Báo động đỏ về tệ nạn nhậu nhẹt

13/05/2017 09:02 GMT+7

Các chuyên gia, bác sĩ đưa ra phương thức uống rượu bia không nguy hiểm đối với nam là 2 ly/ngày, nữ là 1 ly/ngày; uống rượu bia trên 30gr cồn/ngày tăng nguy cơ bệnh gan, trên 120gr cồn/ngày nguy cơ bệnh tuyệt đối...

Ngày 12.5, Hội liên hiệp phụ nữ TP.HCM đã tổ chức buổi tọa đàm 'Rượu bia - hiểm họa đối với gia đình' với sự tham gia của các bệnh nhân, nạn nhân từ rượu bia, các bác sĩ, chuyên gia tâm lý...
Mở đầu tọa đàm, bác sĩ (BS) Trịnh Tất Thắng, Giám đốc Bệnh viện (BV) Tâm thần TP.HCM, cho biết uống rượu bia vừa phải sẽ tạo hưng phấn trong giao tiếp nhưng khi không kiểm soát được lượng rượu bia vào cơ thể chính là lúc không còn kiểm soát được hành vi, lâu dần sẽ là nghiện rượu. Hậu quả của nghiện rượu chính là tổn thương gan cấp và mạn tính, ung thư, gây tai nạn, bạo lực gia đình và xã hội…
“Nồng độ rượu, bia tốt cho cơ thể là 0,5g/lít máu, khi nồng độ 1g/lít phản ứng giảm đi, phản xạ chậm, 2g/lít máu sẽ là gây dại, 3g/lít thì giảm trí nhớ quên, hoang tưởng ảo giác dẫn đến rối loạn thể chất, tinh thần và mối quan hệ xã hội”, BS Thắng nêu.

“Rượu bia là lối mòn khủng hoảng”
Tham dự buổi tọa đàm, chị Nguyễn Thị Bích Chi (thành viên CLB Đồng Cảm Q.4, TP.HCM) thẳng thắn chia sẻ: “20 năm về trước, tôi được cho là người có “số má”, "bà trùm” uống bia, uống rượu tại nơi làm việc. Tôi uống là do hoàn cảnh đi làm. Uống càng nhiều khách cho tiền nhiều và chủ cũng trọng dụng. Thoát khỏi nó, giờ nghĩ lại, khi đó rượu bia được coi là lối mòn khủng hoảng của tôi”.
Theo bệnh nhân nội trú tại BV Tâm thần TP.HCM Nguyễn Văn Hướng (40 tuổi, ngụ Q.Bình Tân, TP.HCM), anh đã có thâm niên uống rượu 20 năm, trước khi nhập viện anh ở nhà buôn bán nên cuối tuần thường tụ tập bạn bè lai rai. “Ban đầu uống rượu tôi uống được một xị, bia được 2 - 3 chai. Uống lâu dần thì “đô” cứ tăng dần lên. Nghe vợ con khuyên nhủ và bản thân muốn cai nghiện nên tôi tự nguyện nhập viện điều trị để không bị bạn bè rủ rê”, anh Hướng nói.
Tương tự, anh Nguyễn Khắc Nhàn (ngụ tỉnh Đồng Nai), bệnh nhân điều trị ngoại trú tại BV Tâm thần TP.HCM, nói anh đã điều trị một năm và trước đó đã cai nghiện 4 lần nhưng không thành công. “Cứ nghĩ uống một vài ly ăn cơm cho nó ngon nhưng rồi không có rượu lại run tay, mất trí nhớ nên tôi đi điều trị”, anh Nhàn cho biết.
Anh Phạm Tấn Cảnh (em trai anh Phạm Tấn Tài - người bị tai nạn giao thông do uống rượu bia) kể: “Anh trai tôi 26 tuổi, chưa có gia đình nhưng thường hay nhậu nhẹt. Một hôm anh đi đám cưới, nhậu xỉn trở về thì gặp tại nạn, bị chấn thương sọ não, bại liệt. Nhà chỉ có 3 anh em trai, anh lớn đã có gia đình, tôi đang sinh viên, mẹ tôi mất sớm nên ba phải nghỉ làm ở nhà chăm sóc anh trai từ miếng ăn, vệ sinh đến đi đại tiện”.
Là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng nghiện rượu, chị Nguyễn Thị Bích Thuỷ, Chi hội trưởng P.14, Q.Gò Vấp (TP.HCM) tâm sự: “Tôi ở đây hôm nay xin nói bằng tấm lòng của mình mà không e ngại, xấu hổ. Chồng đã nghiện ngập, cứ về nhà là đánh tôi phải nhập viện rồi có vợ nhỏ. Tôi quyết tâm bỏ chồng tự mình nuôi 5 đứa con ăn học trưởng thành. Khi ông ấy không còn gì thì xin quay về nhưng tôi không chấp nhận. Được các con khuyên nhủ, tôi đồng ý nhưng đấy cũng là lúc tôi phải chăm sóc ông ấy bởi căn bệnh ung thư gan từ rượu bia. Ông ấy đã chết năm ngoái. Tôi chỉ muốn nói là phụ nữ không hẳn phải nhẫn nhịn. Tôi bỏ chồng nghiện rượu là vì tôi muốn giải thoát cho bản thân tôi trước tiên, sau đó mới đến vì các con của mình”.

tin liên quan

Hôm trước nhậu, hôm sau cấp cứu viêm tụy cấp
Tại khoa Nội tiêu hóa, Bệnh viện Đại học Y Dược (TP.HCM), các ca bệnh liên quan đến rượu bia chiếm khoảng 50%, chủ yếu là viêm tụy cấp, tiếp theo là viêm gan và viêm dạ dày.

"Bản lĩnh đàn ông"?
Theo thống kê của Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (Công an TP.HCM), năm 2016 có 36/885 vụ tai nạn giao thông liên quan đến người điều khiển phương tiện sau khi sử dụng rượu bia, làm 30 người chết và 5 người bị thương.
BS Huỳnh Thanh Hiển (BV Tâm Thần TP.HCM) nêu tỉ lệ lạm dụng và lệ thuộc rượu, bia chiếm 20 - 30% người sử dụng. Tâm lý thường gặp là buồn uống, vui uống, không buồn không vui cũng uống, cứ luẩn quẩn như vậy.
“20 năm trước, không có trường hợp nữ bệnh nhân nghiện rượu nhưng những năm gần đây tỉ lệ các quý bà, quý cô nhập viện là 10% tổng số bệnh nhân nhập viện”, BS Hiển cho hay.
Lý giải việc gần 80% đàn ông VN đều uống rượu bia và đứng đầu thế giới (thống kê do Bộ Y tế và Tổ chức Y tế Thế giới thực hiện năm 2016), theo tiến sĩ Nguyễn Thị Bích Hồng (giảng viên Khoa Tâm lý, Trường đại học Sư phạm TP.HCM), tính sĩ diện ở đàn ông khá cao. Đã cầm ly rượu trong tay thì phải chạy theo “đô” của bạn nhậu và cho rằng đấy là cách chứng minh mình hết lòng với anh em, nếu dừng lại sợ bị cho chơi không nhiệt tình; một số bạn uống được nhiều thì thích thể hiện, muốn nổi bật trong bàn nhậu để thể hiện giá trị đích thực của đàn ông; tạo ra giá trị ảo, tôi là chủ xị nên chất chồng từng thùng bia để anh em thoải mái uống và bản thân cũng uống thật nhiều để anh em không nghĩ là mình tiếc tiền; không tự tin vào bản thân, thiếu bản lĩnh từ chối, sợ không uống anh em cười chê nói rằng “hôm nay mày tính làm giai nhân (tức dân nhai, ăn mà không uống - PV) nên hổ thẹn và uống; không nhậu không làm ăn được…
Thạc sĩ Đào Lê Hoà An, Giám đốc chiến lược Trung tâm chăm sóc tinh thần Ý tưởng Việt nhìn nhận, tâm lý diễn ra trên bàn nhậu thường lên bia phải lên đều, đơn vị tính bằng chai không tính bằng ly. Bởi, đàn ông thường nghĩ bản lĩnh đàn ông thể hiện bằng chai bia, không phải từ việc khả năng từ chối. Hoặc có những trò thách đố nhau tạo thêm kích thích, hào hứng khi nhậu, chẳng hạn những nhóm (hội) thách đố nhau khi nhậu sẽ gom điện thoại vào rổ, điện thoại anh nào reo trước thì bị gọi là diệu cơ (tức vợ kêu -PV) thì phải bao nguyên bàn; nữ giới trẻ uống để gây sự chú ý hoặc bị kích bác nên uống.

tin liên quan

Giã rượu bằng củ quả
Một số loại trái cây và rau củ chứa nhiều dưỡng chất có tác dụng giã rượu.

Ứng xử sao cho đúng
GS.TS tâm lý Vũ Gia Hiền, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng Văn hoá - du lịch, cho biết phụ nữ khi thấy chồng say thường có bộ mặt cau có, nhiều lần như vậy, đàn ông nghĩ thường ngày mặt vợ cau có không có nhưng đúng lúc say lại cau có nên anh chồng sợ không dám về.
“Đừng nghĩ rằng đàn ông không sợ vợ. Khi sợ thấy vợ cau có, không dám về nên đàn ông thường ráng uống mấy ve (chai) nữa, khi nào hết sợ vợ mới dám về. Khi say về thấy mặt cáu đã ghét rồi, khi hết thấy sợ thì đánh vợ là chuyện bình thường”, ông Vũ Gia Hiền nhấn mạnh. Ông cho rằng nguyên nhân những người vợ bị anh chồng đang say đánh do không biết cách ứng xử khi người chồng đang có hơi men.
Khá đồng tình, thạc sĩ Đào Lê Hòa An, Giám đốc chiến lược Trung tâm chăm sóc tinh thần Ý tưởng Việt, chia sẻ từng được vợ của bạn nhắn rằng: “Anh An ơi, anh nhắn giúp chồng em uống sao mà đừng để mất mặt em nha anh”. Tôi đảm bảo các anh chị, đàn ông khi nghe vợ nói vậy tự nhiên chùn hẳn, uống ít lại hơn những đàn ông khi nghe vợ bảo "uống ít lại". Bởi, đàn ông thường có tâm lý ngược. Còn có những người vợ khi chồng say sẵn sàng tới chở về. Chỉ vần vài lần như vậy, anh chồng tự nhiên có trách nhiệm hơn khi vui cùng bạn bè”.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Bích Hồng nêu: Nếu nhận thức rằng sức khỏe không chỉ của riêng mình mà là tài sản chung của gia đình thì sẽ uống rượu bia có trách nhiệm; chấp nhận tửu lượng kém, đừng nghĩ không uống được là hèn. Sẵn sàng từ chối và biết cách từ chối mới là đàn ông khôn ngoan…
Các chuyên gia, bác sĩ đưa ra phương thức uống rượu bia không nguy hiểm đối với nam là 2 ly/ngày, nữ là 1 ly/ngày; uống rượu bia trên 30gr cồn/ngày tăng nguy cơ bệnh gan, trên 120gr cồn/ngày nguy cơ bệnh tuyệt đối.
Bác sĩ Lương Văn Minh, Phó giám đốc Trung tâm truyền thông giáo dục sức khoẻ TP.HCM, cho biết công thức để cai nghiện rượu bia thành công luôn phụ thuộc vào 3 yếu tố: hiểu biết, quyết tâm và hỗ trợ từ gia đình, cộng đồng. Trong đó, yếu tố quyết tâm rất quan trọng, sự quyết tâm này phụ thuộc vào người nghiện có vượt qua được đam mê, cơn thèm, ham muốn rượu bia hay không.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.