Báo động ngập lụt trên cả nước

30/09/2023 07:20 GMT+7

Từ thành phố tới nông thôn, từ quốc lộ tới cao tốc, từ vùng cao cho tới biển đảo… mưa lũ, ngập lụt đang đe dọa hầu khắp các địa phương trên cả nước.

Ám ảnh hễ mưa là ngập

Sáng sớm 28.9, thủ đô Hà Nội đón cơn mưa tầm tã. Hàng loạt tuyến đường khắp các quận Hoàng Mai, Hà Đông, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Ba Đình, Nam Từ Liêm… trời tối đen, mưa xối xả, gây ngập lút bánh xe. Cơn mưa kéo dài khoảng 1 giờ đã biến phố Bùi Xương Trạch (Q.Thanh Xuân) thành biển nước bởi ngập sâu từ 30 - 50 cm. Xe 2 bánh, ô tô chết máy la liệt giữa dòng nước xối vượt quá đầu gối. Nhiều nhà dân ở hai bên con phố này bị nước tràn vào, làm xáo trộn hết đồ đạc. Đại lộ Thăng Long nối trung tâm thủ đô với các huyện Hoài Đức, Quốc Oai, Thạch Thất mưa dồn dập, nước dâng cao, mỗi lần ô tô phóng qua lại tạo sóng như sông.

Báo động ngập lụt trên cả nước - Ảnh 1.

Cơn mưa lớn sáng 28.9 khiến hàng loạt tuyến phố tại Hà Nội ngập sâu

ĐÌNH HUY

Cùng thời điểm, tại các phố Tố Hữu, Nguyễn Tuân, Hoàng Minh Giám, mưa cũng làm ngập khoảng 40 - 50 cm, hàng loạt phương tiện phải dắt bộ giữa dòng nước vì chết máy. Nhiều người còn phải vừa mặc áo mưa, vừa che ô, vừa bì bõm đẩy ô tô giữa biển nước. Trên QL6 đoạn qua địa bàn P.Yên Nghĩa, Q.Hà Đông; Khu đô thị Văn Phú (Q.Hà Đông), rất nhiều tài xế thẫn thờ nhìn nước tràn vào, ngập quá ghế lái trên những chiếc siêu xe đắt đỏ. 

Hình ảnh những anh tài xế ngậm ngùi ngồi trên nóc ô tô chịu mưa giữa xung quanh toàn nước đục được lan truyền nhanh chóng trên khắp các trang mạng xã hội, kèm theo lời bình luận "cười ra nước mắt": "Lúc mua xe, tư vấn bảo anh chị mua đi để có cái mà tránh mưa tránh nắng. Thế mà…". Đã lâu lắm rồi, người dân trong nội thành Hà Nội mới phải hứng chịu trận mưa ngập khủng khiếp như vậy.

Vì sao miền Bắc, miền Trung xuất hiện đợt mưa lớn nhất từ đầu năm?

Trước đó, mưa lớn kéo dài từ sáng 27.9 tại Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh khiến hơn 1.000 căn nhà bị ngập; nhiều tuyến đường ngập lụt, sạt lở; nhiều khu dân cư bị bao vây, cô lập. Chưa hết, mưa to đúng thời điểm xả lũ từ thủy điện Châu Thắng khiến hàng trăm căn nhà ngập lút mái.

Khu vực miền Nam, người dân TP.HCM lại dường như đã quá quen thuộc với hình ảnh bì bõm dắt xe chết máy trong mưa. Hết mùa mưa lại tới triều cường, tình trạng ngập diện rộng liên tục xảy ra ở trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước. Mỗi ngày mưa lớn, trên các trang mạng xã hội, nhiều nhóm cư dân lại nhanh chóng truyền nhau cảnh báo mọi người về những tuyến đường ngập và danh sách tổng hợp đã lên tới 66 điểm ngập trên địa bàn toàn TP. Các điểm ngập tập trung ở các trục đường chính, nơi có lượng phương tiện qua lại lớn, cũng như tràn vào tới các ngõ ngách, các đoạn đường có bề mặt thấp, không chừa quận, huyện nào.

Không chỉ nhiều đô thị trung du mà các tỉnh, thành miền núi hay thậm chí miền biển cũng đang rơi vào tình cảnh cứ mưa là ngập sâu. Nằm trên cao nguyên Lâm Viên, có độ cao 1.500 m so với mực nước biển, có nhiều ao hồ và suối để tiêu thoát nước nên trước đây, hiếm khi Đà Lạt bị ngập. Tuy nhiên, khoảng 4 năm trở lại đây, TP cao nguyên này liên tục khiến người dân cả nước từ kinh ngạc tới ngán ngẩm khi năm nào cũng có cảnh chìm trong biển nước chỉ sau một cơn mưa. 

Đô thị ngập, vùng núi ngập, đến Phú Quốc cũng không thoát khỏi tình trạng này dù bao quanh hòn đảo là biển. Hồi cuối tháng 7, khu vực ấp Bến Tràm và ấp Cây Thông Trong, xã Cửa Dương, còn bị cô lập sau 3 ngày mưa lớn kéo dài, có nơi nước sâu cả mét. Nhiều khu dân cư sống ngay TT.Dương Đông cũng bị nước tràn vào nhà, ngập cục bộ.

Báo động ngập lụt trên cả nước - Ảnh 2.

Nhiều người vật lộn với xe chết máy giữa biển nước trên đường Lê Đức Thọ (Q.Gò Vấp, TP.HCM)

NHẬT THỊNH

Đáng chú ý, nếu những mùa mưa năm trước, chỉ có một số tuyến quốc lộ địa hình thấp, chạy qua khu dân cư như QL51 (nối TP.HCM và tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu), đoạn đi qua TP.Biên Hòa, hay QL1K, đoạn thuộc KP.Châu Thới, P.An Bình, TX.Dĩ An (Bình Dương), mới dễ ngập, thì năm nay, tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây khiến người dân cả nước ngỡ ngàng vì ngập cục bộ, gây tắc nghẽn giao thông đúng 3 tháng sau khi đưa vào khai thác. Trên khắp cả nước, ngập lụt đang ngày càng trở thành nỗi ám ảnh của người dân.

Cô gái gây sốt khi ngồi trên ô tô lướt điện thoại giữa 'biển nước'

Biến đổi khí hậu + đô thị hóa = ngập không lối thoát

Theo các chuyên gia, ngập lụt, sụt lún đang ngày càng lan rộng, lan nhanh một phần là do hệ lụy từ biến đổi khí hậu. Mưa lũ tràn về từ tháng 4 thay vì thường là tháng 8 trở đi, mùa đông kéo dài hơn, nhiệt độ xuống thấp hơn... Ngày càng xuất hiện nhiều hiện tượng thời tiết bất thường, thậm chí là dị biệt. Mới đây nhất, từ đầu tháng 8, dù không phải mùa triều cường đạt đỉnh, không có những trận mưa quá lớn, nhưng tại TP.HCM liên tiếp xuất hiện những vụ ngập nước, sạt lở, sụt lún nghiêm trọng khiến người dân hoang mang.

Dự án chống ngập 10.000 tỉ của TP.HCM sắp về đích

Tại buổi họp báo kinh tế - xã hội TP.HCM chiều 28.9, ông Nguyễn Huy Bình, Trưởng phòng Kế hoạch đầu tư Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP.HCM, thông tin: Theo báo cáo của chủ đầu tư, đến nay dự án chống ngập của TP đã hoàn thành 93% khối lượng thi công ngoài hiện trường. Hiện TP.HCM đang gặp vướng mắc về cơ chế nên chưa thể thanh toán tiền và quỹ đất cho nhà đầu tư theo hợp đồng BT. Vướng mắc này vượt thẩm quyền của UBND TP.HCM nên phải báo cáo Thủ tướng tháo gỡ. UBND TP đang giải trình các vấn đề cho Chính phủ liên quan đến việc thanh toán, giải ngân cho nhà đầu tư. Sau khi có chỉ đạo từ Chính phủ, TP sẽ giải quyết được các vướng mắc. Nếu các vướng mắc được tháo gỡ thì chỉ trong 6 - 8 tháng, chủ đầu tư sẽ hoàn thành khối lượng công việc còn lại, chính thức đưa dự án về đích.

Chuyên gia khí tượng thủy văn Lê Thị Xuân Lan nhìn nhận những diễn biến cực đoan của thời tiết là biểu hiện rõ nét của tác động từ biến đổi khí hậu. Trái đất nóng lên, điều lo ngại nhất không phải là lượng mưa tăng lên bao nhiêu, nước biển dâng lên bao nhiêu mà chính là những thiên tai dị thường ngoài tầm kiểm soát. 

Nếu ngày trước, lượng mưa trung bình năm đo được khoảng 2.000 mm/năm, bây giờ đạt 2.100 - 2.200 mm/năm. Tuy nhìn qua thì không tăng nhiều nhưng thực tế, mưa không diễn biến như thường lệ mà đi về các thái cực, lúc ít quá, lúc lại đổ xuống nhiều quá. Hay như nước triều dâng, thay vì lên đỉnh vào tháng 11, tháng 12 thì nay lại lên cao ngay từ tháng 9. Diễn biến thời tiết cực đoan khiến các biện pháp ứng phó rất bị động. Cùng lúc nếu mưa ào xuống, triều ào lên thì không hệ thống thoát nước nào chịu nổi, không thể tránh khỏi ngập.

Bên cạnh đó theo bà Lê Thị Xuân Lan, tại các TP lớn như Hà Nội, TP.HCM, tình trạng bê tông hóa diễn ra ngày càng nghiêm trọng. Cao ốc, nhà cao tầng không chỉ khiến hiệu ứng nhiệt tăng lên, lưu thông không khí bị cản lại mà còn lấp hết các đường thoát nước tự nhiên, gây ngập úng triền miên. Đô thị hóa nhanh cũng để lại hệ lụy khi quy hoạch lệch pha giữa giao thông và xây dựng, hệ thống thoát nước không theo kịp tốc độ đô thị hóa, dòng chảy bị lấn chiếm.

"Cũng chính việc xây dựng nhiều hơn các công trình lớn, cùng với khai thác cát tràn lan, khai thác nước ngầm quá dữ dội nên tốc độ sụt lún của vùng ĐBSCL cũng như TP.HCM đang diễn ra với tốc độ khốc liệt", chuyên gia này lý giải.

KTS Trần Huy Ánh, Hội Kiến trúc sư Hà Nội, nhận định vài năm trở lại đây, ngập lụt diễn ra dày đặc và nặng nề hơn trước rất nhiều do các đô thị đều đang thiếu không gian bán ngập, thiếu ao hồ và hệ thống tiêu thoát nước đồng bộ. Không gian ao hồ đang ngày càng bị thu hẹp nghiêm trọng hơn, không mở thêm được hồ nào mà thậm chí còn mất dần do quá trình san lấp làm nhà, xây khu đô thị. 

"Nếu mở rộng thêm được nhiều ao, hồ, giữ được các vùng bán ngập, không chỉ thoát được nước khi mưa lũ, mà đây còn là nguồn dự trữ nước sạch rất lớn cho sinh hoạt và các vùng sản xuất. Nhiều TP trên thế giới đã quy hoạch ngược phục hồi các vùng bán ngập, vùng trũng ngập để lấy nước sạch, giảm nhẹ nước ô nhiễm bổ sung nước ngầm", ông Trần Huy Ánh đề xuất.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.