Báo động tội phạm trẻ: Chặn ngọn hay chặn gốc ?

18/06/2015 11:19 GMT+7

Giới trẻ gây án không chỉ xáo trộn an ninh xã hội mà còn làm tổn thương nghiêm trọng đến những giá trị của cuộc sống, khiến cho cuộc chiến ngăn chặn nguy cơ 'trẻ hóa' tội phạm thêm gay go...

Giới trẻ gây án không chỉ xáo trộn an ninh xã hội mà còn làm tổn thương nghiêm trọng đến những giá trị của cuộc sống, khiến cho cuộc chiến ngăn chặn nguy cơ "trẻ hóa” tội phạm thêm gay go...

Báo động tội phạm trẻ: Chặn ngọn hay chặn gốc?Đào tạo nghề cho phạm nhân trẻ sắp mãn hạn tù tại Trại giam An Điềm - Ảnh: Trung tâm Dạy nghề thanh niên Quảng Nam cung cấp
Nhiều vụ án “ngớ ngẩn”
Giúp phạm nhân trẻ tái hòa nhập
Các lớp đào tạo nghề dành cho phạm nhân sắp mãn hạn tù (mà Hội LHTN Việt Nam tỉnh Quảng Nam đang phối hợp triển khai) được thực hiện theo Nghị định số 80/2011/NĐ-CP của Chính phủ.
Cuối tháng 12.2014, UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã phê duyệt đề án, trong đó yêu cầu giai đoạn 2015-2020 ngành chức năng khống chế kéo giảm tỷ lệ tái phạm tội, vi phạm pháp luật xuống mức dưới 10% mỗi năm (trên tổng số người chấp hành xong án phạt tù); đồng thời, giúp đỡ đào tạo nghề, tìm kiếm việc làm cho 150-200 người/năm.
Nhiều năm tổ chức và chỉ đạo “đánh án” ở địa bàn Quảng Nam, Đại tá Nguyễn Thế Nghiệp, Trưởng phòng CSĐT về Trật tự xã hội (PC45) Công an Quảng Nam tỏ ra lo ngại khi độ tuổi của tội phạm đang ngày càng trẻ hóa. Dù nguy cơ này đã sớm được dự báo do tác động đa chiều của cuộc sống, tuy nhiên đại tá Nghiệp không khỏi băn khoăn trước tình trạng ngày càng kéo giảm độ tuổi của tội phạm và hành vi gây án nguy hiểm, manh động.
“Chính lối sống theo kiểu “bầy đàn”, xử sự theo kiểu anh hùng rơm, muốn lấy “số má” và thường xuyên thủ trong người các loại vũ khí... đã khiến giới trẻ thiếu kiềm chế. Nhiều vụ án ngớ ngẩn lắm, chỉ một cái nhìn đểu hay va chạm nhỏ trong quán cũng sinh chuyện”, đại tá Nghiệp tâm sự.
Những nguyên do làm xô lệch các chuẩn mực hành vi của giới trẻ có rất nhiều, nhưng theo phân tích của các chuyên gia, phần lớn phụ thuộc vào yếu tố khách quan, vào tính thực dụng đang lấn lướt trong tư duy người trẻ, vào đạo đức xã hội.
“Các ngành, đoàn thể, cơ quan công an lập nhiều đề án, có hẳn chuyên đề phòng ngừa tội phạm và bảo vệ trẻ em, có chương trình lồng ghép với nhà trường để chủ động sàng lọc các đối tượng có dấu hiệu hư hỏng... Nhưng kết quả vẫn chưa được như mong muốn” - Đại tá Nguyễn Thế Nghiệp trăn trở.
Cảm hóa
Ông Hồ Quang Lĩnh, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề thanh niên Quảng Nam đã “hoan nghênh, chào đón tất cả phạm nhân” khi đọc diễn văn khai giảng khóa đào tạo nghề tại Trại giam An Điềm (Tổng cục 8 - Bộ Công an) hôm 17.5 vừa qua. Khóa dạy nghề thợ nề hoàn thiện dành riêng cho 60 phạm nhân trong độ tuổi thanh niên kéo dài 3 tháng, dự kiến bế giảng vào cuối tháng 8.2015 như một cách đón đầu đợt xét giảm án, tha tù trước thời hạn dịp Quốc khánh 2.9.
“Lớp học đặc biệt lắm, vì giáo viên giảng bài có công an… đứng kèm bên cạnh, điện thoại cũng không được mang theo”, ông Lĩnh nói. Thực ra, khóa học này đặc biệt bởi mục tiêu sâu xa của nó là giúp “phòng ngự” trước nguy cơ tái phạm, tình trạng mà những người chấp hành xong án phạt tù thường vướng phải khi trở về địa phương.
Theo phân tích của ông Hồ Quang Lĩnh, đa số những người lầm lỡ và gia đình đều mong muốn sau khi ra trại họ tìm được việc làm, có cuộc sống ổn định, không bị xã hội coi thường. Ngược lại, họ rất dễ sa ngã lần nữa. Đây là lý do Trung tâm Dạy nghề thanh niên Quảng Nam phối hợp đào tạo nghề cho phạm nhân trẻ tại địa phương, dù Trại giam An Điềm hiện đang quy tụ phạm nhân của 45 tỉnh, thành. Thêm một lớp đào tạo nghề đang xúc tiến, lần này dành cho phạm nhân trẻ ở Trại tạm giam Công an tỉnh. Tuy nhiên, chưa phải mọi chuyện đã suôn sẻ.
Anh Phan Văn Bình, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam tỉnh Quảng Nam, tâm sự: “Hiện nay, doanh nghiệp có tâm lý ngại sử dụng người có tiền án, tiền sự nên chúng tôi vẫn phải vận động, trước mắt đã có một số đơn vị cam kết. Năm ngoái, chúng tôi tuyên dương một chủ cơ sở mộc ở TX.Điện Bàn vì thành tích giúp đỡ, tạo việc làm cho một số phạm nhân trẻ mãn hạn tù”.
Nỗ lực tái hòa nhập cộng đồng dành cho phạm nhân mãn hạn tù được hình dung là phương thức “chặn ngọn” (ngăn ngừa nguy cơ tái phạm), nhưng giải pháp “chặn gốc” mới thực sự cấp thiết. Tác động đa chiều từ xã hội, nhất là thông tin khó kiểm soát đến từ internet, đã ảnh hưởng lớn đến quá trình hình thành nhân cách giới trẻ. Trong mối liên kết gia đình - nhà trường - xã hội, yếu tố giáo dục trong nhà trường và từ mỗi gia đình luôn được đề cao. Phần lớn trẻ có biểu hiện hư hỏng, “hết thuốc chữa” đều có yếu tố gia đình: bất hòa, cha mẹ ly thân hoặc ly hôn, người lớn không gương mẫu… Trong khi đó, ngành giáo dục cũng đảm nhận nhiều vai trò.
Ông Hà Thanh Quốc, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Nam, khẳng định công tác giáo dục trong phạm vi nhà trường đã thiết kế kỹ lưỡng theo chương trình chứ không chạy theo phong trào. Đã có các kênh giáo dục qua môn học, các hoạt động ngoại khóa, hay chương trình trường học mới (bậc TH), chương trình rèn luyện đội viên (bậc THCS).
“Có thể chúng ta không cần thêm biện pháp, bởi các biện pháp ngăn chặn dòng tội phạm trẻ không thiếu. Điều mà xã hội cần bây giờ là trách nhiệm. Mỗi một vị trí, thành phần trong xã hội tham gia định hướng giáo dục cho giới trẻ cần quan tâm hơn, dành nhiều thời gian, thể hiện tình thương nhiều hơn nữa”, ông Quốc kêu gọi.
Vậy nên, cuộc chiến ngăn chặn sự “trẻ hóa” của tội phạm cũng tương tự câu chuyện trồng lúa mà người xưa đã đúc kết kinh nghiệm: Nếu năng nhổ cỏ dại thì lúa mới có cơ hội xanh tốt. Vấn đề đặt ra là làm sao đủ sức “nhặt cỏ dại”. Cuộc chiến này không chỉ có các trận tấn công vỗ mặt của lực lượng công an, mà còn cần sự tiếp sức từ phía các gia đình nhỏ đến không gian rộng lớn hơn của xã hội. Cả gốc lẫn ngọn đều quan trọng như nhau.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.