Do lượng người về dự lễ khai ấn đền Trần rất lớn nên tỉnh Nam Định không thể ngăn được sự tăng giá đột biến một số mặt hàng, dịch vụ phục vụ đêm khai ấn.
Hang vạn người đổ về Nam Định dự lễ khai ấn đền Trần năm nay - Ảnh: Văn Đông |
Giá phòng nghỉ tăng chóng mặt
Theo ông Nguyễn Xuân Hoạt, Trưởng Ban quản lý di tích đền Trần, riêng trong dịp đầu năm nay, có khoảng gần 80.000 người dân từ khắp nơi đổ về đi lễ đầu năm tại đền Trần Nam Định. Trong đó, riêng đêm khai ấn (ngày 21.2, tức ngày 14 tháng Giêng âm lịch) năm nay, do trùng vào ngày nghỉ nên sẽ có khoảng trên 10.000 người về dự.
Từ sáng ngày 21.2, dòng người nườm nượp đổ về dự lễ khai ấn đền Trần - Ảnh: Hoàng Long
|
Từ sáng ngày 21.2, du khách từ các nơi đã nườm nượp đổ về Nam Định.
Có mặt tại đền Trần, PV chứng kiến cảnh dòng người đông đặc chen nhau vào khu đền để đi lễ.
Dòng người chen nhau vào đền Trần đi lễ - Ảnh: Hoàng Long
|
UBND tỉnh Nam Định đã tính đến tình huống này và yêu cầu lãnh đạo các huyện, thành phố tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện thu các loại phí dịch vụ, nhất là phí trông giữ xe trong các lễ hội, nhưng bão giá vẫn diễn ra trong ngày khai ấn.
Cụ thể, nhà nghỉ, khách sạn tại thành phố Nam Định vẫn tăng giá chóng mặt và vẫn diễn ra tình trạng “cháy phòng”.
Các nhà nghỉ đều cháy phòng dù mức giá đã tăng gấp 2,3 lần - Ảnh: Hoàng Long
|
Từ sáng 21.2, khi đi tìm phòng tại các khách sạn lớn, có chất lượng cao ở Nam Định như Vị Hoàng, Sơn Lam, Lakesize 1, Lekesize 2, PV đều được trả lời hết phòng. Theo các nhân viên lễ tân thì hầu hết các phòng tại đây đều được đặt từ nửa tháng trước trở lên, mức giá tối thiểu là 1,5 triệu đồng/ngày đêm đối với phòng đơn và 2,5 triệu đồng/ngày đêm đối với phòng đôi. Gấp gần 3 lần so với ngày thường.
Các nhà nghỉ bình dân cũng đồng loạt tăng giá gấp 3-4 lần ngày thường, bình quân khoảng 800.000 nghìn đồng/phòng, nhưng đến 16 giờ chiều nay cũng đã treo thông báo “hết phòng”. Chủ một nhà nghỉ ở đường Trần Thái Tông, gần đền Trần cho biết, nhiều chủ nhà nghỉ trên đường này thấy khách đông hơn mọi năm nên bảo nhau “om” phòng lại để tăng giá. “Đến tối, mức giá phòng sẽ không dưới 1,5 triệu đồng/ phòng”, chủ nhà nghỉ này cho biết.
Cũng từ sáng nay, các nhà hàng ăn uống ở Nam Định đã đồng loạt tăng giá.
Anh Trần Anh Tú, chủ nhà hàng Hòa Mập quán cho biết, mức giá đồ ăn ở quán này tăng gấp 2 lần so với bình thường. “Mỗi năm chỉ có một dịp này, nhà hàng nào ở thành phố Nam Định cũng tăng giá như thế mà vẫn kín chỗ”, anh Tú thông tin.
Khi được phản ánh về việc này, bà Phạm Thị Oanh, Phó chủ tịch UBND thành phố Nam Định, Trưởng ban tổ chức lễ hội Khai ấn đền Trần 2016, cho biết: “Do chưa có quy định niêm yết công khai giá nhà nghỉ nên rất khó kiểm tra, giám sát được việc này. Chúng tôi sẽ thông tin sự việc cho Đoàn kiểm tra liên ngành xử lý ngay”.
Hàng quán, ăn xin vẫn chiếm cứ đền Trần
Có mặt tại khu vực đền Trần trước giờ khai ấn, PV ghi nhận tình trạng ăn mày, ăn xin và hàng quán lấn chiếm lòng lề đường lại tái diễn sau 3 năm thực hiện dự án đổi mới quản lý lễ hội đền Trần (do UBND tỉnh Nam Định phối hợp với Viện Văn hóa - Nghệ thuật dân gian triển khai từ năm 2013).
Tại chùa tháp Phổ Minh, đội ngũ ăn mày xếp hàng từ cổng chùa vào đến tận sân Tam bảo, thậm chí ngồi ngay sát lối ra vào ở của chùa, níu chân du khách để xin tiền.
Ăn xin ngồi la liệt tại đền Trần - Ảnh: Hoàng Long
|
Trên suốt dọc đường Trần Thừa chạy qua các cổng đền, chùa của khu vực đền Trần đều có ăn mày bó tay, bó chân ngồi dưới lòng đường xin tiền du khách, rất phản cảm.
Đáng nói là cũng trên đường Trần Thừa, ngay từ sáng sớm đã có các hàng quán bày bán suốt chiều dài gần 2 km ở trước cổng đền. Các hàng quán này đều bày kín vỉa hè, thậm chí tràn xuống lòng đường, chiếm cứ đến 2/3 diện tích con đường.
Hàng quán chen đặc trên suốt gần 2 km đường vào đền Trần
|
Đây chính là một trong những nguyên nhân khiến gia tăng tình trạng chen lấn, ách tắc đường trong đêm khai ấn hàng năm.
Cũng theo ông Nguyễn Xuân Hoạt, Ban quản lý di tích đền Trần chỉ quản lý hơn 30 ki-ốt bán hàng ở khu vực sân đền Thiên Trường và đều đã quy hoạch, làm gọn trước ngày khai ấn. Còn số ki-ốt bán hàng trên đường Trần Thừa là do UBND và Công an phường Lộc Vượng quản lý.
Một người dân ở thôn Lộc Vượng cho biết: “Hỏi thì chính quyền, công an phường nói là hàng quán tự phát. Nhưng từ trước khai ấn, người ta đã chia ô, đấu giá với nhau để thuê mặt bằng bán hàng. Mỗi năm có hơn 2.000 công an Nam Định tham gia bảo vệ lễ khai ấn, không thể có chuyện những hàng quán này ngang nhiên “tự phát” trước cổng đền được…
Bình luận (0)