Báo động môi trường vì chôn lấp rác

08/11/2018 07:42 GMT+7

Phần lớn chất thải rắn (rác) ở VN được xử lý theo kiểu chôn lấp gây lãng phí tài nguyên, quỹ đất, ngân sách và ảnh hưởng đến môi trường.

Đó là nội dung hội thảo “Công nghệ, thiết bị thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn phù hợp điều kiện VN”, diễn ra ngày 7.11 tại TP.HCM do Hiệp hội Môi trường đô thị và khu công nghiệp VN tổ chức.
Rác ngày càng nhiều, xử lý kém
“60% số lượng chất thải rắn sinh hoạt do tư nhân thu gom, 40% còn lại của các đơn vị nhà nước phụ trách. Vì vậy nhà nước cần có chính sách bình đẳng, chống độc quyền để các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực này được tự do cạnh tranh, góp phần nâng cao chất lượng hiệu quả trong việc thu gom”.
Ông Huỳnh Minh Nhựt (Phó chủ tịch Hiệp hội Môi trường đô thị và khu công nghiệp VN)
Số liệu thống kê cho thấy, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh ở khu vực đô thị khoảng 38.000 tấn/ngày, gia tăng trung bình 12%/năm. Lượng chất thải rắn phát sinh ở khu vực đô thị là 0,7 kg/người/ngày; nông thôn 0,3 kg/người/ngày. Ở khu vực đô thị cao nhất là TP.HCM 1, 3 kg/người/ngày; Hà Nội là 1 kg/người/ngày. Tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt hiện nay tại khu vực nội thành trung bình đạt khoảng 85%, khu vực ngoại thành khoảng 60%, còn khu vực nông thôn chỉ đạt khoảng 40 - 55% so với lượng phát sinh.
Tổng lượng chất thải rắn phát sinh từ các khu công nghiệp vào khoảng 7 triệu tấn/năm, chất thải nguy hại phát sinh trên toàn quốc khoảng 800.000 tấn/năm. Thế nhưng tỷ lệ chất thải công nghiệp phát sinh được thu gom còn hạn chế. Một số cơ sở sản xuất công nghiệp ngoài cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất nhỏ lẻ không ký hợp đồng thu gom xử lý dẫn đến việc đổ chất thải bừa bãi gây mất vệ sinh và ô nhiễm môi trường. Chưa kể khối lượng chất thải xây dựng, công nghiệp nguy hại cũng chưa được thu gom triệt để do công tác quản lý chưa chặt chẽ. Hiện VN rất thiếu các khu xử lý chất thải rắn công nghiệp, xây dựng, đặc biệt là các khu xử lý chất thải tập trung quy mô lớn.
Ông Huỳnh Minh Nhựt, Phó chủ tịch Hiệp hội Môi trường đô thị và khu công nghiệp VN, cho biết: Cả nước mới chỉ có 35 cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị đang hoạt động. Ngoài một số cơ sở có quy mô, phần lớn công suất trung bình của các cơ sở chỉ đạt mức từ 100 - 200 tấn/ngày. Công nghệ xử lý hiện nay là chôn lấp, ủ phân hữu cơ và đốt. Việc sử dụng công nghệ đốt còn rất hạn chế và phần lớn sử dụng công nghệ lạc hậu, công suất nhỏ, khí thải phát sinh chưa được kiểm soát chặt chẽ.
132 điểm ô nhiễm nghiêm trọng
GS-TS Nguyễn Hữu Dũng, Viện Môi trường đô thị và công nghiệp VN, đánh giá: Tỷ lệ thu gom rác ở VN mới đạt 70 - 80% tổng lượng thải, trong khi việc vận chuyển còn nhiều bất cập, hạn chế đã gây tác động tiêu cực đến môi trường đô thị và sức khỏe người dân. “Đến hết năm 2017, cả nước có khoảng 660 bãi chôn lấp (quy mô trên 1 ha/bãi) và nhiều bãi chôn lấp quy mô nhỏ ở các xã; chỉ có 128 bãi chôn lấp hợp vệ sinh chiếm tỷ lệ 18,2%. Đối với hình thức đốt, cả nước có 200 lò, công suất dưới 500 kg/giờ. Nhiều lò đốt rác đầu tư công nghệ hạn chế gây phát thải nhiều chất độc hại vào môi trường không khí”, GS Dũng nói.
Bà Lê Thu Thủy, Phó trưởng phòng Quản lý chất thải rắn (Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng), bổ sung: Phần lớn các bãi rác tạm, lộ thiên, không có lót đáy, không có hệ thống thu gom và xử lý nước rỉ rác. Hiện tại nhiều bãi quá tải, không được che phủ bề mặt, không phun hóa chất khử mùi, diệt côn trùng. Có 132 bãi chôn lấp rác thải là cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, phải xử lý ô nhiễm triệt để đến năm 2020. Tuy nhiên tiến độ xử lý còn chậm.
Các chuyên gia cho rằng vấn đề quan trọng đối với việc xử lý rác ở VN là khâu phân loại rác tại nguồn chưa được thực hiện, một số nơi có áp dụng nhưng không tốt gây khó khăn cho việc xử lý. Chính vì vậy, các địa phương cần đẩy mạnh việc thực hiện phân loại rác tại nguồn nhằm tạo nền tảng cho việc tái xử lý, tái chế.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.