Báo cáo khoa học khuyến cáo Việt Nam mất 40.000 km2 diện tích đất khi nước biển dâng lên 100 cm

16/11/2024 14:32 GMT+7

Biến đổi khí hậu đang diễn ra với tốc độ chưa từng có trong suốt 2.000 năm qua. Khi mực nước biển dâng lên 100 cm, diện tích đất bị mất đi của Việt Nam sẽ lên tới 40.000 km2.

Đó là thông tin đáng chú ý trong tham luận “Vai trò của hóa học trong chống biến đổi khí hậu” của PGS-TS Trần Văn Mẫn, Trưởng phòng Khoa học - Công nghệ, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), tại tọa đàm “Hóa học với cuộc sống” vào sáng 16.11.

Biến đổi khí hậu diễn ra với tốc độ chưa từng có

Theo tham luận “Vai trò của hóa học trong chống biến đổi khí hậu”, biến đổi khí hậu có ảnh hưởng to lớn đến toàn nhân loại, gia tăng mạnh mẽ về cường độ và mức độ. Trong 50 năm qua, số lượng thảm họa thiên nhiên đã tăng gấp 5 lần và gây thiệt hại gấp 7 lần.

Trong báo cáo tháng 5.2023, Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) cho biết trong giai đoạn 1970-2021, thế giới ghi nhận 11.778 thảm họa liên quan đến biến đổi khí hậu, khiến 2 triệu người chết và thiệt hại kinh tế khoảng 4.300 tỉ đồng.

Trong các báo cáo gần đây (từ 2021-2023), Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) của Liên Hiệp Quốc đánh giá, biến đổi khí hậu đang diễn ra với tốc độ chưa từng có trong suốt 2.000 năm qua.

Báo cáo khoa học khuyến cáo Việt Nam mất 40.000 km2 diện tích đất khi nước biển dâng lên 100 cm- Ảnh 1.

Bão số 3 (bão Yagi) gây thiệt hại lên đến 50.000 tỉ đồng

ẢNH: LÃ NGHĨA HIẾU

IPCC cho rằng, khi mực nước biển dâng lên 100 cm, diện tích đất bị mất đi của Việt Nam sẽ lên tới 40.000 km2, chiếm 12,1% tổng diện tích hiện có, kéo theo hệ quả khiến khoảng 17,1 triệu người sẽ mất đi nơi sinh sống.

Biến đổi khí hậu là nhân tố chính gây ra bão, lũ, ngập lụt… chiếm 87-91% số lượng thiên tai, đe dọa nghiêm trọng đến việc thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo và các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam.

Theo Bộ TN-MT, chỉ riêng cơn bão số 3 (Yagi) đã gây thiệt hại về người và tài sản, mưa lớn, lũ lụt tại 17 tỉnh, thành phía bắc, gây thiệt hại lên đến 50.000 tỉ đồng.

Báo cáo khoa học khuyến cáo Việt Nam mất 40.000 km2 diện tích đất khi nước biển dâng lên 100 cm- Ảnh 2.

IPCC cho rằng, khi mực nước biển dâng lên 100 cm, diện tích đất bị mất đi của Việt Nam sẽ lên tới 40.000 km2

ẢNH: ĐÌNH TRƯỜNG

Hóa học tham gia ứng phó biến đổi khí hậu

Theo tham luận, ngành khoa học Việt Nam nói chung và ngành hóa học tại TP.HCM nói riêng có thể góp sức ứng phó với các thách thức biến đổi khí hậu.

Các nhà hóa học có thể tham gia truyền thông, phát triển các chính sách xây dựng đô thị thông minh, xanh, thông minh và giảm phát thải khí nhà kính, trong đó đặc biệt quan trọng là phát triển giao thông công cộng, phát triển phương tiện cá nhân sử dụng điện. Tăng cường tuyên truyền việc trồng rừng, các lợi ích kinh tế và sinh thái rừng, các mô hình kinh tế bền vững gắn với rừng… Vận động và xây dựng chính sách phân loại rác tại nguồn, triển khai đến các đơn vị như trường học, bệnh viện, cơ quan.

Báo cáo khoa học khuyến cáo Việt Nam mất 40.000 km2 diện tích đất khi nước biển dâng lên 100 cm- Ảnh 3.

PGS-TS Trần Lê Quan, Phó chủ tịch Hội Hóa học TP.HCM, phát biểu khai mạc

ẢNH: YẾN THI

Thực hiện nghiên cứu và đào tạo cán bộ cho các địa phương, doanh nghiệp về công tác đo đạc, kiểm kê, đánh giá phát thải bằng các kỹ thuật phân tích vật lý, hóa lý hiện đại.

Cũng theo tham luận, một trong những nguyên nhân chính gây ra biến đổi khí hậu là hệ thống năng lượng đang dựa quá nhiều vào nhiên liệu hóa thạch, như: than đá, dầu mỏ và khí đốt. Hóa học đã giúp phát triển các nguồn năng lượng tái tạo như: năng lượng mặt trời, gió và sinh khối; thực hiện mạnh mẽ chuyển đổi sang năng lượng tái tạo, sử dụng năng lượng gió, mặt trời.

Bên cạnh đó, CO2 (carbon dioxide) là một trong những khí nhà kính chủ yếu gây ra biến đổi khí hậu. Hóa học đã phát triển các công nghệ thu giữ và lưu giữ carbon, giúp giảm nồng độ CO2 trong khí quyển.

Hóa học cũng đóng góp vào việc phát triển vật liệu bền vững nhằm giảm thiểu ô nhiễm nhựa và tăng cường khả năng tái chế.

Để phát triển bền vững và đóng góp cho thích ứng và chống biến đổi khí hậu, ngành hóa học cần đẩy mạnh nghiên cứu - phát triển đi kèm với truyền thông về các giải pháp kỹ thuật công nghệ liên quan, khuyến nghị về chính sách để đóng góp đưa thành phố vượt qua các thách thức hiện nay của biến đổi khí hậu, trở thành một trung tâm công nghiệp hóa học xanh hàng đầu trong khu vực.

Tọa đàm “Hóa học với cuộc sống” nằm trong khuôn khổ Ngày Hóa học TP.HCM lần thứ X, kỷ niệm 36 năm thành lập Hội Hóa học TP.HCM, diễn ra vào sáng 16.11.

Phát biểu khai mạc Ngày Hóa học TP.HCM lần thứ X, PGS-TS Trần Lê Quan, Phó chủ tịch Hội Hóa học TP.HCM, cho biết trong thời gian qua, ngành hóa của TP.HCM không ngừng phát triển, đội ngũ hóa học của thành phố không ngừng lớn mạnh và đã góp phần vào phát triển nền hóa học và nền công nghiệp nước nhà với nhiều hoạt động nghiên cứu, đào tạo nguồn nhân lực, giải quyết có hiệu quả một số vấn đề đặc thù trong lĩnh vực công nông nghiệp cũng như trong đời sống.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.