Thay mặt Chính phủ và Thủ tướng, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà gửi lời cảm ơn sâu sắc tới các nhà báo, giới báo chí cả nước đã chủ động, tích cực, nỗ lực, đồng hành cùng Chính phủ trong suốt thời gian qua.
Theo Phó thủ tướng, trải qua 98 năm phát triển, báo chí cách mạng Việt Nam có nhiều đóng góp quan trọng trong chặng đường đấu tranh, bảo vệ độc lập dân tộc, xây dựng chủ nghĩa xã hội cũng như thực hiện đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước. Báo chí phản ánh kịp thời diễn biến mọi mặt của đời sống xã hội; đưa đến những tin tức mang hơi thở, nhịp đập của cuộc sống; khơi nguồn cảm hứng đổi mới sáng tạo, khát vọng phát triển đất nước; tuyên truyền, đấu tranh, phản bác quan điểm sai trái, thông tin xấu độc, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; phê phán, đấu tranh với cái xấu, tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tiêu cực. Các cơ quan báo chí cần đẩy mạnh chuyển đổi số, hướng tới phương thức sản xuất, cung cấp thông tin đa phương tiện, đa nền tảng, đa thiết bị, đa dạng hóa thị trường và đa dạng hóa nguồn thu.
Phát biểu tại hội nghị, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Nguyễn Trọng Nghĩa lưu ý các cơ quan báo chí cần tiếp tục giữ vững và phát huy vai trò tiên phong, mở đường, chủ lực trong công tác thông tin tuyên truyền; thể hiện rõ nét là vũ khí tư tưởng sắc bén của Đảng, Nhà nước trong bất kỳ giai đoạn nào của đất nước. Nội dung chú trọng tuyên truyền bao gồm lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại; chủ động đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Trong đó, nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm, nghĩa vụ của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ, có đức, có tài, liêm chính, tâm huyết, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; đấu tranh loại bỏ tư tưởng bàn lùi, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm.
Cũng tại hội nghị, Phó trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Trần Thanh Lâm cho hay năm 2025 đánh dấu mốc kỷ niệm 100 năm báo chí cách mạng Việt Nam, là sự kiện chính trị, nghề nghiệp đặc biệt của báo chí và những người làm báo. Với ý nghĩa đó, Ban Tuyên giáo T.Ư chủ trì, phối hợp Bộ TT-TT, Hội Nhà báo Việt Nam và các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch kỷ niệm 100 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, nhằm góp phần tuyên truyền sâu rộng về truyền thống vẻ vang và những đóng góp to lớn của báo chí cách mạng Việt Nam; tôn vinh, biểu dương những người làm báo có nhiều thành tích, đóng góp. Các nội dung triển khai hướng đến kỷ niệm gồm: tổng kết Chỉ thị 30 năm 2013 của Bộ Chính trị; sơ kết 5 năm thực hiện Kết luận 23 năm 2017 của Ban Bí thư T.Ư Đảng khóa XII; tổng kết, sửa đổi, bổ sung luật Báo chí 2016 do Bộ TT-TT chủ trì; tổng kết công tác quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025…
Ra mắt sách Tổng Bí thư với niềm tin của nhân dân và ủng hộ của quốc tế
Chiều 20.6, tại Hà Nội, Báo Nhân Dân phối hợp với Nhà xuất bản chính trị quốc gia Sự thật tổ chức lễ giới thiệu cuốn sách Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với niềm tin của nhân dân trong nước và sự ủng hộ của bạn bè quốc tế.
Tham dự buổi lễ có ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư, cùng lãnh đạo các bộ, ban, ngành T.Ư.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Lê Quốc Minh, Tổng biên tập Báo Nhân Dân, Phó trưởng ban Tuyên giáo T.Ư, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, cho biết tư tưởng xuyên suốt của cuốn sách là bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; những tình cảm đối với Tổng Bí thư, một cán bộ quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo mà rất nhân văn, nhân ái, bình dị, gần gũi giữa đời thường.
Bình luận (0)