Báo động tình trạng trẻ tự hủy hoại bản thân: Cha mẹ làm gì để phòng ngừa?

02/01/2023 12:58 GMT+7

Trẻ vị thành niên có nguy cơ tự hủy hoại bản thân ở mức cao là một thực trạng đáng báo động hiện nay. Trước vấn đề này, cha mẹ cần lưu ý gì để có biện pháp phòng ngừa?

Báo động tình trạng trẻ tự hủy hoại bản thân: Cha mẹ làm gì để phòng ngừa? - Ảnh 1.

Thạc sĩ Mai Mỹ Hạnh chia sẻ trong hội thảo khoa học chăm sóc sức khỏe tinh thần tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM

H.A

Một khảo sát đáng báo động về thực trạng hành vi tự hủy hoại bản thân của trẻ vị thành niên ở các đô thị phía nam Việt Nam đã được công bố trong hội thảo khoa học chăm sóc sức khỏe tinh thần tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM diễn ra cuối tháng 12.2022.

Kết quả nghiên cứu sàng lọc lần 1 với 3.400 trẻ vị thành niên cho thấy hơn 37% trẻ có nguy cơ thực hiện hành vi tự hủy hoại bản thân. Vấn đề bức thiết được đặt ra trong các biện pháp phòng ngừa hành vi này chính là sự quan tâm của bậc cha mẹ phụ huynh

Hành vi tự hủy hoại bản thân có thể chỉ vì... cảm giác mới lạ

Từ một đề tài nghiên cứu của mình, thạc sĩ Mai Mỹ Hạnh, Phó trưởng khoa Tâm lý học Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết tự hủy hoại bản thân ở trẻ vị thành niên được biểu hiện bằng các hành vi cố ý tự thực hiện hành vi gây hại, gây tổn thương, gây thương tích chính mình.

Theo thạc sĩ Hạnh, hành vi tự hủy hoại bản thân ở trẻ có những nguyên nhân khác nhau. “Quan điểm được nhiều nhà nghiên cứu đề cập thì việc tự gây thương tích là nổi bật nhất được thực hiện để điều chỉnh hoặc giảm cảm xúc đau buồn và cũng để tăng độ nhạy cảm về cảm xúc. Giải tỏa cơn tức giận được báo cáo phổ biến nhất, tiếp theo là muốn quên đi điều gì đó, nhẹ nhõm, lo lắng và mong muốn tự sát. Điều này khẳng định rằng động cơ chính đằng sau sự tự làm hại bản thân của những người trẻ tuổi là để giảm bớt cảm xúc tiêu cực, chỉ một thiểu số nói rằng họ tự làm hại mình để gợi sự chú ý và giúp đỡ từ người khác”, thạc sĩ Hạnh chia sẻ.

Lý do tự làm hại bản thân, theo thạc sĩ Hạnh, là muốn làm người khác buồn, giải tỏa lo lắng, giải tỏa cơn tức giận, quên đi một cái gì đó, bắt người khác để ý đến mình hoặc trừng phạt chính mình. Bên cạnh đó, sự trầm cảm, cảm thấy cô đơn, cảm giác tiêu cực đối với bản thân, mất tập trung và cảm thấy cần phải làm tổn thương chính mình là yếu tố nguy cơ thúc đẩy hành vi tự hủy hoại bản thân.

Thạc sĩ Hạnh nêu ra 2 nhóm yếu tố ảnh hưởng đến hành vi tự hủy hoại bản thân ở trẻ. Trong đó, những yếu tố khách quan như: trải nghiệm các khó khăn từ trong quá khứ hoặc trong cuộc sống hiện đại (lạm dụng, bỏ rơi, bắt nạt, mâu thuẫn, kinh tế khó khăn, gia đình ly hôn, mất mát…). Khi đó, cá nhân thực hiện hành vi tự hủy hoại bản thân nhằm giảm bớt các đau khổ, căng thẳng xuất phát từ cuộc sống.

Yếu tố chủ quan có thể đến từ nhu cầu an toàn, cơ chế phòng vệ của bản thân nhằm lấy lại cảm giác còn tồn tại, tự chủ, xoa dịu bớt những cảm xúc tiêu cực. Có thể xuất phát từ nhu cầu giao tiếp, muốn trở thành một thành viên của nhóm, không muốn đi ngược lại với “trào lưu” hoặc quy tắc của nhóm, mong muốn nhận được sự chú ý, quan tâm từ người khác. Hoặc nhu cầu thể hiện, khám phá và muốn trải nghiệm thử thách, cảm giác mới lạ. Hoặc do nhận thức sai lệch, xem đó là một phương thức thể hiện bản thân, hoặc tự đổ lỗi cho chính bản thân mình bằng cách trừng phạt tâm lý và thể chất của chính mình.

Báo động tình trạng trẻ tự hủy hoại bản thân: Cha mẹ làm gì để phòng ngừa? - Ảnh 2.

Cha mẹ cần tâm sự, trò chuyện và hướng dẫn, đồng hành cùng con giải tỏa các cảm xúc tiêu cực

SHUTTERSTOCK

Tạo điều kiện cho con có 'khả năng tự chữa lành'

Các bậc cha mẹ cần làm gì để phát hiện kịp thời, phòng ngừa và giải quyết khi con mình có những hành vi tự hủy hoại bản thân?

Từ các nguyên nhân trên, theo thạc sĩ Mai Mỹ Hạnh, cha mẹ trước tiên cần tìm hiểu những đặc điểm tâm lý ở lứa tuổi này, đặc biệt là giai đoạn con trẻ bước vào tuổi dậy thì. Nhiều tình huống thực tiễn cho thấy trẻ sẽ có xu hướng tâm sự với bạn đồng trang lứa khi gặp khó khăn nhiều hơn so với cha mẹ ở tuổi này do cảm thấy được bạn bè lắng nghe, đồng tình, hiểu mình hơn người lớn. Chính vì vậy, để kịp thời phát hiện thì phụ huynh cần phải quan sát, lắng nghe, thấu hiểu, quan tâm một cách tế nhị, không nên áp đặt, bạo lực, xao nhãng con cái.

“Giai đoạn này cần phụ huynh thay đổi cách giao tiếp, lắng nghe nhiều hơn, biến mình thành bạn của con để con cảm thấy được gần gũi, tin tưởng... Để khi có bất kỳ khó khăn gì, trẻ cũng có thể tin tưởng, mạnh dạn chia sẻ với cha mẹ để tìm sự tư vấn, giúp đỡ”, thạc sĩ Hạnh đưa ra lời khuyên.

Cũng theo thạc sĩ Hạnh, trong trường hợp phát hiện con cái có biểu hiện cảm xúc tiêu cực, bi quan thì cha mẹ cần tâm sự, trò chuyện và hướng dẫn, đồng hành cùng con giải tỏa các cảm xúc tiêu cực.

Tuy nhiên, thạc sĩ Hạnh lưu ý: “Để có các kiến thức này, phụ huynh cần trao đổi với nhà tâm lý, giáo viên chủ nhiệm để được tư vấn, hỗ trợ nếu bản thân chưa có các thông tin liên quan về kỹ năng giúp trẻ ứng phó với căng thẳng, áp lực, stress; kỹ năng quản lý cảm xúc; tư duy tích cực; nhận thức bản thân... Tạo điều kiện cho con được tham gia các lớp kỹ năng sống dưới sự hướng dẫn của giáo viên có kinh nghiệm để nâng cao nội lực cho con, để con có khả năng tự chữa lành...”.

Đặc biệt, khi trẻ có các dấu hiệu ban đầu về tự gây thương tích, cha mẹ cần phối hợp với giáo viên chủ nhiệm, nhà tham vấn tâm lý trường học hoặc liên hệ với các trung tâm, bệnh viện có phòng khám tâm lý để được chẩn đoán và can thiệp phù hợp.

“Điều quan trọng là ưu tiên phòng ngừa. Để phòng ngừa không chỉ có gia đình mà cần sự chung tay, phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội để có mô hình phòng ngừa các vấn đề về sức khoẻ tâm thần, trong đó có hành vi tự hủy hoại bản thân”, thạc sĩ Mai Mỹ Hạnh, khoa Tâm lý học Trường ĐH Sư phạm TP.HCM nhấn mạnh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.