Báo chí Nam kỳ đầu thế kỷ 20: Quả chuông rè có âm thanh nghịch tai

24/06/2022 06:38 GMT+7

Ở Sài Gòn, giai đoạn 1923 - 1926 có nhiều sự kiện chính trị quan trọng xảy ra, kinh tế và dân trí phát triển, độc giả báo chí tăng vọt. Đây cũng là giai đoạn chuyển giao thế hệ ký giả trong làng báo chính trị Sài Gòn.

Giai đoạn 1923 - 1926 cũng chứng kiến làn sóng di cư đổ về Sài Gòn, một thủ phủ kinh tế, trong số đó có nhiều trí thức Tây học và nhà hoạt động chính trị nổi tiếng như Phan Châu Trinh, Nguyễn An Ninh, Phan Văn Trường…

Tiếp nối thế hệ Trần Chánh Chiếu, Nguyễn Chánh Sắt, Lương Khắc Ninh, Nguyễn Kim Đính, Lê Hoằng Mưu, Hồ Văn Trung (Hồ Biểu Chánh), Nguyễn Phan Long, Bùi Quang Chiêu… là một thế hệ tinh anh mới (Cao Văn Chánh, Cao Hải Để, Lâm Hiệp Châu, Nguyễn Háo Vĩnh, Bửu Đình, Trần Huy Liệu, Nguyễn An Ninh, Phan Văn Trường, Eugène Dejean de la Bâtie…) với lập trường rõ ràng và táo bạo, cách tổ chức nội dung tờ báo năng động. Họ cấp tiến hơn, tạo ra những cuộc đối đầu công khai với chế độ thực dân.

Trong số họ, đặc biệt nổi bật lên cái tên Nguyễn An Ninh.

Chân dung Nguyễn An Ninh

Wikipedia

Nguyễn An Ninh đi bán dạo “cái” chuông rè

Năm 1923, Nguyễn Háo Vĩnh mua lại tờ Nam kỳ Kinh tế báo, giao cho Cao Văn Chánh làm chủ bút. Dù chỉ tồn tại hơn 3 tháng, đứt quãng và bị kiểm duyệt, Nam kỳ Kinh tế báo thời cặp bài trùng Vĩnh - Chánh được biết đến là ngọn cờ đầu của làng báo quốc ngữ Sài Gòn trong mặt trận đấu tranh chính trị chống thực dân, như vụ việc tờ báo này cùng với báo quốc ngữ Công luận báo và Nông cổ mín đàm quyết liệt chống “dự án Candelier” cho tập đoàn Pháp thuê độc quyền thương cảng Sài Gòn trong 15 năm.

Sau hai lần diễn thuyết gây sóng gió ở Nam kỳ, khiến Thống đốc Cognacq khó chịu và nói dằn mặt rằng “xứ này không cần tới trí thức” (trong “La France et l’Indochine”, L’Europe, Paris, 15.7.1925), ngày 10.12.1923 chàng cử nhân luật Nguyễn An Ninh tung ra tờ La Cloche Fêlée (Chuông rè), do Eugène Dejean de la Bâtie đứng tên quản lý, giữa lúc xảy ra vụ độc quyền thương cảng Sài Gòn. La Cloche Fêlée cùng với Nam kỳ Kinh tế báo là hai tờ báo ở tuyến đầu trong cuộc chiến này.

Theo báo cáo thường niên của Sở Mật thám năm 1923 - 1924, để thu hút sự chú ý của dư luận, Nguyễn An Ninh dạo quanh các đường phố Sài Gòn để bán số La Cloche Fêlée đầu tiên (dẫn lại từ Philippe M.F.Peycam, The Birth of Vietnamese Political Journalism: Saigon, 1916 - 1930 (Làng báo chính trị Sài Gòn 1916 - 1930), Columbia University Press, 2012, cước chú 34, tr.254). Báo cáo cho hay, 500 tờ La Cloche Fêlée bán hết chỉ trong 2 ngày. Trần Huy Liệu cũng đề cập chuyện này trong Hồi ký Trần Huy Liệu (NXB Khoa học xã hội, 1991), hình ảnh người thanh niên Nguyễn An Ninh mặc áo trắng dài ôm báo La Cloche Fêlée đi bán là “một ấn tượng sâu sắc đã gieo vào nhân dân thành phố Sài Gòn” (tr.52-53).

Sự kiện chàng sinh viên học luật ở Paris về Sài Gòn làm báo và trực tiếp đi bán được Bùi Quang Chiêu, lãnh tụ Đảng Lập hiến, tường thuật trên La Petite Tribune Indigène (phụ trương của La Tribune Indigène, ra thứ bảy hằng tuần, in 2.000 tờ) ngày 15.12.1923 rằng, kể từ tối thứ hai, trên các đường phố Sài Gòn đã nghe nhiều giọng Paris quảng cáo La Cloche Fêlée (dẫn theo Hue-Tam Ho Tai (Hồ Tài Huệ Tâm), Radicalism and the Origins of the Vietnamese Revolution (Thuyết cấp tiến và cội nguồn của Cách mạng Việt Nam), Harvard University Press, 1992, tr.128). La Cloche Fêlée, một tờ báo tiếng Pháp công khai đối lập nhà cầm quyền thực dân, trở thành tuần báo, số lượng in mỗi kỳ dần lên đến 2.000 tờ, chiếm gần 10% tổng số lượng in của báo chí Sài Gòn lúc bấy giờ.

Thần tượng của giới trí thức trẻ thành thị

Nguyễn An Ninh, một trí thức trẻ người Việt mang phong cách Paris trong bộ quần áo Á Đông cổ truyền, am hiểu cả văn hóa Đông - Tây; Eugène Dejean de la Bâtie là con lai mang trong mình hai dòng máu Pháp - Việt. Hai người họ đã thực hiện nhiều phóng sự điều tra, viết những bài báo theo lối luận chiến… đầy khiêu khích Thống đốc Cognacq và bộ máy chính quyền thuộc địa. Trên La Cloche Fêlée, số ra 17.12.1923 họ viết: La Cloche Fêlée [tức quả chuông rè, nhạc cụ có âm thanh nghịch tai] này sẽ luận chiến cho đến khi bị đập tan nát… Dẫu biết rằng có thể sẽ bị tống vào tù nhưng chúng tôi không hề e sợ… Với cương lĩnh rõ ràng, chúng tôi sẵn sàng sống chết với nó như đã từng và chấp nhận hy sinh mọi thứ cho tương lai…

Bấy giờ, Nguyễn An Ninh là thần tượng của giới trí thức trẻ thành thị, một “soái ca” theo cách nói của giới trẻ bây giờ, là “‘linh hồn’ của đám thanh niên bấy giờ” (Hồi ký Trần Huy Liệu, sđd, tr.64).

Qua La Cloche Fêlée, hai cây bút chủ lực gửi đến người dân thuộc địa những tuyên ngôn chính trị, về vai trò và sứ mệnh cá nhân, “muốn làm cho độc giả tự thấy hổ thẹn mà hành động…” (Hue-Tam Ho Tai, sđd, tr.130), phủ nhận tính chính danh chính trị của chế độ thực dân tại Nam kỳ… Sở Mật thám dùng nhiều cách can thiệp, như ngăn chặn độc giả mua báo, ngăn chặn thư từ, bưu phẩm, đe dọa công chức (sa thải) và sinh viên (đuổi học) nếu họ tàng trữ La Cloche Fêlée, hăm dọa chủ nhà in… Cụ Nguyễn An Khương phải bán mảnh đất ở Rạch Giá giúp con trai mua lại số máy in từ một doanh chủ người Pháp với số tiền 900 đồng bạc Đông Dương, rồi đổi tên thành Nhà in La Cloche Fêlée.

La Cloche Fêlée chính thức đình bản ngày 14.7.1924. Nguyễn An Ninh, Dejean de la Bâtie và La Cloche Fêlée trở thành đề tài bàn tán của người bản xứ nơi các quán cà phê, trên khắp đường phố Sài Gòn lúc bấy giờ. Có thể nói, La Cloche Fêlée giai đoạn đầu đã hoàn thành cuộc cách mạng về phong cách và lối diễn đạt trong truyền thông chính trị ở Sài Gòn, một cách làm báo chính trị kiểu mới như chính Nguyễn An Ninh đã viết trên La Cloche Fêlée số ra ngày 24.12.1923 rằng La Cloche Fêlée là “cơ quan chuẩn bị cho tương lai”.

(còn tiếp)

Báo chí Nam kỳ đầu thế kỷ 20

Báo chí Nam kỳ đầu thế kỷ 20: Quả chuông rè có âm thanh nghịch tai

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.