Báo cáo 'tẩy trắng' của ngành văn hóa

04/01/2020 06:22 GMT+7

Báo cáo tổng kết của ngành VH-TT-DL chỉ khoe thành tích mà không có yếu kém.

Phải chín muồi mới tìm ra tồn tại của ngành

Sáng 3.1, Bộ VH-TT-DL tổ chức họp báo thường kỳ quý 4, đồng thời công bố báo cáo kết quả hoạt động năm 2019 của ngành với nhiều kết quả. Trong đó, lĩnh vực di sản có việc di sản Thực hành Then được ghi danh tại danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Các hồ sơ nghệ thuật xòe Thái, nghệ thuật làm gốm của người Chăm, tiếp tục được hoàn thiện để trình UNESCO. Ở lĩnh vực thư viện, đề án Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến 2020, định hướng 2030 được triển khai…

Bình chọn 10 sự kiện VH-TT-DL 

Bộ VH-TT-DL đưa ra danh sách 15 sự kiện để bình chọn 10 sự kiện tiêu biểu của ngành trong năm.
Nhóm sự kiện văn hóa gồm: Luật Thư viện - động lực phát triển thư viện và văn hóa đọc; Sự trở lại của Hồ Thiên Nga mang dấu ấn nghệ sĩ Việt sau 35 năm; Thực hành Then được UNESCO vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; Tôn vinh 100 năm nghệ thuật sân khấu cải lương.
Nhóm sự kiện thể thao gồm: Đoàn thể thao Việt Nam với thành tích đặc biệt xuất sắc tại SEA Games 30; Phát động chương trình toàn dân tập luyện môn bơi và phòng chống đuối nước thu hút 12 triệu người tham gia; Thành tích ấn tượng của môn bóng đá trên đấu trường khu vực; Việt Nam là nước thứ 22 trên thế giới đăng cai giải đua xe Công thức 1; Thành tích ấn tượng của vận động viên Nguyễn Huy Hoàng.
Nhóm sự kiện du lịch gồm: Công dân 8 nước được gia hạn miễn thị thực trong vòng 8 năm; Du lịch Việt Nam đạt kỷ lục đón trên 18 triệu lượt khách quốc tế năm 2019; Điểm đến du lịch Việt Nam liên tiếp giành nhiều giải thưởng tầm thế giới và châu lục; Sức lan tỏa và hiệu ứng xã hội của chiến dịch Du lịch chung tay bảo vệ môi trường - chống rác thải nhựa năm 2019; Việt Nam chủ trì thành công Diễn đàn du lịch ASEAN (AFT) 2019; Việt Nam tăng 4 bậc trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh về du lịch của Diễn đàn kinh tế thế giới WEF 2019.
Bộ cũng đưa ra 15 sự kiện VH-TT-DL, chọn từ 39 sự kiện để các phóng viên theo dõi ngành bình chọn. Mặc dù vậy, trong báo cáo tổng kết của Bộ VH-TT-DL được gửi cho báo chí, năm 2019 không có các vấn đề tồn tại, dù năm qua đã xảy ra rất nhiều vụ việc của ngành.
Ở lĩnh vực điện ảnh, bộ phim Everest - Người tuyết bé nhỏ với hình ảnh đường lưỡi bò đã được Hội đồng duyệt phim quốc gia duyệt và cho ra rạp. Cũng ở lĩnh vực này, bộ phim Ròm tuy được giải thưởng lớn ở LHP Busan nhưng lại chưa được cấp phép phổ biến.

Phim Everest - Người tuyết bé nhỏ có đường lưỡi bò đã được duyệt chiếu ở Việt Nam

Ảnh: TL

Ở lĩnh vực mỹ thuật, bảo vật quốc gia Vườn Xuân Trung Nam Bắc của danh họa Nguyễn Gia Trí đã bị hỏng nặng sau khi “làm vệ sinh”. Đáng nói hơn, do tổn thương nặng, bức tranh này hiện được nhiều chuyên gia cho là vô cùng khó phục hồi.
Ở lĩnh vực di sản, nhiều di sản đã bị cấy thêm công trình vào mà không có phép, dẫn đến ảnh hưởng tới cảnh quan và giá trị cốt lõi của di sản. Đó là các trường hợp đã xảy ra với Cột cờ Lũng Cú, danh thắng Mã Pì Lèng… Tất cả những vụ việc này đều không xuất hiện trong tài liệu cung cấp cho phóng viên.
Năm 2019 cũng đánh dấu thêm một năm nữa ngành VH-TT-DL không bình chọn danh sách những tồn tại của năm. Về vấn đề này, ông Nguyễn Thái Bình, người phát ngôn của Bộ cho biết: “Chúng ta cũng phải để điều kiện cho đầy đủ chín muồi mới triển khai được. Chúng tôi vẫn đang tiếp tục nghiên cứu, trong thời gian tới thực hiện được thì rất là tốt”.
Ông Bình đã không giải thích thế nào là điều kiện chín muồi để tìm ra những tồn tại của ngành, và vì sao điều kiện này lại khó đến như vậy.

Hậu cổ phần hóa sai là… chờ báo cáo

Hậu cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam là vấn đề được nhiều phóng viên hỏi trong cuộc họp báo. Tuy nhiên, số phận của hãng phim và cán bộ công nhân viên của đơn vị này vẫn không rõ ràng sau trả lời của Bộ.
Đối với tiến độ thoái vốn ở Hãng phim truyện Việt Nam, việc làm cho cán bộ ở hãng phim, ông Bình yêu cầu văn phòng tìm kiếm văn bản và Vụ Kế hoạch tài chính nói về vấn đề này. Mặc dù vậy, cho tới cuối buổi, không thấy có cán bộ của vụ này phát ngôn về việc trên.
Về các dự án phim và việc làm cho cán bộ hãng phim, ông Bình cho biết: “Cái này thực ra phải hãng phim trả lời. Đề nghị các bạn liên hệ trực tiếp. Chứ bây giờ báo cáo của công ty Bộ vẫn chưa có”. Vấn đề nằm ở chỗ, Bộ VH-TT-DL vẫn đang nắm cổ phần tại đơn vị này. Vì thế, câu trả lời của ông Bình khiến người nghe đặt câu hỏi liệu Bộ VH-TT-DL có trách nhiệm gì với số phận Hãng phim truyện Việt Nam.
Cũng theo ông Bình, việc xem xét trách nhiệm và kỷ luật cán bộ liên quan trong vụ việc của Hãng phim truyện Việt Nam, theo chỉ đạo của Chính phủ phải chờ xử xong việc thoái vốn, sau đó sẽ “có kết luận tổng thể để xử lý”.
Tuy nhiên, việc thoái vốn tại Hãng phim truyện Việt Nam cũng đang gặp khó, theo ông Bình: “Bộ đã tính toán xong nhưng chưa thỏa thuận được với nhà đầu tư. Nên chúng tôi sẽ thông báo sau”. Đáng chú ý, cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam là vụ việc dư luận quan tâm, song trong cuộc họp báo người phát ngôn của Bộ lại cho rằng vấn đề này “chỉ nóng với báo chí”.
“Đấy là chuyện chỉ nóng với các bạn (các phóng viên - PV) thôi. Còn chúng tôi vẫn thực hiện đúng chỉ đạo và các lộ trình từng bước vẫn đang làm”, ông Bình nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.