Báo chí góp phần nâng cao vị thế Việt Nam

01/01/2021 06:28 GMT+7

Báo chí đã góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế , quảng bá hình ảnh, con người Việt Nam , khiến đất nước ta chưa bao giờ có cơ đồ, tiềm lực, uy tín và vị thế như ngày nay.

Đó là đánh giá của ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư, tại Hội nghị Báo chí toàn quốc tổng kết năm 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021, tổ chức ngày 31.12.2020 tại TP.Hạ Long, Quảng Ninh.

Không ngại dấn thân để phản ánh thông tin trung thực nhất

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, ông Võ Văn Thưởng đánh giá 2020 là năm đầy ắp những sự kiện trọng đại, nổi bật của Đảng, đất nước cùng những người làm công tác tư tưởng, là năm chứng kiến những sự kiện chưa có tiền lệ và những đổi thay lớn lao trong đời sống kinh tế, xã hội của cả thế giới và đất nước.

Trong các đợt dịch bệnh, thiên tai, nhiều nhà báo đã không quản hiểm nguy bám sát hiện trường, dũng cảm, dấn thân đi vào tâm dịch, tâm bão để kịp thời chuyển tải, cung cấp những thông tin thời sự, nóng hổi, chân thật nhất

Ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư

Tuy vậy, với những nỗ lực, quyết tâm lớn của những tấm lòng yêu nước, con người Việt Nam đã được thế giới biết đến như là “hình mẫu” về cách thức kiểm soát và phòng, chống dịch Covid-19; được đánh giá là một trong 10 nước trên thế giới có tốc độ tăng trưởng GDP cao nhất trong bối cảnh đại dịch vẫn còn đang diễn ra trên toàn cầu.
“Năm qua có người nước ngoài nói rằng được ở lại Việt Nam vào những ngày có dịch là sự may mắn xa xỉ. Trong thành công đó, có vai trò của công tác thông tin, tuyên truyền, trong đó báo chí là lực lượng tiên phong, đi đầu”, ông Võ Văn Thưởng nhấn mạnh.
Ngoài ra, thông tin, tuyên truyền về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên báo chí được triển khai bài bản, có chất lượng và đi vào chiều sâu; có trách nhiệm, nhiệt huyết, dũng khí hơn khi tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống.
Cùng với đó, biểu hiện “tư nhân hóa” báo chí, tư nhân “núp bóng” lợi dụng liên kết để chi phối nội dung, hoạt động báo chí, tình trạng “báo hóa” tạp chí điện tử, trang thông tin điện tử được nhận diện và bắt đầu có những giải pháp khắc phục.
Cũng theo Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư, thời gian qua các cơ quan báo chí đã chủ động thực hiện đợt sinh hoạt chính trị đóng góp vào văn kiện Đại hội Đảng XIII. Báo chí đã góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, quảng bá hình ảnh, con người Việt Nam, khiến đất nước ta chưa bao giờ có cơ đồ, tiềm lực, uy tín và vị thế như ngày nay.
“Trong các đợt dịch bệnh, thiên tai, nhiều nhà báo đã không quản hiểm nguy bám sát hiện trường, dũng cảm, dấn thân đi vào tâm dịch, tâm bão để kịp thời chuyển tải, cung cấp những thông tin thời sự, nóng hổi, chân thật nhất về phòng, chống dịch bệnh, về thiên tai”, ông Thưởng nhấn mạnh.
Cũng theo Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư, tình trạng “phóng viên IS”; phóng viên đếm tầng; tình trạng “sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ”; “đăng cùng đăng, gỡ cùng gỡ” từng bước được khắc phục, đẩy lùi, qua đó lấy lại niềm tin của dư luận đối với báo chí, trả lại danh dự, công bằng cho những người làm báo chân chính.

Quy hoạch báo chí chưa phù hợp có thể xem xét...

Bên cạnh những mặt tích cực, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư cũng chỉ ra những khuyết điểm, tồn tại của các cơ quan báo chí hiện nay.

Giảm 71 cơ quan báo chí

Thực hiện quy hoạch báo chí, trong năm 2020, cả nước đã giảm 71 cơ quan báo chí so với năm 2019. Tính đến thời điểm này, cả nước còn 779 cơ quan báo chí, trong đó có 72 cơ quan có giấy phép hoạt động phát thanh, truyền hình, 142 báo, 612 tạp chí, 25 cơ quan báo chí điện tử độc lập. Ngoài ra, cả nước có hơn 41.000 người đang công tác tại các cơ quan báo chí, với trên 21.000 người được cấp thẻ nhà báo (tăng 725 so với năm 2019). Theo thống kê chưa đầy đủ, nhiều cơ quan báo chí cho biết do gặp nhiều khó khăn, doanh thu đã giảm 70% so với năm 2019...
Đáng chú ý, tình trạng xa rời tôn chỉ mục đích, chức năng, nhiệm vụ của một số cơ quan báo chí vẫn tiếp diễn, mặc dù đã được lưu ý, nhắc nhở; tình trạng tư nhân lợi dụng liên kết để chi phối nội dung, hoạt động báo chí đã được nhận diện, chỉ ra nhưng khắc phục chưa hiệu quả. Xuất hiện một số biểu hiện thông tin báo chí không phù hợp tư tưởng chỉ đạo, định hướng báo chí; xa rời nhiệm vụ chính trị, hạ thấp chức năng tuyên truyền, giáo dục.
Việc quản lý phóng viên, văn phòng đại diện, phóng viên thường trú, cộng tác viên còn lỏng lẻo, thậm chí có cơ quan báo chí giao khoán nguồn thu, đặt nặng kinh tế báo chí dẫn đến việc cấp giấy giới thiệu không đúng quy định, không phù hợp tôn chỉ mục đích.
Điều đáng buồn, theo Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư, việc phóng viên, cộng tác viên bị bắt tạm giam vì lợi dụng hoạt động nghề nghiệp để trục lợi ngày càng tăng. Một bộ phận lãnh đạo, phóng viên cơ quan báo chí thiếu bản lĩnh chính trị, thiếu tu dưỡng, rèn luyện về đạo đức, mơ hồ, ngộ nhận trong nhận thức về vị trí, vai trò và nhiệm vụ… mà bỏ qua sứ mệnh của người làm báo chân chính.
Về thực hiện quy hoạch báo chí, theo ông Võ Văn Thưởng, có một số ý kiến cho rằng việc từ ngày 1.1 sẽ đình bản cơ quan báo chí nếu không thực hiện theo quy hoạch là biện pháp có phần cứng rắn. “Tuy nhiên, việc cứng rắn này là cần thiết, bởi nếu không làm nghiêm sẽ không thực hiện được, hay bị chậm tiến độ. Nếu quy hoạch chưa phù hợp sẽ xem xét để điều chỉnh nhưng không thể không làm, mà phải làm thật nghiêm để xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”, ông Võ Văn Thưởng nói.
Chỉ đạo về phương hướng nhiệm vụ trong năm 2021, ông Võ Văn Thưởng yêu cầu các cơ quan quản lý, chủ quản, các báo cần tập trung tuyên truyền chủ động, tích cực, nhiều thời lượng hơn nữa về công tác chuẩn bị, diễn ra Đại hội XIII của Đảng.
“2021 là năm tăng cường chấn chỉnh xử lý các sai phạm của hoạt động báo chí vì thanh danh của chính báo chí. Việc thanh tra, kiểm tra sẽ chủ động, công khai, toàn diện, trong đó tập trung về tiêu chuẩn, điều kiện, vai trò của các cơ quan đại diện, văn phòng đại diện, phóng viên thường trú cũng như những người đứng đầu các cơ quan báo chí, văn phòng đại diện”, ông Thưởng nhấn mạnh và yêu cầu các cơ quan chủ quản báo chí cần đặc biệt quan tâm, chỉ đạo hoàn thiện quy chế, quy trình quản lý tòa soạn, quy trình tác nghiệp của phóng viên, biên tập viên, hạn chế tối đa và ngăn chặn hiệu quả các hành vi vi phạm pháp luật, lạm dụng quyền lực trong hoạt động báo chí
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.