Báo động về sức khỏe tâm thần của học sinh

24/10/2022 07:05 GMT+7

Trường hợp của em học sinh (HS) lớp tôi chủ nhiệm chỉ là một điển hình cho thấy thực trạng đáng báo động về sức khỏe tâm thần của HS hiện nay.

Cách đây mấy hôm, một phụ huynh có con học lớp tôi chủ nhiệm vừa điện thoại cho tôi vừa khóc: “Cháu H.V gọi điện cho tôi báo rằng cháu không muốn về nhà, thầy ơi. Cháu bảo cháu không muốn học nữa. Tôi lo quá, gọi điện lại thì cháu không bắt máy...”.

Áp lực học tập là nguyên nhân hàng đầu khiến học sinh sa sút về sức khỏe tâm thần (ảnh minh họa)

đ.n.t

Một HS nữ ngồi cùng bàn với H.V cho tôi biết: Sáng hôm đó H.V bị điểm kém môn toán nên rất buồn. HS này cũng cho biết thêm là mẹ của V. thường đặt yêu cầu quá cao vào việc học của V., nên tạo ra áp lực cho con trong việc học. Cũng may là sau nhiều lời động viên của giáo viên và bè bạn, V. đã về nhà. Phụ huynh xin cho V. nghỉ học buổi chiều để đưa con đi khám. “Bác sĩ cho biết cháu có vấn đề về sức khỏe tâm thần, cần có thời gian nghỉ ngơi”, phụ huynh cho tôi biết.

Hàng loạt vụ HS bỏ nhà đi vừa qua, các vụ HS có những hành động tiêu cực (tự tử), hay việc gây gổ đánh nhau với bạn bè, vô lễ với giáo viên… đều là biểu hiện đáng báo động HS hiện nay đang có vấn đề về sức khỏe tâm thần.

Áp lực học tập là nguyên nhân hàng đầu. Mặc dù chủ trương của ngành giáo dục lâu nay là giảm áp lực cho người học, nhưng xem ra chủ trương ấy chỉ mới dừng lại ở lý thuyết. HS vẫn phải quay cuồng chóng mặt để tiếp thu lượng kiến thức từ chương trình học. Ngày hai buổi đến trường, buổi tối lại học thêm; thứ bảy, chủ nhật thì học thêm ngoại ngữ, rồi học kỹ năng này nọ… Cho nên trẻ không có thời gian để nghỉ ngơi.

Nguyên nhân thứ hai, HS ngày nay thời gian ngủ ít hơn học trò trước đây. Có nhiều nguyên nhân khiến các em ngủ không đủ giấc, trong đó có việc thức quá khuya và dậy quá sớm để đến trường. Nhiều HS vào lớp trong trạng thái ngái ngủ, mất tập trung. Điều này cùng với áp lực kiến thức, lâu ngày các em bị hao tổn tinh thần...

Nguyên nhân thứ ba là lạm dụng mạng xã hội và ảnh hưởng không tốt từ công nghệ số. Đa số HS ngày nay coi chiếc điện thoại thông minh là vật bất ly thân. Kiến thức mạng chi phối quá nhiều vào sách vở nhà trường, làm cho tư tưởng các em phân tán, mất tập trung, lệch chuẩn mực, hoang mang, dễ sa ngã trước cái xấu.

Trong tiết sinh hoạt ngoài giờ lên lớp với chủ đề “Thanh niên với tình bạn, tình yêu và gia đình” tháng 9 vừa qua, tôi đã đặt ra vấn đề với học trò là làm sao để hướng đến một gia đình tốt đẹp. Nhiều em bày tỏ mong muốn là các thành viên trong gia đình cần quan tâm nhau nhiều hơn. Các em thẳng thắn nhìn nhận, bố mẹ em quan tâm nhiều đến… chiếc điện thoại hơn là em! Thiếu sự quan tâm của gia đình, cha mẹ với con cái. Hoặc là quan tâm quá mức, tạo ra áp lực cho con, chính là nguyên nhân thứ tư.

Ngoài ra, ảnh hưởng hậu Covid-19 cũng có tác động không nhỏ đến sức khỏe tâm thần của HS hiện nay.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.