Báo động tội phạm trẻ: Lập băng nhóm lừa đảo qua mạng

15/06/2015 12:58 GMT+7

Lực lượng công an các tỉnh, thành liên tục bắt giữ nhiều nghi phạm trú tại H.Duy Xuyên (Quảng Nam) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng internet.

Lực lượng công an các tỉnh, thành liên tục bắt giữ nhiều nghi phạm trú tại H.Duy Xuyên (Quảng Nam) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng internet.

Cảnh báo của Công an TP.Đà Nẵng về các trang mạng xã hội, trang thông tin điện tử... lừa đảo chiếm đoạt tài sảnCảnh báo của Công an TP.Đà Nẵng về các trang mạng xã hội, trang thông tin điện tử... lừa đảo chiếm đoạt tài sản - Ảnh chụp từ Công văn Công An TP.Đà Nẵng

Bắt hàng loạt nghi phạm

Ngày 11.6, Công an H.Duy Xuyên (Quảng Nam) cho biết đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Văn Quang (trú tại TT.Nam Phước), Nguyễn Đăng Hòa (trú tại xã Duy Phước), Phan Công Rin và Nguyễn Hữu Tín (cùng trú tại xã Duy Sơn) về hành vi sử dụng mạng máy tính, viễn thông, mạng internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản. Các bị can trong vụ án này có tuổi đời còn rất trẻ từ 19 - 21 tuổi nhưng đã sớm “học lỏm” được chiêu bài lừa đảo rồi chiếm đoạt tài sản của bị hại dễ như lấy tiền trong túi quần của mình. Đây chỉ là 1 trong rất nhiều vụ việc bị lực lượng công an phát hiện trong thời gian từ đầu năm 2015 đến nay. Trước đó, vào ngày 1.6, Công an TP.Đà Nẵng đã thực hiện lệnh bắt khẩn cấp đối với Lê Quang Linh (17 tuổi), Nguyễn Thành Trung và Nguyễn Xuân Tân (cùng 20 tuổi, cả 3 cùng trú tại Duy Phước) cũng với hành vi tương tự.

Một cán bộ thuộc Đội CSĐT (Công an H.Duy Xuyên) cho biết trong các vụ án này, nghi phạm thường có chung thủ đoạn là mua các trang web do các đầu mối cung cấp tại miền Bắc, với giá rẻ từ 50.000 - 120.00 đồng/web để sử dụng đó làm công cụ lừa đảo. Khi có được các trang web này, các đối tượng thu hút thành viên rồi gửi tin nhắn đến các thuê bao thông qua các trang mạng xã hội như Zalo, Facebook... với nội dung: báo chủ thuê bao đã trúng thưởng xe máy, tiền mặt với giá trị lớn. Trong các tin nhắn báo cho “con mồi”, bọn chúng không quên kèm theo số địa chỉ trang web như: www.trangchuzalo.vn và www.tongdaizalo.tk... cùng số điện thoại “tổng đài” hoặc của nhân viên “chăm sóc khách hàng”. Để tạo lòng tin, khi có người liên hệ các đối tượng sẽ giả giọng để hướng dẫn “con mồi” cách thức nhận giải. “Khi tung hô phần thưởng đáng giá cả 100 triệu đồng, bọn chúng cũng vẽ ra hàng loạt loại phí như phí làm hồ sơ, phí vận chuyển, phí trước bạ cho xe máy… Các chủ thuê bao cả tin nhận được tin nhắn sẽ lần lượt chuyển khoản để nhận được giải thưởng. Ai nghi ngờ thì dừng lại trình báo cho công an. Ngược lại, có nhiều người “đâm lao phải theo lao” nên tiếp tục chuyển khoản dẫn đến số tiền bị lừa càng lúc càng tăng. Chỉ đến khi như vậy họ mới dừng lại thì số tiền bị mất đã lên con số quá lớn”, cán bộ này nói.

Công an H.Duy Xuyên cho biết, ngoài việc phối hợp với công an các tỉnh, thành bắt các nghi phạm, hiện đơn vị đang tiếp tục điều tra làm rõ nhiều vụ án khác với hành vi đã nêu.

Chiếm đoạt tiền để “đập đá”

Với chiêu bài và thủ đoạn giống nhau, nhiều băng nhóm tại “đại bản doanh” H.Duy Xuyên đã lừa đảo và chiếm đoạt của nhiều bị hại với số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng. Trong vụ Linh, Trung, Tân, cả 3 khai nhận đã thực hiện hàng loạt phi vụ với cách thức nhận tiền qua tài khoản ngân hàng hoặc nạp card điện thoại từ nhiều bị hại. Đối với cách nhận tiền qua tài khoản, Trung dùng nhiều thẻ ATM tại nhiều ngân hàng khác nhau được mua hoặc được đứng tên người khác. Theo Công an H.Duy Xuyên, bên cạnh cách nhận tiền này, sau khi có được mã số thẻ cào, các đối tượng thường sử dụng để nạp vào điện thoại hoặc lên mạng bán sang tay, lấy lại tiền mặt thông qua tài khoản ngân hàng. Thượng úy Lê Trung Tài, Phó trưởng Công an TT.Nam Phước cho biết bên cạnh trực tiếp sử dụng máy tính để tiến hành các thủ thuật lừa đảo, loại tội phạm này còn sử dụng smartphone để lên mạng “săn mồi”.

Bỗng chốc “giàu” lên nhanh chóng, đa số nghi phạm liền “dốc sức” ăn chơi trác táng. Có số khác lại dùng tiền chiếm đoạt được để mua xe máy loại sang, điện thoại xịn. Chẳng hạn, 3 nghi phạm vừa bị Công an TP.HCM bắt giữ vào ngày 14.4 vừa qua đã dùng số tiền có được từ lừa đảo để “đập đá”. Cụ thể, 3 nghi phạm bị bắt gồm: Nguyễn Thị Phương (19 tuổi, trú tại xã Duy Trung), Lê Văn Pháp (25 tuổi) và Phạm Nguyễn Minh Tài (21 tuổi, cùng trú tại TT.Nam Phước). Đây là băng nhóm hoạt động với nhiều mánh khóe hết sức tinh vi. Trong vụ án này, Pháp giữ vai trò khá quan trọng khi đứng ra gửi tin nhắn thông báo đến các tài khoản người dùng thông báo “trúng thưởng”. Trong khi đó, Phương lại trong “vai” là nhân viên tư vấn, “chăm sóc” khách hàng, Tài là người chuyên đi rút tiền từ ATM để hưởng 10% hoa hồng (Thanh Niên đã thông tin). Theo lời khai ban đầu, sau khi lừa được tiền, Pháp mua ma túy đá rồi cùng Phương vào khách sạn sử dụng.

Thượng úy Tài cho biết thêm, trong nhiều vụ việc khác, các đối tượng lại dùng tiền chiếm đoạt được để mua xe đắt tiền như: Air Blade, Exciter… Còn Trưởng công an xã Duy Phước Võ Đức Minh thông tin: tại địa phương, vừa có 3 nghi phạm bị bắt cũng với hành vi đã nêu. Trong đó, có một nghi phạm đã dùng tiền để mua nhiều vật dụng giá trị, thậm chí “tậu” luôn chiếc xe máy SH đời mới, rất đắt tiền.

“Tiên trách kỷ…”

Trao đổi với PV Thanh Niên, nhiều người đồng ý với ý kiến loại tội phạm công nghệ sử dụng mạng máy tính, viễn thông, mạng internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản quá tinh vi nên khó nhận biết để phòng tránh. Nhưng cũng không ít người cho rằng, bị “sập bẫy” chiêu lừa trên mạng một phần lỗi cũng do chính nạn nhân. Bởi trong tin nhắn do các đối tượng gửi đi, để ý kỹ sẽ thấy nhiều dòng văn bản mắc khá nhiều lỗi chính tả. Nhiều người chuyển cả chục triệu đồng chỉ sau một cuộc gọi “xác minh” đến số điện thoại lạ mà không mảy may nghi ngờ. Mà trong đó, có nguyên nhân là giá trị tài sản từ phần thưởng “trên trời rơi xuống” quá lớn khiến nhiều người không đủ tỉnh táo để nhận định. Họ trở thành nạn nhân của lòng tham chính mình.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.