Báo động giáo viên sai chính tả: Đào tạo và tuyển sinh sư phạm có vấn đề

18/03/2016 08:00 GMT+7

Dù được xem là nơi đào tạo ra “máy cái” cho ngành giáo dục nhưng chương trình giảng dạy cũng như cách thức tuyển sinh của các trường sư phạm chưa có cơ chế sàng lọc cũng như cải thiện chất lượng giáo viên.

Dù được xem là nơi đào tạo ra “máy cái” cho ngành giáo dục nhưng chương trình giảng dạy cũng như cách thức tuyển sinh của các trường sư phạm chưa có cơ chế sàng lọc cũng như cải thiện chất lượng giáo viên.

Giáo sinh thực tập tại Trường THCS Lý Phong (Q.5, TP.HCM) - Ảnh: Đào Ngọc ThạchGiáo sinh thực tập tại Trường THCS Lý Phong (Q.5, TP.HCM) - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Với tình trạng khó kiếm việc làm sau khi ra trường, ngành sư phạm hiện nay không đủ sức thu hút người giỏi. Không chỉ giảm số lượng thí sinh dự thi, điểm chuẩn vào nhiều ngành sư phạm cũng ở mức bằng sàn. Điều này phần nào tác động tới chất lượng giáo viên (GV) khi ra trường.
Có sơ tuyển nhưng lại… du di
Công cụ giúp viết đúng chính tả
Với một chút kiên nhẫn, cẩn trọng cùng vài phần mềm hỗ trợ, chúng ta có thể tránh được các lỗi chính tả từ sơ đẳng đến phức tạp.
Có rất nhiều ứng dụng kiểm tra lỗi chính tả miễn phí trên điện thoại thông minh và máy tính. Trên điện thoại có các ứng dụng như Tummo Spell, Tiny Spell, Vspell, VcatSpell, Vietspell 3.0, Chính tả copcon 5.03, Vi Check Spelling hoặc các bộ gõ tiếng Việt như Vietnamese IME, GoTiengViet 3 Vietnamese input, Laban Key, Quick Keyboard Việt... Người dùng máy tính cũng có thể dễ dàng kiểm tra lỗi chính tả trong khi soạn văn bản Word với phần Spelling & Grammar (đánh vần và ngữ pháp) hoặc cài đặt Add-in kiểm tra lỗi chính tả.
Kim Nga
Hầu hết các trường tuyển sinh khối ngành sư phạm không đưa ra tiêu chí xét tuyển riêng cho thí sinh vào ngành này để sàng lọc ngay từ đầu những người có đủ năng lực, tố chất trở thành GV. Trường ĐH Sư phạm TP.HCM có đặt ra quy định nhưng cách thức triển khai rất chung chung.
Trong thông báo tuyển sinh Trường ĐH Sư phạm TP.HCM ghi rõ điều kiện dự thi vào các ngành sư phạm là không bị dị tật, không nói ngọng, nói lắp. Về thể hình, thí sinh phải có chiều cao từ 1,55 m trở lên với nam và từ 1,5 m trở lên với nữ. Tuy nhiên, quy định này chỉ được sàng lọc sau khi thí sinh đã trúng tuyển vào trường, khi khám sức khỏe đầu năm. Theo đại diện nhà trường, ở thời điểm này trường sàng lọc sinh viên (SV) về thể hình và kiểm tra sơ bộ tâm sinh lý. Với những SV nói không lưu loát hoặc sức khỏe không bình thường, trường phải nhờ đến giám định y khoa để có kết luận cuối cùng. “Dù đã đưa ra quy định nhưng thực tế vẫn có trường hợp không đủ điều kiện thể hình dự thi và trúng tuyển. Nhưng do SV đã trúng tuyển trường mới tiến hành kiểm tra ngoại hình và sức khỏe, vì vậy trừ trường hợp quá đặc biệt thì còn lại đều du di”, đại diện nhà trường cho biết.
Trường CĐ Sư phạm trung ương TP.HCM trước đây cũng từng có quy định về hình thể và ngôn ngữ đối với thí sinh khi tuyển đầu vào nhưng sau đó lại bỏ. Theo đại diện nhà trường: “Các quy định này đưa ra cũng không có tác dụng nhiều vì thực tế những thí sinh nói ngọng cũng không dự thi vào. Hơn nữa, với các ngành sư phạm có tổ chức thi năng khiếu, thí sinh bắt buộc phải đọc diễn cảm, múa hát và trả lời câu hỏi trực tiếp từ ban giám khảo. Quá trình này ngoài kiểm tra năng khiếu còn đánh giá được cơ bản giọng nói, ngoại hình và tác phong điệu bộ thí sinh”.
Chưa có chuẩn đầu ra về kỹ năng ngôn ngữ
Theo các SV sư phạm, việc đào tạo ngôn ngữ trong các trường này không khác so với các trường bình thường. H.T.L, cựu SV ngữ văn Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, thú nhận: “Bản thân mình từ nhỏ đã thường viết sai chính tả do phát âm vùng miền, sau 4 năm học sư phạm cũng không khá hơn nhiều”.
T.L nhấn mạnh do trường không bắt buộc SV khi ra trường phải đạt chuẩn ngôn ngữ nên khi đi dạy vẫn có người nói ngọng, viết sai chính tả.
Đại diện Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cho biết chương trình đào tạo môn chỉnh âm mới chỉ được dạy ở một số ngành sư phạm đặc biệt như: giáo dục tiểu học, sư phạm mầm non… Trong các chuẩn đầu ra cần đạt được của SV sư phạm, chưa có chuẩn riêng và cụ thể về kỹ năng ngôn ngữ tiếng Việt.
Thay đổi cách thức tuyển sinh
Một giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cho rằng yêu cầu rèn chính tả cho SV trong chương trình ĐH rất khó mà cần có sự nỗ lực ngay từ bậc phổ thông. Tuy nhiên, nếu có sự điều chỉnh cách tuyển sinh đầu vào theo hướng sàng lọc kiểm tra ngôn ngữ ban đầu, kết hợp với thay đổi hình thức kiểm tra đánh giá trong chương trình đào tạo ĐH sẽ giải quyết được vấn đề này.
Thạc sĩ Nguyễn Nguyên Bình, Phó hiệu trưởng Trường CĐ Sư phạm trung ương TP.HCM, đề xuất nên tiến hành kiểm tra bước đầu những yêu cầu cần thiết với giáo viên như: giọng nói, hình thể, chữ viết… Tương tự, thạc sĩ Lê Ngọc Tứ (Phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) cũng cho rằng bên cạnh kiến thức văn hóa và năng khiếu, các ngành sư phạm cần có thêm một buổi kiểm tra riêng thông qua hình thức phỏng vấn.
Đây cũng là cách thức tuyển sinh mà Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM đang áp dụng với các ngành sư phạm. PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Có những thí sinh yêu thích ngành sư phạm, thi đạt điểm cao nhưng không có khả năng ăn nói, cách truyền đạt kiến thức không tốt sẽ dẫn đến hiệu quả giảng dạy không cao. Do vậy, trường đã quyết định đổi mới hình thức tuyển sinh từ tuyển sinh trực tiếp bằng kết quả thi sang quá trình sàng lọc phỏng vấn với các ngành sư phạm trong những năm gần đây”.
“Đó là vấn đề rất lớn hiện nay”
“Các em đã phản ánh một vấn đề mà tôi nghĩ là rất lớn hiện nay, đó là sự trong sáng của tiếng Việt. Đúng là hiện có rất nhiều trẻ em và thanh niên nói ngọng, nói sai chính tả. Phải nói đây là hiện tượng rất phổ biến. Thậm chí, phát thanh viên ở những đài lớn cũng nói ngọng rất nhiều”.
(Trích ý kiến của bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.HCM, trong chương trình Lãnh đạo TP.HCM gặp gỡ thiếu nhi năm 2016)
“Phải nắm quy tắc về chính tả”
Sai chính tả là lỗi khá phổ biến của SV sư phạm hiện nay. Để hạn chế thực trạng này, GV cần nắm một số quy tắc chính tả như quy tắc viết hoa, cách viết tắt, quy tắc ghi thanh điệu. Ngoài ra phải biết một số cách thức chữa các lỗi thông thường về chính tả như lỗi về dấu thanh, lỗi về vần, lỗi về phụ âm đầu và một số "mẹo" chữa lỗi đơn giản, chẳng hạn dấu ngã áp dụng cho từ Hán Việt có phụ âm đầu là m, n, nh, v, l, d, ng...
Tiến sĩ Nguyễn Thế Truyền (giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM)
“Điểm đầu vào phải cao”
Ở Phần Lan, để trở thành GV, ứng viên phải nỗ lực để thỏa mãn rất nhiều tiêu chuẩn. Trước hết, SV ngành sư phạm có điểm thi đầu vào ĐH cao hơn các ngành y và luật. Sau khi tốt nghiệp ĐH, những cử nhân này phải tiếp tục học hoàn tất văn bằng thạc sĩ thì mới có thể tham gia đứng lớp.
Hoàng Thục Nhi (nghiên cứu sinh chuyên ngành khoa học giáo dục,
Trường ĐH Eastern Finland, Phần Lan)
Như Lịch - Trần Ngọc Tuấn - Bích Thanh (ghi)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.