãng công nghệ điện tử - vô tuyến KRET, nhà phát triển EWS chính cho quân đội Nga, tuyên bố.
Theo ông, quân đội Nga đang nắm trong tay 4 hệ thống tác chiến điện tử cực kỳ lợi hại có thể triệt tiêu hoàn toàn liên lạc viễn thông, định vị của tàu chiến cũng như vô hiệu hóa việc lập trình, điều khiển các dòng vũ khí chính xác cao như tên lửa hay bom thông minh.
President-S chống tên lửa
Theo trang tin Nga Russia beyond the headlines (RBTH), President-S là tổ hợp chế áp quang điện tử tối tân, đóng vai trò bảo vệ mọi máy bay khỏi mối đe dọa từ các loại tên lửa phòng không vác vai (manpad) nhờ gây nhiễu hệ thống dẫn đường. Trong các cuộc thử nghiệm cấp quốc gia, các chuyên gia sử dụng Igla, loại manpad hiện đại rất phổ biến trên các chiến trường, để nhắm bắn nhiều mẫu máy bay chiến đấu được lắp đặt tổ hợp President-S. Kết quả cho thấy tất cả các tên lửa đều chệch hướng và phát nổ sớm.
Không chỉ chiến đấu cơ, hệ thống này cũng phát huy tác dụng vô cùng hiệu quả cho trực thăng. RBTH tường thuật một cuộc thử nghiệm với một chiếc trực thăng Mi-8 trang bị President-S được gắn cố định vào bệ đỡ và bị bắn trực diện từ khoảng cách 1.000 m. Kết thúc thử nghiệm, không quả Igla nào trúng mục tiêu.
Thiết bị tác chiến điện tử President-S Sputnik
Mắt thần Moskva-1
Một trong những tài sản quý giá nhất thuộc kho EWS của Nga, tổ hợp radar Moskva-1 có thể quan sát, theo dõi mọi mục tiêu trên không ở khoảng cách 400 km, hơn gấp đôi tầm đeo bám của thế hệ radar tiền nhiệm Avtobaza (khoảng 150 km). Chuyên trang Army recognition dẫn lời các chuyên gia cho biết Moskva-1 hoạt động trên nguyên tắc “radar thụ động”. Điều này có nghĩa là hệ thống không phát ra bất kỳ tín hiệu nào mà chỉ thu và phân tích những tín hiệu bên ngoài. Nhờ đó, Moskva-1 không chỉ phát hiện sớm mọi nguy cơ mà còn hoạt động gần như vô hình trên màn hình radar của đối phương.
Công nghệ thu giữ và phân tích thông tin điện tử cực kỳ hiện đại giúp tổ hợp này nhận biết cụ thể hình dáng vật thể lọt vào tầm ngắm và có thể phân biệt chính xác tên lửa hay máy bay. Ngoài ra, nhờ hoạt động ở chế độ radar thụ động, Moskva-1 còn có một tác dụng lợi hại khác là hỗ trợ dẫn đường cho tên lửa phòng không Nga nhắm tới mục tiêu mà không bị phát hiện.
Người bảo vệ cho Iskander
Hệ thống tên lửa đạn đạo tầm ngắn chiến lược Iskander được Nga xem là một trong những vũ khí lợi hại nhất của mình. Theo truyền thông phương Tây, Moscow đã triển khai Iskander đến những khu vực “nóng” nhất hiện nay như Syria và vùng lãnh thổ hải ngoại Kaliningrad, vốn bị kẹp giữa bởi 2 thành viên NATO là Ba Lan và Lithuania. Tuy nhiên, Iskander và các tổ hợp tương tự khác có điểm yếu rất lớn là dễ bị phát hiện trên đường di chuyển. Vì thế, trọng trách bảo vệ cho vũ khí chiến lược này được giao cho hệ thống tác chiến điện tử mặt đất Krasukha, khắc tinh của các chiến đấu cơ trang bị công nghệ điều khiển và cảnh báo sớm trên không (AWACS).
Được gắn trên xe bọc thép di chuyển cùng các tổ hợp tên lửa, Krasukha có khả năng phát tán bức xạ gây nhiễu trong bán kính 250 km để làm rối loạn AWACS của đối phương. Một tính năng khác của Krasukha là tác động lên phần điều khiển trung tâm của các loại tên lửa dẫn đường chính xác, khiến chúng nhận diện sai mục tiêu hoặc thậm chí là thay đổi lộ trình bay, theo RBTH.
Lợi hại Rtut’-BM
Tương tự Krasukha, hệ thống gây nhiễu điện tử Rtut’-BM được thiết kế tổ hợp lên xe bọc thép và có hình dáng bên ngoài rất “ngầu”. Là khí tài tác chiến điện tử vào hàng hiện đại nhất của Nga hiện nay, Rtut’-BM có nhiệm vụ bảo vệ binh lính và trang thiết bị quân sự khỏi hỏa lực pháo binh, nhất là các loại đầu đạn trang bị ngòi nổ cận đích.
Để tiêu diệt mục tiêu, ngòi nổ cận đích sẽ tự động kích nổ đạn khi cách mục tiêu một khoảng cách đã được định trước, nhằm tăng độ chính xác và linh hoạt hơn so với ngòi nổ định giờ. Rtut’-BM tác động lên hệ thống thu phát tín hiệu của các ngòi nổ này để khiến chúng kích nổ sớm, giúp bảo toàn lực lượng. Bên cạnh đó, Rtut’-BM còn có thể trung hòa tần số vô tuyến liên lạc mà đối phương sử dụng.
Chỉ cần nhân sự 2 người để lái xe và điều khiển hệ thống, một tổ hợp Rtut’-BM có khả năng bảo vệ bao trùm khu vực rộng khoảng 50 ha. Trong 3 năm qua, Hãng KRET và các đối tác đã cung cấp 22 hệ thống Rtut’-BM cho quân đội Nga và dự kiến sẽ có thêm 21 chiếc được giao trước cuối năm nay. Đặc biệt, chính phủ Nga cũng đã cấp phép xuất khẩu Rtut’-BM. Theo báo cáo đánh giá đối tác của KRET, sản phẩm này có tiềm năng xuất khẩu rất cao tại các thị trường châu Á và Trung Đông.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.