Báo động tai biến ở phòng khám tư

18/01/2022 05:13 GMT+7

TP.HCM vừa qua đợt cao điểm phòng chống dịch Covid-19 , nhu cầu khám chữa bệnh của người dân tăng cao, nhưng một bộ phận người dân ngại đến bệnh viện (BV) nên đi phòng khám (PK) tư.

Hệ thống PK tư trên địa bàn TP.HCM đa số là hoạt động đàng hoàng, bài bản, nhưng còn có một số ít hoạt động bất chấp sức khỏe người dân.

Người dân khám bệnh tại BV Lê Văn Thịnh

ẢNH MINH HỌA: DUY TÍNH

Mới đây, một phụ nữ phá thai tại PK đa khoa (ĐK) H.P, rồi sang điều trị tại PKĐK T.L dưới sự dẫn dắt của một “bác sĩ” (BS) mạo danh BV Hùng Vương. Sau đó nữ bệnh nhân (BN) tử vong. Một nữ BN khác đến PKĐK quốc tế phá thai, xảy ra băng huyết ồ ạt, chuyển đến BV Hùng Vương và may mắn được cứu sống. Hai ca sản khoa tai biến liên tục ở PKĐK đặt ra vấn đề: Chuyên môn sản tại PKĐK thế nào? Trong các phòng mổ, phòng tiểu phẫu, có chắc rằng BN được BS có chứng chỉ hành nghề khám, phẫu thuật đàng hoàng không, hay những người không có tay nghề thực hiện dẫn đến tai biến?

Cũng trong đợt dịch Covid-19, một số BN khám tại một PKĐK khác trên địa bàn Q.1 kêu cứu bị PK làm tiền, “vẽ bệnh”, sau đó 2 BS tại PK này bị tước chứng chỉ hành nghề. Chiêu bài “vẽ bệnh” lấy tiền - vở kịch diễn ra cả hơn chục năm - thế mà chưa bao giờ cũ, nhiều người dân chưa nhận ra được và cơ quan quản lý không phải lúc nào cũng phát hiện ra nếu người bệnh không tố cáo.

Đã đến lúc chấn chỉnh toàn bộ PKĐK có vấn đề chuyên môn, vì lợi nhuận mà xem nhẹ tính mạng, sức khỏe BN. Cần làm rõ những tai biến, “vẽ bệnh” tại PKĐK để truy tố hình sự nhằm làm gương, răn đe, phòng ngừa. Cần có chế tài mạnh hơn để chấn chỉnh, đảm bảo khi người dân đến bất cứ PK nào cũng đều yên tâm cả túi tiền lẫn tính mạng.

Nhưng nói đi thì cũng nói lại, báo chí, truyền thông phản ánh rất nhiều về các PKĐK hoạt động vì tiền bất chấp tính mạng BN, nhưng BN vẫn cứ tìm đến. Do đó, người dân cần chọn nơi khám bệnh để gửi gắm sức khỏe, khỏi bị cảnh “tiền mất, tật mang”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.