Nguy cơ xung đột được dự đoán gia tăng trong vòng 5 năm tới do tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm chạp, trật tự thời hậu chiến tranh thế giới lần 2 bị xói mòn và làn sóng chống toàn cầu hóa kích động chủ nghĩa dân tộc, theo báo cáo “Xu hướng toàn cầu: Nghịch lý của sự phát triển” của Hội đồng Tình báo Quốc gia Mỹ (NIC). NIC là trung tâm nghiên cứu chiến lược của Cộng đồng tình báo Mỹ.
Báo cáo của NIC, được công bố chưa đầy hai tuần trước thềm Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20.1, cũng vạch ra nhiều yếu tố có ảnh hưởng đến “tương lai gần đầy khó khăn và đen tối”, bao gồm những vụ xung đột, chủ nghĩa khủng bố, khoảng cách giàu - nghèo gia tăng, biến đổi khí hậu và tỉ lệ tăng trưởng kinh tế chậm chạp.
NIC quy tụ các nhà phân tích tình báo hàng đầu của Mỹ thực hiện nghiên cứu, phỏng vấn các học giả cùng các lãnh đạo trên thế giới để phân tích, đánh giá xu hướng kinh tế, chính trị, xã hội và công nghệ trên thế giới từ thời điểm hiện tại cho đến năm 2035.
Chiến tranh có thể không xảy ra, nhưng sự bất đồng về giá trị và lợi ích giữa các quốc gia cùng nỗ lực tranh giành sức ảnh hưởng, giành thế thống trị trong khu vực là yếu tố làm leo thang nguy cơ xung đột, theo NIC.
“Tăng trưởng chậm chạp cùng với việc công nghệ phát triển dẫn đến cắt giảm nhân sự tác động đến thị trường lao động sẽ đe dọa công tác xóa nghèo, châm ngòi chủ nghĩa dân tộc và làm leo thang căng thẳng giữa các quốc gia”, theo báo cáo của NIC.
Toàn cầu hóa và những tiến bộ trong công nghệ đã “làm giàu cho người giàu” và giúp hàng tỉ người thoát nghèo, nhưng gây ảnh hưởng lớn đến tầng lớp trung lưu ở phương Tây, dẫn đến xu hướng chống lại toàn cầu hóa, theo báo cáo của NIC.
“Các nền kinh tế lớn trên thế giới sẽ phải đối mặt với tình hình lực lượng lao động sụt giảm và năng suất lao động giảm sút trong khi vẫn đang hồi phục từ cuộc khủng hoảng kinh tế 2008-2009 với nợ công cao, cung thấp hơn cầu và sự hoài nghi về toàn cầu hóa”, theo NIC.
NIC cho hay bản báo cáo sẽ được đem ra thảo luận trong một hội thảo ở thủ đô Washington và đây là một cơ hội để chính phủ, các tổ chức và cá nhân suy ngẫm để có những lựa chọn có thể mang lại “tương lai triển vọng và an toàn hơn”.
Bình luận (0)