Báo cáo Liên Hiệp Quốc: Triều Tiên vẫn phát triển vũ khí hạt nhân bất chấp cấm vận

06/02/2022 14:30 GMT+7

CHDCND Triều Tiên năm ngoái tiếp tục phát triển chương trình tên lửa và hạt nhân bất chấp tình trạng bị cấm vận bủa vây, theo hãng tin Reuters và AFP dẫn báo cáo mật của Liên Hiệp Quốc (LHQ).

Tổ hợp hình ảnh vụ phóng tên lửa Hwasong-12 đạn đạo tầm trung do Đài KCNA công bố hôm 31.1

reuters

Từ năm 2006, Bình Nhưỡng chịu những lệnh cấm vận nặng nề vì chương trình phát triển vũ khí, bao gồm các lệnh cấm xuất khẩu than đá, sắt, chì, đồ may mặc, hải sản và các sản phẩm khác.

Dù không thử hạt nhân hoặc phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa, Triều Tiên năm 2021 vẫn duy trì năng lực sản xuất các vật liệu phân hạch hạt nhân, theo báo cáo do các bên theo dõi việc thi hành các lệnh cấm vận thực hiện và chia sẻ với 15 thành viên của Hội đồng Bảo an LHQ.

“Hoạt động bảo trì và phát triển cơ sở hạ tầng tên lửa đạn đạo và vũ khí hạt nhân của Triều Tiên vẫn tiếp diễn, và Triều Tiên tiếp tục tìm kiếm vật liệu, công nghệ và kiến thức về các chương trình từ nước ngoài, bao gồm thông qua những công cụ trên mạng và hợp tác nghiên cứu”, báo cáo nêu rõ.

“Triều Tiên thể hiện năng lực gia tăng về tốc độ điều động tên lửa, mở rộng phạm vi triển khai vũ khí, và cải thiện khả năng hồi phục của lực lượng tên lửa”, theo báo cáo.

Triều Tiên đang chịu cấm vận gì khi thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo?

Trong khi các nước phương Tây liên tục gia tăng áp lực cho Bình Nhưỡng, Bắc Kinh và Moscow kêu gọi hãy giảm mức độ cấm vận vì lý do nhân đạo, đồng thời thúc giục các bên linh hoạt hơn trong lúc đối thoại với nhà lãnh đạo Kim Jong-un.

Tháng 1, Bình Nhưỡng gây bất ngờ khi lần lượt triển khai 7 đợt thử nghiệm vũ khí, ở mức độ chưa từng có trước đây. Ngày 30.1, Triều Tiên kết thúc tháng 1 với vụ thử tên lửa uy lực nhất từ năm 2017.

Theo phân tích của Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản, Bình Nhưỡng có lẽ đã thử nghiệm tên lửa đạn đạo tầm trung (IRBM) đầu tiên sau gần 5 năm, theo AFP.

Triều Tiên sau đó xác nhận họ đã thử nghiệm Hwasong-12.

Lần gần đây nhất Triều Tiên tiến hành vụ thử tương tự là vào năm 2017. Khi ấy, tên lửa Hwasong-12 bay được 787 km và đạt độ cao tối đa hơn 2.111 km. Dựa trên tính toán thời điểm đó, tên lửa Hwasong-12 có thể đạt 4.500 km nếu được điều chỉnh và khai hỏa trên quỹ đạo cho phép tối đa hóa tầm bắn. Điều này cho phép Triều Tiên đặt đảo Guam vào tầm bắn.

Hwasong-12 - tên lửa đạn đạo tầm trung Triều Tiên có gì đặc biệt?

Ước tính tên lửa đạn đạo tầm trung được CHDCND Triều Tiên thử nghiệm sáng 30.1 đã đạt tốc độ tối đa Mach 16 (tức gấp 16 lần vận tốc âm thanh) vào thời điểm rời bệ phóng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.