Những con số đau buồn
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hôm qua thông báo số ca mắc Covid-19 trong 24 giờ đã lên mức cao nhất từ trước đến nay với 212.326 ca. Theo Reuters, hàng loạt quốc gia từ châu Á đến châu Phi như Ấn Độ, Indonesia, Philippines, Nam Phi hôm qua ghi nhận các kỷ lục mới về số ca nhiễm Covid-19. Các chuyên gia y tế lo ngại sẽ còn thêm những kỷ lục đáng buồn như vậy khi các nước dần dỡ bỏ hoặc nới lỏng các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt phòng dịch.
Tại Nhật Bản, việc thủ đô Tokyo ngày thứ 4 liên tiếp ghi nhận hơn 100 ca nhiễm mới đã đánh động giới chức nước này. Thị trưởng Tokyo Yuriko Koike hôm qua kêu gọi người dân tránh rời khỏi thành phố trừ trường hợp thực sự cần thiết.
Tại Úc, Hiệp hội Y khoa (AMA) hôm qua kêu gọi chính quyền thành phố Melbourne (bang Victoria) ngưng nới lỏng các biện pháp phòng chống Covid-19 cho đến khi kiểm soát được tình hình đang diễn biến phức tạp. Theo CNN, lời kêu gọi được đưa ra sau khi 9 tòa nhà với 1.345 căn hộ và khoảng 3.000 cư dân bị phong tỏa nghiêm ngặt từ tối 4.7 do có ít nhất 23 người mắc bệnh. Cảnh sát được huy động đến tất cả 9 tòa nhà để đảm bảo lệnh phong tỏa, trong khi cư dân không được phép rời khỏi nhà và sẽ được xét nghiệm. Bang Victoria đang đối diện làn sóng Covid-19 thứ 2 trong gần 3 tuần qua và các chuyên gia lo ngại nguy cơ “vỡ trận” nếu người dân phớt lờ biện pháp phòng dịch.
Nam Mỹ tiếp tục là điểm nóng Covid-19 khi Mexico hôm qua ghi nhận tổng số ca tử vong vì bệnh này đã lên 30.366, vượt Pháp và xếp thứ 5 trên thế giới sau Mỹ, Brazil, Anh và Ý. Brazil vẫn đang chống chọi với đại dịch ngày thứ 50 liên tiếp mà không có bộ trưởng y tế chính thức, sau khi ông Nelson Teich từ chức hôm 15.5 và tướng quân đội Eduardo Pazzuello tạm thời đảm trách dù không có kinh nghiệm chuyên môn.
Tại Trung Đông, Ả Rập Xê Út có tổng số ca nhiễm Covid-19 vượt 200.000 và Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) vượt 50.000, sau khi 2 nền kinh tế hàng đầu thế giới Ả Rập dỡ bỏ dần các quy định phòng chống dịch.
Quốc khánh kỳ lạ của Mỹ
Đến hôm qua, Mỹ vẫn là vùng dịch lớn nhất thế giới và tiếp tục ghi nhận những kỷ lục buồn. Ngày quốc khánh (4.7) năm nay của Mỹ bị bao trùm bởi hàng loạt thách thức, từ dịch bệnh, hệ lụy kinh tế - xã hội cho đến làn sóng phản đối phân biệt sắc tộc. Nhiều tiểu bang như Florida, California và Texas đang lo ngại số ca nhiễm Covid-19 sẽ tăng cao sau thời gian ăn mừng quốc khánh. Giới chức các bang này đã chủ động triển khai biện pháp phòng dịch trước nguy cơ quá tải hệ thống y tế. Tuy vậy, Tổng thống Donald Trump tự tin rằng Mỹ đang trên đường chiến thắng đại dịch. Trong bài phát biểu của mình, Tổng thống Trump ca ngợi nỗ lực phòng chống dịch trên cả nước và chỉ trích đích danh Trung Quốc.
“Chúng ta bị tác động bởi vi rút đến từ Trung Quốc. Và chiến lược của chúng ta đã đạt rất nhiều tiến triển… Chúng ta học được rất nhiều và đã biết cách dập lửa”, ông phát biểu tại Nhà Trắng, đồng thời cho rằng Trung Quốc phải chịu trách nhiệm hoàn toàn vì sự “bí mật, lừa dối và che đậy” khiến vi rút lây lan khắp thế giới. Cũng tại buổi lễ, Tổng thống Trump cho rằng 99% các ca nhiễm Covid-19 là “hoàn toàn vô hại”, dù không đưa ra chứng cứ nào. Bên cạnh đó, ông khẳng định sẽ có vắc xin hoặc thuốc đặc trị trong năm nay, trái với dự báo của nhiều chuyên gia dịch tễ hàng đầu thế giới.
Dừng nghiên cứu hiệu quả của 2 nhóm thuốc
Reuters hôm qua đưa tin WHO thông báo sẽ dừng nghiên cứu hiệu quả của thuốc chữa sốt rét hydroxychloroquine và thuốc kháng HIV lopinavir/ritonavir trên bệnh nhân Covid-19. Trước đó, chương trình thử nghiệm tại nhiều nước do WHO dẫn đầu cho thấy các thuốc này rất ít hoặc không có tác dụng giúp giảm số ca tử vong vì Covid-19. Tại Mỹ, Cục Thực phẩm và Dược phẩm đã thu hồi quyết định sử dụng khẩn cấp hydroxychloroquine và chloroquine trong điều trị bệnh nhân Covid-19.
|
Bình luận (0)