Báo động dự án ‘vùng nhạy cảm’

26/09/2015 06:58 GMT+7

Tại Hội nghị Thành ủy Đà Nẵng mở rộng lần thứ 24, tình trạng người nước ngoài mua các dự án ven biển theo kiểu thâu tóm đã được báo động.

Tại Hội nghị Thành ủy Đà Nẵng mở rộng lần thứ 24, tình trạng người nước ngoài mua các dự án ven biển theo kiểu thâu tóm, tập trung ở khu vực Q.Ngũ Hành Sơn, Q.Sơn Trà và sân bay Nước Mặn... đã được báo động.

Khu vực đất gần sân bay Nước Mặn, nơi chính quyền Đà Nẵng lo ngại có dấu hiệu bị người nước ngoài thâu tóm Khu vực đất gần sân bay Nước Mặn, nơi chính quyền Đà Nẵng lo ngại có dấu hiệu bị người nước ngoài thâu tóm - Ảnh: H.T
“Đó là vấn đề liên quan đến an ninh, chính trị núp bóng trong hoạt động chuyển dịch, mua bán đất đai. Vấn đề này chúng tôi đã nhiều lần báo cáo thành phố và không chấp nhận những hồ sơ chuyển dịch mang yếu tố nước ngoài”, ông Nguyễn Điểu, Giám đốc Sở TN-MT TP.Đà Nẵng, cảnh báo.

Chính quyền địa phương cần phải kiểm soát chặt chẽ vấn đề này, phải làm rõ tư cách pháp lý của người VN đứng tên mua đất hoặc chuyển nhượng đất đai rồi đứng tên giúp cho doanh nghiệp nước ngoài

TS Phan Hữu Thắng, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài
Giám đốc Sở TN-MT TP.Đà Nẵng cũng cho biết thêm toàn bộ những hồ sơ “có vấn đề” đều được gửi qua Sở KH-ĐT xem xét cẩn trọng nguồn gốc, vốn đầu tư; lưu ý tình trạng các doanh nghiệp, cá nhân VN đứng tên, nhưng sau lưng là người nước ngoài mà cụ thể ở đây là người Trung Quốc, để có kế hoạch chủ động kiểm soát. “Tuy nhiên, cái khó là những chuyển dịch này thông qua rất nhiều cấp, thực hiện thỏa thuận với chủ đầu tư, người dân, chủ khách sạn, nhà hàng ven biển”, ông Nguyễn Điểu nói.
“Vấn đề cực kỳ nguy hiểm”
Trao đổi với PV Thanh Niên chiều qua, ông Nguyễn Điểu một lần nữa khẳng định đây là vấn đề đã tồn tại nhiều năm qua: “Luật pháp không cấm người VN mua nhà, đất. Nhưng trên thực tế đã có người nước ngoài thông qua người VN đứng tên để mua bất động sản”. Ông Điểu cũng thẳng thắn thừa nhận chuyện mua bán đất ven biển, nhất là tại khu vực đối diện với Crowne Plaza Đà Nẵng (tiếp giáp sân bay Nước Mặn - PV) là vấn đề hết sức nhạy cảm về an ninh, nên TP.Đà Nẵng hết sức thận trọng trong việc cấp phép đầu tư, xây dựng, đặc biệt là đối với các dự án nhà ở ven biển có diện tích đất không lớn nhưng chủ đầu tư “cố đẩy lên 30 - 40 tầng”.
Làm thế nào để ngăn chặn và xử lý dứt điểm vấn đề thâu tóm, chuyển dịch bất động sản cho người nước ngoài? Ông Nguyễn Điểu trả lời: “Cái này cũng rất khó, một ngành như TN-MT không làm được. Chính vì vậy, chúng tôi đã kiến nghị với UBND TP sớm mở hội nghị chuyên đề nghe ý kiến của các ngành, các cấp liên quan, từ đó mới có giải pháp hiệu quả để quản lý, ngăn chặn”.
Những dự án nào đang triển khai cần được đình chỉ. Dự án nào đã được triển khai hoặc được cấp giấy phép đầu tư ở những vùng nhạy cảm về quốc phòng ngay lập tức được thu hồi. Các nhà đầu tư núp bóng hoặc cho núp bóng phải được xử lý
TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế T.Ư
Còn ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP, cho biết đã giao cho Sở TN-MT, Sở KH-ĐT kiểm tra, đánh giá đầy đủ, báo cáo chính xác thực tế chuyển dịch các dự án nhà ở dân sự, lẫn các dự án lớn ven biển. Trong khi đó, ông Trần Thọ, Bí thư Thành ủy, nhấn mạnh: “Đây là vấn đề cực kỳ nguy hiểm, phải đặc biệt lưu tâm. Bên phía Công an thành phố cũng cần phối hợp, làm sao đảm bảo đúng luật, nhưng vẫn phải hạn chế cho được tình trạng này”.
Phải thu hồi dự án
TS Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT), hiện là Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, đặt câu hỏi: “Luật Đầu tư của VN đã cởi mở hơn trước rất nhiều, các nhà đầu tư Mỹ, Nhật... đăng ký đầu tư vào VN đàng hoàng nhưng không hiểu vì sao một số nhà đầu tư Trung Quốc lại giấu mặt”. Theo ông Thắng, việc các nhà đầu tư nước ngoài nói chung, đặc biệt là Trung Quốc, mua hoặc chuyển nhượng đất đai ven biển ở Đà Nẵng với số đông nhưng đăng ký dưới tên đại diện VN là cực kỳ “nhạy cảm”. Để xảy ra tình trạng này là trách nhiệm của cơ quan quản lý địa phương khi xem xét cấp đất còn lỏng lẻo.
“Chính quyền địa phương cần phải kiểm soát chặt chẽ vấn đề này, phải làm rõ tư cách pháp lý của người VN đứng tên mua đất hoặc chuyển nhượng đất đai rồi đứng tên giúp cho doanh nghiệp nước ngoài; buộc người đứng tên phải chứng minh được khả năng đầu tư, kinh nghiệm đầu tư, nguồn tiền, nguồn vốn, vay vốn ở đâu... Nếu phát hiện có yếu tố nước ngoài thì phải thực hiện theo các điều kiện đầu tư nước ngoài”, ông Thắng nhấn mạnh.
Trước ý kiến cho rằng cơ quan quản lý không có quyền điều tra về nguồn vốn, ông Thắng khẳng định “cơ quan quản lý có quyền này”. Tất cả những nhà đầu tư khi đăng ký dự án đều được cơ quan chức năng hỏi về nguồn vốn và khả năng thực hiện được dự án hay không. “Nếu lơ là để mất đất ven biển là vô cùng nguy hiểm”, ông Thắng nói.
Cùng quan điểm với ông Thắng, TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế T.Ư, cho rằng chính quyền Đà Nẵng cần làm rõ hiện tượng như nêu trên và có biện pháp xử lý thích đáng. “Những dự án nào đang triển khai cần được đình chỉ. Dự án nào đã được triển khai hoặc được cấp giấy phép đầu tư ở những vùng nhạy cảm về quốc phòng ngay lập tức được thu hồi. Các nhà đầu tư núp bóng hoặc cho núp bóng phải được xử lý”, ông Doanh đề xuất và cho rằng cơ quan quản lý nhà nước phải làm rõ về tình trạng giấu tên này.
“Đó là dấu hiệu không bình thường. VN có chính sách đầu tư nước ngoài rõ ràng, tại sao phải nhờ người đứng tên và giấu mặt?”, ông Doanh nhấn mạnh.
Lo ngại an ninh tiền tệ
Từ góc nhìn tổng quan, TS Bùi Trinh, chuyên gia kinh tế, nhận định kinh tế Trung Quốc thời gian gần đây có những diễn biến không ổn, hơn nữa giá nhân công nước này rất cao. Vì thế, nước này muốn chuyển hướng đầu tư sang những quốc gia có giá nhân công rẻ để có lợi nhuận chuyển về nước. Họ đang trông chờ vào nguồn thu ở nước ngoài để bù đắp cho các khoản tiết kiệm trong nước. Đó là lý do các khoản đầu tư của Trung Quốc đang dần gia tăng ở nước ngoài. Nhưng việc đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Trung Quốc vào VN lại dưới hình thức đứng tên hộ là điều cần được kiểm soát chặt chẽ. “Việc đứng tên hộ này khiến cơ quan quản lý vốn FDI của VN và địa phương không giám sát được, từ đó doanh thu, lợi nhuận sẽ dễ dàng chảy ra nước ngoài. Nhưng đáng nói nhất ở đây chính là dòng chảy ngầm không thể biết được của vốn FDI từ Trung Quốc, nguồn tiền vào VN có từ đâu và lợi nhuận sẽ đi đâu”, ông Trinh lý giải.
Theo TS Bùi Trinh, bên cạnh nhạy cảm về quốc phòng khi nhiều dự án của nhà đầu tư Trung Quốc nằm ở ven biển, còn có yếu tố kinh tế cực kỳ quan trọng, đó là an ninh tiền tệ. “Các nước trên thế giới từ lâu khi cấp dự án đầu tư luôn yêu cầu nhà đầu tư chứng minh nguồn tiền. VN lại không đặt nặng khía cạnh này. Vì thế, để kiểm soát tình hình và loại bỏ tình trạng nhà đầu tư giấu mặt, cơ quan quản lý cần làm rõ, minh bạch nguồn tiền”, ông Trinh nói thêm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.