Báo động trào lưu ‘giả làm người thân để lừa trẻ em’ trên TikTok

22/03/2023 16:35 GMT+7

Hiện nay, không ít người thực hiện các clip với nội dung “giả làm người thân để lừa trẻ em” trên TikTok. Một số phụ huynh, chuyên gia cho rằng trao lưu này tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

ec9266bb922c4f72163d.jpg

Trào lưu ‘giả làm người thân để lừa trẻ em’ trên TikTok

CHỤP MÀN HÌNH

"Mình thật sự hoảng hốt khi xem những trào lưu trên"

Những người thực hiện trào lưu ‘giả làm người thân để lừa trẻ em’ trên TikTok chủ yếu xoay quanh nội dung là đóng giả người thân (cậu hai, cô ba, chú năm…) sau đó gặp những đứa trẻ mà họ không quen biết hay bất kì ai (trẻ nhỏ, học sinh) đang đi trên đường rồi nhờ chuyển đồ (nhu yếu phẩm, món ăn, thức uống, vật dụng cá nhân…) đến người thân (cha, mẹ).

Hầu như những trẻ em trong clip đều tỏ ra ngơ ngác, không biết gì khi bị người lạ nhờ vả. Tuy nhiên, các TikToker làm trào lưu ‘giả làm người thân để lừa trẻ em’ liên tục “chào hỏi” như: “Chú gửi đồ về cho mẹ nấu, lát chú qua ăn” hay “cậu hai Phúc gửi khổ qua về cho mẹ dồn thịt, chiều chú qua dùng”… và nói cho đến khi đứa trẻ nhận đồ thì thôi, sau đó họ chạy đi cùng tiếng cười khúc khích.

8b415f79abee76b02fff.jpg

Nhiều người còn làm ra nhiều phần "lừa những đứa trẻ không biết"

CHỤP MÀN HÌNH

Là người từng “ăn theo” trào lưu “giả làm người thân để lừa trẻ em" trên TikTok, N.H.N (26 tuổi, ngụ tại Q.Phú Nhuận, TP.HCM) cho hay những đứa trẻ bị lừa trong clip hoàn toàn không quen biết với N. “Làm như thế mới tự nhiên, từ đó có lượt xem cao, tạo tiếng cười cho người xem”, N. chia sẻ.

“Mình thấy trào lưu này khá vui trên mạng nên làm thử. Để có một clip hoàn chỉnh, ngoài cách diễn tự nhiên, mình còn phải mua rau hoặc các nhu yếu phẩm khác thì mới lừa được các bé mình là người thân thật sự. Điều “ăn” view (lượt xem) là biểu cảm “đơ”, không biết gì của mấy bạn nhỏ, nhưng vẫn nhận đồ của mình” N. chia sẻ.

c6f83fcacb5d16034f4c.jpg

Những clip thực hiện trào lưu "giả làm người thân để lừa trẻ em" thu hút đến hàng triệu lượt xem/clip

CHỤP MÀN HÌNH

Hầu như các clip "giả làm người thân để lừa trẻ em" trên TikTok đạt từ hàng trăm ngàn đến hàng triệu lượt xem. Trong phần bình luận, không ít người tỏ ra thích thú với trào lưu này. Song, nhiều người đã lên tiếng rằng đây là hành động tiêu cực và không khỏi lo lắng: “Bây giờ mình thấy trẻ con ngây thơ quá, dễ bị lừa "hay" nếu mấy thành phần xấu xem mấy clip này cũng dụ mấy đứa nhỏ thì sao?”.

Chia sẻ với người viết, chị L.T.H. (31 tuổi, làm viên chức ở Q.11, TP.HCM), nói: "Mình thật sự hoảng hốt khi xem những trào lưu trên. “Sao con nít bây giờ dễ tin người quá, thấy ai đưa cái gì cũng lấy”, chị H. bày tỏ.

Rồi chị H. còn thừa nhận: “Trước đây con trai 7 tuổi của mình cũng bị một số TikToker quay clip rồi đưa lên mạng với nội dung “troll” (lừa) trẻ em. Sau khi biết được sự việc thì bé rất buồn, rồi còn sợ hãi, ngại gặp bạn bè, thầy cô nữa. Mất gần 1 tháng, với sự động viên, an ủi của gia đình bé mới hòa đồng lại với mọi người”.

2707c12535b2e8ecb1a3.jpg

Trẻ em dễ tin vào người lạ

CHỤP MÀN HÌNH

Báo động vì mang nhiều nguy cơ tiềm ẩn

Ông Phạm Thanh Tuấn, thành viên Hội đồng bộ môn giáo dục công dân, giáo dục kinh tế và pháp luật (Sở GD-ĐT TP.HCM), cho hay trào lưu “giả làm người thân để lừa trẻ em” trên TikTok rất đáng báo động vì mang nhiều nguy cơ tiềm ẩn.

“Tôi bất ngờ khi các em trong clip vô tư, thoải mái nhận đồ của người mà mình không quen biết. Song, nếu nội dung này được phát tán rộng rãi trên mạng xã hội thì một số người lạ có mục đích xấu lợi dụng vào sự nhẹ dạ, cả tin của các em để thực hiện các hành vi trái pháp luật như: cắt cóc, tống tiền, xâm hại hoặc thậm chí là lợi dụng để thực hiện hành vi vận chuyển các chất cấm”, ông Tuấn khuyến cáo.

08ae4469b0b76de934a6.jpg

Ông Tuấn cho rằng trào lưu “giả làm người thân, lừa trẻ em” trên TikTok rất đáng báo động vì mang nhiều nguy cơ tiềm ẩn

Ông Tuấn lưu ý: “Tôi nhận thấy một số em vẫn không nắm được các kỹ năng trong việc giao tiếp với người lạ. Có lẽ, điều này xuất phát từ việc thiếu quan tâm và hướng dẫn cho con trẻ của các bậc phụ huynh, nhà trường. Theo đó, cha mẹ và thầy cô nên hướng dẫn cho các con có thể xử lý tốt các tình huống khi gặp người lạ hay làm thế nào để không bị lợi dụng…”.

Ông Tuấn khuyên: “Không nên lấy quà của người lạ. Nếu đối tượng nhận là người thân của phụ huynh thì các con không vội tin mà cần thông tin lại “cô, chú nên gặp trực tiếp ba mẹ của con”. Trường hợp bạn bị quay clip thì nên phản hồi nhanh chóng đến nơi có nhiều người lớn để được hỗ trợ rồi sau đó báo cáo lại cho phụ huynh, nhà trường”.

Bên cạnh đó, ông Tuấn chia sẻ tâm lý của những đứa trẻ bị lừa trong clip trào lưu “giả làm người thân để lừa trẻ em” trên TikTok ít nhiều bị ảnh hưởng dù người làm nội dung đó là diễn hay đóng thật. “Các em sẽ bị mặc cảm, tự ti, ngại giao tiếp... nếu phát hiện mình là nạn nhân của những trò đùa trên mạng", ông Tuấn nói thêm.

ad045336a7a17aff23b0.jpg

Trẻ em có thể bị ảnh hưởng tâm lý khi trở thành nạn nhân của trò đùa trên mạng

CHỤP MÀN HÌNH

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.