Tuy nhiên, báo chí cũng đang đứng trước đòi hỏi của sự phát triển của đời sống xã hội hiện đại và sự phát triển của người trẻ.
Đồng hành cùng công cuộc đổi mới, báo chí nước ta đã có những đóng góp to lớn vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong thời đại “bùng nổ thông tin” và sự phát triển của truyền thông đa phương tiện, báo chí đã gắn với truyền thông, tìm phương thức để tồn tại, phát triển, để đến với người đọc, nhất là người trẻ. Một trong những thách thức đối với người làm báo là có thu hút được sự quan tâm của người trẻ hay không.
Vấn đề đặt ra là làm thế nào để cung cấp thông tin chính thống trên các lĩnh vực, giúp người trẻ nâng cao kiến thức, tầm nhìn, bản lĩnh, kỹ năng, chia sẻ được niềm hy vọng, nỗi lo lắng của người trẻ, định hướng sự phấn đấu, việc học hành, nghề nghiệp, việc làm, cả việc vui chơi, giải trí sao cho lành mạnh, bổ ích.
Báo chí, nhất là báo của Đoàn, của Hội, cũng chính là phương tiện, phương thức hoạt động, thu hút người trẻ tham gia các phong trào, các hoạt động xã hội, hoạt động đội, nhóm, những hội thảo, những diễn đàn, những sinh hoạt phù hợp lứa tuổi, sở thích... Qua báo chí, người trẻ có hiểu biết nhiều hơn về con người, cuộc sống, gương mặt tuổi trẻ thời hiện đại, với những phẩm chất, giá trị sống tốt cần có và những gợi mở cho sự phấn đấu vươn lên. Qua báo chí, truyền thông, người trẻ có thêm kênh giao lưu, phản hồi nhằm không ngừng mở mang kiến thức hay có những góp ý xây dựng vào việc chung.
Với sự phát triển của khoa học công nghệ, việc tiếp cận thông tin nhanh hơn, dễ dàng hơn nhưng cũng khó khăn hơn khi có nhiều thông tin bị nhiễu, loạn. Làm sao có thể sàng lọc nếu thiếu kiến thức, thiếu văn hóa nền, thiếu sự lắng nghe, đối thoại. Và trong thực tế, không ít người rơi vào tình trạng dễ bị tác động, dễ tin... Mặt khác, trong điều kiện kinh tế thị trường, “thương mại hóa” báo chí vẫn đang là vấn đề đặt ra, gây bức xúc. Trên mặt báo, trang tin điện tử hằng ngày vẫn còn nhiều tin, bài làng nhàng, sao chép, nặng chữ nghĩa, ngôn từ mà thiếu chiều sâu, thiếu tính thực tiễn. Còn nhiều tin, bài theo kiểu giật gân, câu khách, lăng xê kiểu sống thời thượng, không phù hợp với thuần phong mỹ tục, gây phản cảm, bất lợi cho sự phát triển của người trẻ.
Để phát huy vai trò của báo chí đối với sự phát triển của người trẻ, vấn đề đặt ra là không chỉ cung cấp thông tin nhanh mà quan trọng hơn là giúp người trẻ có thông tin có ý nghĩa, sâu sắc, chính xác, đúng bản chất, giúp người trẻ có suy nghĩ đúng, có hành xử đúng. Giữa biết bao những bộn bề, lo toan trong cuộc sống, trong một thế giới tràn ngập thông tin, thật giả lẫn lộn, báo chí, truyền thông chân chính sẽ là người bạn lớn, bạn tốt, giúp người trẻ có những thông tin mà họ đang cần, giúp họ phân biệt đúng sai, thật giả, bản lĩnh hơn, thông minh hơn trong xử lý những vấn đề của cuộc sống, không ngừng vươn lên, tự hoàn thiện mình và thực hiện được những ước mơ, hoài bão lớn. Gia đình, nhà trường, Đoàn, Hội, các phương tiện báo chí, truyền thông... sẽ cùng tiếp sức, tạo ra môi trường thuận lợi để người trẻ phát huy khả năng sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, biết cách khởi nghiệp, vững vàng trên con đường lập thân, lập nghiệp, góp phần hiện thực hóa mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Trước đòi hỏi của công chúng, trong môi trường truyền thông số, báo chí nước nhà sẽ phát triển như một dòng chảy đầy sinh khí, gánh vác phần trách nhiệm lớn lao được nhân dân giao phó, đáp ứng quyền được thông tin của nhân dân, làm tốt hơn vai trò diễn đàn của nhân dân, của người trẻ. Báo chí luôn là công cụ phục vụ đắc lực cho mục tiêu cao cả, nhân văn hơn, nhiều giải pháp thiết thực hơn, thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội, con người, truyền cảm hứng sáng tạo và vun đắp niềm tin tuổi trẻ.
Bình luận (0)