Đó là sự việc mới xảy ra ở Nghệ An. Xem clip nhóm thanh niên ở Nghệ An hành hạ, “chôn sống” một nam thanh niên, nhiều người phẫn nộ trước hành vi coi thường danh dự, tính mạng người khác. Nạn nhân là N.Q.V (17 tuổi, ngụ Hà Tĩnh).
Nguyên nhân dẫn đến vụ việc này là V. mượn xe máy của một người trong nhóm thanh niên nói trên rồi mang đi cầm cố; khi nhóm này đến nhà đòi, thì được bố mẹ V. nhờ “dạy dỗ để răn đe con”.
Nhóm thanh niên đưa V. ra bãi đất ven sông Lam, đào hố, cởi quần áo rồi trói tay, dùng dép đánh vào mặt, buộc V. nằm xuống hố, lấp cát lên người để “chôn sống”. Sự việc bị phát hiện, V. và người thân nói với báo chí đây chỉ là “trò đùa” và có ý bênh vực cho việc làm của nhóm thanh niên.
Tuy nhiên, Công an TP.Vinh (Nghệ An) đã triệu tập khẩn cấp nhóm người này để lấy lời khai và ra quyết định tạm giữ hình sự để điều tra các hành vi bắt giữ người trái pháp luật, làm nhục người khác. Dù với bất cứ lý do gì cũng không thể làm ngơ trước những kẻ thích áp dụng “luật rừng” như thế.
“Luật rừng” cũng được biết đến qua nhiều hình thức khác. Khi không thể giải quyết được mâu thuẫn, một số người đã vận đến “luật rừng” như Báo Thanh Niên từng có loạt bài phản ảnh về “dịch vụ” tạt sơn, đòi nợ qua mạng xã hội. Đáng nói đây đều là những hành vi vi phạm pháp luật nhưng lại được quảng cáo một cách công khai.
Nhờ người “dạy dỗ” con em mình như trường hợp xảy ra ở Nghệ An hay nhờ người khác làm việc phi pháp như tạt sơn, đòi nợ qua mạng… cần phải loại trừ ngay khi còn trong trứng nước. Con người là đối tượng hàng đầu được pháp luật bảo vệ. Những hành vi xâm hại tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự... của người khác hoặc tiếp tay cho các hành vi này cần phải lên án và nghiêm trị.
Bình luận (0)