Trang The Verge ngày 9.11 dẫn báo cáo của Cơ quan Theo dõi biến đổi khí hậu Copernicus (C3S) thuộc Liên minh châu Âu (EU) dự báo 2024 sẽ là năm nóng nhất từng được ghi nhận trong lịch sử. Theo đó, năm nay có khả năng là năm đầu tiên nhiệt độ tăng hơn 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Dự báo được đưa ra trước thềm Hội nghị về khí hậu của LHQ lần thứ 29 (COP29) diễn ra tại Azerbaijan từ ngày 11-22.11.
Hiện tượng bất thường
Từ đầu năm, thế giới chứng kiến nhiều hiện tượng thời tiết bất thường, gây chết chóc, thiệt hại vật chất và làm đảo lộn cuộc sống tại nhiều khu vực khắp hành tinh. Vào tháng 4, nhiệt độ tại Mali tăng lên trên 48 độ C trong đợt nắng nóng thiêu đốt khắp vùng Sahel ở châu Phi, khiến hơn 100 người tử vong.
Theo BBC, khi nhiệt độ trung bình tăng thêm 1 độ C, bầu khí quyển sẽ giữ thêm 7% hơi ẩm, dẫn đến mưa lớn thường xuyên hơn. Vào tháng 9, ít nhất 19 người thiệt mạng và hàng trăm ngàn người bị ảnh hưởng trong đợt mưa lũ thất thường tại nhiều nước châu Âu.
Trên toàn cầu, mưa lớn xảy ra thường xuyên hơn tại hầu hết các khu vực với nguyên nhân do tác động của con người gây biến đổi khí hậu, theo Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu của LHQ. Một báo cáo do Tổ chức Save the Children (Anh) đưa ra hôm 7.11 cho thấy bão Trà Mi quét qua Philippines vào tháng 10 khiến 19,5 triệu trẻ em phải nghỉ học. Trước đó, vào tháng 9, bão Yagi càn quét ở Đông Nam Á (trong đó có VN) làm nhiều người chết và khiến khoảng 1,5 triệu trẻ em cần cứu trợ.
Một số nơi lại chứng kiến hạn hán khắc nghiệt hơn do nhiệt độ cao làm gia tăng nước bốc hơi. Hạn hán ở châu Phi trong năm nay được LHQ đánh giá là tồi tệ nhất trong hơn 100 năm đã khiến 12,2 triệu trẻ em cần viện trợ nhân đạo. Đợt nắng nóng chưa từng thấy ở Nam Á trong năm 2024 khiến 256 triệu trẻ em phải nghỉ học.
Nắng nóng còn gây cháy rừng nghiêm trọng hơn. Tại Mỹ, ít nhất 38.143 đám cháy trong năm nay đã thiêu rụi tổng diện tích hơn 3,15 triệu ha rừng. Tại Canada, cháy rừng đã thiêu rụi hơn 5,3 triệu ha trong năm. Theo C3S, hơn 3,9 triệu km2 đã bị thiêu rụi do cháy rừng trong hai năm 2023-2024, với lượng phát thải khí carbon là 8,6 tỉ tấn, cao hơn mức trung bình 16%.
Cần hành động khẩn cấp
Trước thềm hội nghị COP29, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhấn mạnh sức khỏe con người nên là vấn đề trọng tâm, do gắn liền với yếu tố khí hậu. "Biến đổi khí hậu khiến chúng ta lâm bệnh và hành động khẩn cấp là chuyện sống còn", theo báo cáo của WHO.
Báo cáo cho rằng từ những tác động trực tiếp của thời tiết khắc nghiệt và ô nhiễm không khí đến hậu quả gián tiếp của sự gián đoạn hệ sinh thái và bất ổn xã hội, biến đổi khí hậu đe dọa sức khỏe thể chất, tinh thần và cuộc sống. "Những tác động này không hề xa vời hay trừu tượng - chúng ta có thể cảm nhận được ngay bây giờ, thông qua nhiệt độ kỷ lục ở Ấn Độ, lũ lụt chết người ở Kenya và Tây Ban Nha, các vụ cháy rừng lớn ở Amazon và bão ở Mỹ", báo cáo nêu rõ.
Phát biểu khi công bố Báo cáo khoảng cách thích ứng năm 2024 của Chương trình Môi trường LHQ (UNEP) hôm 7.10, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres cho rằng thế giới vẫn chưa sẵn sàng đối phó "thảm họa" do biến đổi khí hậu gây ra và phải khẩn trương chuẩn bị cho những điều tồi tệ hơn trong tương lai.
Theo báo cáo, hầu hết ngân sách cam kết cho biến đổi khí hậu đều dành cho việc giảm phát thải gây nóng lên toàn cầu, chứ không phải để thích ứng với hậu quả lâu dài. UNEP ước tính cần từ 215 - 387 tỉ USD hằng năm để thích ứng ở các nước đang phát triển. "Chúng ta không thể trì hoãn sự bảo vệ. Chúng ta phải thích ứng từ bây giờ", ông Guterres cảnh báo.
10 sự kiện thời tiết chết chóc nhất trong 2 thập niên
Mạng lưới hợp tác học thuật toàn cầu về thời tiết World Weather Attribution (WWA) mới đây đưa ra nghiên cứu kết luận rằng biến đổi khí hậu do đốt nhiên liệu hóa thạch và phá rừng khiến các hiện tượng thời tiết cực đoan trở nên chết chóc hơn. Theo tờ El Pais, trong số đó có 10 sự kiện thời tiết cực đoan chết chóc nhất trên thế giới trong 2 thập niên, khiến hơn 576.000 người thiệt mạng. Những sự kiện này gồm:
- Bão Sidr ở Bangladesh năm 2007 (4.324 người chết);
- Bão Nargis ở Myanmar năm 2008 (138.366 người chết);
- Nắng nóng ở Nga năm 2010 (55.736 người chết);
- Hạn hán năm 2010 ở Somalia (258.000 người chết);
- Lũ lụt năm 2013 ở Ấn Độ (6.054 người chết);
- Bão Haiyan năm 2013 ở Philippines (7.354 người chết);
- Nắng nóng năm 2015 ở Pháp (3.275 người chết);
- Nắng nóng châu Âu năm 2022 (53.542 người chết) và năm 2023 (37.129 người chết);
- Bão Daniel ở Libya năm 2023 (12.352 người chết).
Bình luận (0)