Báo chí cần thực hiện tốt vai trò giám sát, phản biện

22/06/2022 06:04 GMT+7

Tối 21.6, Ban tổ chức Giải báo chí quốc gia tổ chức lễ trao Giải báo chí quốc gia lần thứ 16, năm 2021.

  • Xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí
  • Báo Thanh Niên đoạt 2 giải C Giải báo chí quốc gia 2021

Năm nay, Hội đồng Giải báo chí quốc gia đã quyết định trao giải cho 115 tác phẩm báo chí gồm 10 giải A, 22 giải B, 48 giải C và 35 giải khuyến khích. Báo Thanh Niên được trao 2 giải C cho loạt bài 30 ngày trong bệnh viện dã chiến của tác giả Như Lịch và Đã đến lúc tính chuyện “mở cửa” kinh tế TP.HCM? của nhóm tác giả Hà Mai, Nguyên Nga, Mai Phương.

Phát biểu tại lễ trao giải, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, 97 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự dìu dắt của Bác Hồ, sự ủng hộ, giúp đỡ của nhân dân, báo chí cách mạng đã không ngừng lớn mạnh, có nhiều đóng góp cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

“Giải thưởng hôm nay để tri ân, cảm ơn những người làm báo đã góp phần quan trọng vào những kết quả tích cực, thành công của đất nước trong năm 2021 rất đặc biệt, một năm chúng ta trải qua những khó khăn chưa từng có do dịch bệnh”, Thủ tướng nói, đồng thời khẳng định giải thưởng hôm nay còn được dành để tôn vinh những giá trị cao quý cũng như những đóng góp trách nhiệm, chất lượng, hiệu quả, bền bỉ của những người làm báo.

Theo Thủ tướng, trước yêu cầu, nhiệm vụ phát triển đất nước, Đảng, Nhà nước, nhân dân đặt nhiều kỳ vọng vào các cơ quan báo chí, người làm báo trong việc chủ động, tích cực, trách nhiệm, xung kích, nâng cao nhận thức, truyền cảm hứng, tạo động lực, quyết tâm và sự đồng thuận trong xã hội. Thủ tướng cũng đề nghị báo chí phát huy hơn nữa vai trò làm chủ của nhân dân; thực hiện tốt vai trò giám sát phản biện. Thủ tướng cũng lưu ý người làm báo phải không ngừng trau dồi kiến thức, nâng cao trình độ, rèn luyện bản lĩnh chính trị, nêu cao trách nhiệm xã hội, đạo đức nghề nghiệp trong sáng, nhân văn; không để bị chi phối, suy thoái trước những “cám dỗ”, làm mất đi tính khách quan, trung thực trong mỗi tác phẩm báo chí.

* Sáng 21.6, Ban Tuyên giáo T.Ư, Bộ TT-TT, Hội Nhà báo VN, Báo Nhân Dân tổ chức Lễ phát động phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí”.

Phát biểu tại lễ phát động, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh, việc phát động phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí” là hoạt động rất có ý nghĩa đối với các cơ quan báo chí và những người làm báo để hiện thực hóa mục tiêu “Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại” theo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng và triển khai chỉ đạo của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc cuối 2021 vừa qua.

Lời cảm ơn

Nhân dịp kỷ niệm 97 năm ngày Báo chí cách mạng VN (21.6.1925 - 21.6.2022), Báo Thanh Niên đã nhận được rất nhiều lời chúc mừng, hoa... của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, T.Ư Đoàn, các bộ, ngành, đoàn thể, đơn vị, doanh nghiệp, các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế cùng đông đảo bạn đọc trong và ngoài nước.

Báo Thanh Niên xin trân trọng cảm ơn và cam kết sẽ không ngừng nỗ lực để nâng cao chất lượng các sản phẩm của mình nhằm phục vụ tốt hơn, xứng đáng với sự tin cậy của bạn đọc.

Thanh Niên

Từ đó, ông Nghĩa đề nghị các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí, cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí và đội ngũ những người làm báo tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, trách nhiệm của báo chí cách mạng VN để mỗi cán bộ, phóng viên, biên tập viên và người làm báo trong cơ quan nhận thức sâu sắc về phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí”, thúc đẩy và lan tỏa sự hưởng ứng và tham gia tích cực, hiệu quả trong việc xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí.

Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư đề nghị các cơ quan báo chí, đội ngũ những người làm báo cả nước thiết thực hưởng ứng, thực hiện, lan tỏa phong trào ra xã hội; duy trì thường xuyên, liên tục, tạo thành nền nếp, từ đó tạo nên nhiều sản phẩm báo chí có chất lượng, giàu giá trị văn hóa tốt đẹp, góp phần khơi dậy, định hướng những dòng chảy văn hóa tích cực trong đời sống xã hội.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.