Báo động cháy nhà chết người

Cháy nhà dân tại các khu dân cư được xác định là một trong những nguyên nhân dẫn đến chết người nhiều nhất trong tất cả các vụ cháy, nổ ở TP.HCM.

Tại cuộc họp sơ kết công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ, báo cáo của Cảnh sát PCCC TP.HCM cho biết trong 6 tháng đầu năm 2017, trên toàn địa bàn TP.HCM xảy ra 576 vụ cháy làm chết 20 người (tăng 18 người so với cùng kỳ năm trước) và 30 người bị thương.
Cháy nhà dân chiếm tỷ lệ cao
Theo báo cáo, thời gian gần đây liên tiếp xảy ra các vụ cháy nhà dân dẫn đến chết nhiều người. Cụ thể: trong số các vụ cháy, có 207 vụ cháy nhà dân, chiếm tỷ lệ 35,94% tổng vụ cháy.
Đại tá Huỳnh Ngọc Quang -Trưởng phòng Hướng dẫn chỉ đạo về chữa cháy (Cảnh sát PCCC TP.HCM), cho biết trên địa bàn TP hiện có khoảng 2 triệu hộ gia đình, trong đó có 300.000 hộ gia đình vừa nhà ở kết hợp với kinh doanh, làm các dịch vụ - đây là những yếu tố, nguy cơ cao xảy ra cháy nổ trong quá trình hoạt động, sản xuất, kinh doanh. Qua các số liệu thống kê có thể thấy tình hình cháy, nổ tại nhà ở hộ gia đình và nhà ở kết hợp kinh doanh luôn chiếm tỷ lệ cao (khoảng 50% tổng số vụ cháy, nổ) và gây thiệt hại về người (chiếm khoảng 83% trong các vụ có chết người).
“Đa số nạn nhân trong các vụ cháy nhà dân đều chết ngạt trước khi chết cháy vì họ không thể thoát ra ngoài được. Những nguyên nhân dẫn đến cháy chủ yếu do ý thức về PCCC của đa số người dân không cao, thiếu kiến thức về sử dụng các thiết bị điện và kỹ năng thoát hiểm…”, ông Quang nói.
Quy định còn nhiều bất cập
Đa số nạn nhân trong các vụ cháy nhà dân đều chết ngạt trước khi chết cháy vì họ không thể thoát ra ngoài được. Những nguyên nhân dẫn đến cháy chủ yếu do ý thức về PCCC của đa số người dân không cao, thiếu kiến thức về sử dụng các thiết bị điện và kỹ năng thoát hiểm...
Đại tá Huỳnh Ngọc Quang, Trưởng phòng Hướng dẫn chỉ đạo về chữa cháy (Cảnh sát PCCC TP.HCM)
Theo Cảnh sát PCCC TP.HCM, các văn bản pháp luật về công tác PCCC tại nhà ở hộ gia đình và nhà ở kết hợp với kinh doanh còn nhiều bất cập, chưa cụ thể, làm cho việc thực hiện kiểm tra xử lý khó khăn. Theo quy định của luật PCCC thì nhà ở hộ gia đình và nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh không thuộc diện quản lý PCCC và thẩm quyền duyệt, nghiệm thu về PCCC của lực lượng Cảnh sát PCCC, nên rất khó quản lý, kiểm tra về an toàn PCCC. Theo quy định, các công trình nhà ở hộ gia đình, cải tạo đều phải xin phép xây dựng; khi thi công, phải tuân thủ thiết kế được cấp phép, đảm bảo hệ thống kỹ thuật, an toàn PCCC. Thế nhưng khi xây dựng các chủ nhà thường không tuân thủ các quy định như cấp phép, bỏ qua các bước về PCCC. Các đơn vị thi công không có chuyên môn về PCCC nên xây dựng không đảm bảo an toàn PCCC. Công tác giám sát, xử lý các sai phạm tại các công trình xây dựng nhà tại các địa phương chưa chặt chẽ. Bên cạnh đó, việc cấp giấy phép kinh doanh cho các hộ gia đình cũng chưa được xem xét, kiểm tra, đánh giá đến các điều kiện về PCCC theo quy định của pháp luật.
Đứng trước thực trạng hỏa hoạn xảy ra nhiều ở các hộ gia đình và hộ gia đình kết hợp kinh doanh, Cảnh sát PCCC đề ra các giải pháp: Nắm lại toàn bộ công tác an toàn PCCC đối với nhà ở hộ gia đình và nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn TP; Chính quyền địa phương tăng cường giám sát, kiểm tra công tác an toàn PCCC tại khu dân cư, xây dựng lực lượng PCCC địa phương vững mạnh; Cảnh sát PCCC phối hợp với các quận, huyện tổ chức các phương án diễn tập PCCC, kỹ năng thoát hiểm cho người dân…
Kỹ năng thoát hiểm là trên hết
Khi xảy ra các vụ cháy nhà, điều quan trọng trước tiên quyết định sống còn là phải thoát khỏi đám cháy. Trao đổi với PV Thanh Niên, thiếu tá Huỳnh Văn Tuấn, Phó trưởng phòng Cứu nạn - cứu hộ (Cảnh sát PCCC TP.HCM), nhấn mạnh hầu hết nhà dân trên địa bàn TP đều xây theo dạng nhà ống, có một cửa chính ra vào; bố trí nhiều lớp cửa, hàn gắn thêm các khung sắt - nhằm chống trộm... Do vậy, khi xảy ra cháy, nạn nhân không thể (hoặc chậm) thoát được ra ngoài dẫn đến chết ngạt.
Theo ông Huỳnh Văn Tuấn, các vụ cháy nhà dân thường xảy ra vào đêm khuya khi mọi người đang ngủ nên việc lắp đặt thiết bị báo nhiệt là cần thiết nhằm phát hiện vụ cháy. Bên cạnh đó, mỗi hộ gia đình phải trang bị đèn pin; bình chữa cháy; khẩu trang chống độc. Nếu không may xảy ra cháy nhà, mọi người cần bình tĩnh xác định vị trí cháy. Đeo khẩu trang chống độc, cúi thấp người di chuyển đến vị trí thoát hiểm. Dùng vật cứng phá cửa kính để thoát qua nhà hàng xóm hoặc chạy lên sân thượng để tri hô và tìm cách thoát ra khỏi ngôi nhà đang cháy càng nhanh càng tốt. Đối với trường hợp bắt buộc phải lao qua đám cháy mới thoát được ra ngoài thì dùng mền, khăn lông ướt quấn quanh người, đầu, miệng, mũi... và chạy thật nhanh ra ngoài. Lưu ý, chìa khóa các cửa nhà phải để nơi dễ thấy, dễ lấy nhất để khi có cháy xảy ra thì mọi người dễ dàng mở khóa và thoát ra ngoài.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.