'Bão giá' vật liệu, cao tốc Bắc - Nam gặp khó

01/03/2022 06:44 GMT+7

Sau bão giá thép đầu năm ngoái, từ đầu năm 2022 tới nay giá xăng dầu , nhựa đường... liên tục leo thang đang đẩy nhiều nhà thầu thi công cao tốc Bắc - Nam vào thế khó.

Lỗ tới 20 - 30% vì trượt giá?

Lãnh đạo một nhà thầu thi công tại 2 dự án Mai Sơn - QL45 và Phan Thiết - Dầu Giây cho biết giá vật liệu từ đầu năm 2021 tới nay tăng quá nhanh, ước tính đội giá thêm 20 - 30% so với đơn giá ban đầu trong hợp đồng ký kết.

Cụ thể, thời điểm đấu thầu 2 gói thầu trên cuối năm 2020, giá xăng từ 15.000 đồng/lít hiện đã lên 26.000 đồng/lít. Đáng chú ý, giá dầu mỏ tăng cao cũng khiến giá nhựa đường biến động mạnh, trước đây giá nhựa đường khoảng 11.000 đồng/lít hiện tại đã lên 14.000 - 15.000 đồng/lít. Trước đó cuối năm 2020, giá thép xây dựng chỉ xấp xỉ 11.000 đồng/kg, nhưng từ 2021 đã tăng vọt lên 18.000 đồng/kg.

Thi công dự án cao tốc đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Dầu Giây - Phan Thiết

Quang Toàn

“Giá nguyên vật liệu đang tăng phi mã, như đợt bão giá từng xảy ra những năm 2008 - 2009. Không chỉ nguyên vật liệu chính như xăng dầu, nhựa đường, xi măng, sắt thép, mà nhiều mặt hàng khác còn tăng ăn theo như cát đá, sỏi”, đại diện nhà thầu này cho hay.

Với mức trượt giá này, đa số các nhà thầu thi công trên tuyến cao tốc Bắc - Nam đều đang lỗ nặng, càng thi công càng lỗ. “Nguồn lực doanh nghiệp có hạn, lỗ sâu ăn vào vốn. Trong khi nhân lực thi công cũng rất khó khăn vì Covid-19. Không chỉ thiếu nhân công mà còn phải tăng thêm nhiều chi phí quản lý, sinh hoạt, vừa làm vừa chống dịch”, đại diện nhà thầu đang thi công dự án Mai Sơn - QL45 và Phan Thiết - Dầu Giây cho hay.

Trả lời Thanh Niên, ông Dương Viết Roãn, Giám đốc Ban Quản lý dự án (QLDA) Thăng Long, cũng thừa nhận giá nguyên vật liệu tăng quá cao so với chỉ số giá ký với nhà thầu ban đầu khiến nhiều dự án đang gặp khó khăn.

“Tại chuyến làm việc của Thủ tướng với các dự án cao tốc Bắc - Nam ngay sau tết, Thủ tướng cũng đã kết luận giao Bộ Xây dựng hướng dẫn các địa phương xây dựng thông báo giá, chỉ số giá riêng cho đường cao tốc”, ông Roãn nói và cho biết trước mắt các địa phương phải chủ động xây dựng, có vướng mắc gì báo cáo Bộ GTVT và Bộ Xây dựng. Tuy nhiên, thực tế nhiều địa phương đang chậm công bố giá và chỉ số giá vật liệu xây dựng, hoặc công bố nhưng không theo kịp giá thị trường.

“Các dự án cao tốc Bắc - Nam áp dụng hình thức hợp đồng đơn giá điều chỉnh theo chỉ số giá, trong hợp đồng cũng đã cộng dự trù trượt giá. Nhưng hơn 1 năm qua giá nguyên vật liệu các loại tăng quá nhanh, nên phần dự phòng không đủ bù đắp. Chưa kể một số loại nhiên vật liệu có mức tăng đột biến, chỉ số giá địa phương công bố chưa phản ánh đúng giá thực tế thị trường nên các nhà thầu gặp khó khăn, ảnh hưởng đến tiến độ dự án”, lãnh đạo Ban QLDA Thăng Long chia sẻ.

Thi công cao tốc đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết (qua H.Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận)

Quế Hà

Nút thắt tiến độ

Từ cuối 2021, nhiều dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 đã phải điều chỉnh thời gian hoàn thành. Đơn cử như đoạn Cam Lộ - La Sơn khởi công cuối tháng 9.2019, dù kế hoạch hoàn thành dự án ban đầu là tháng 2.2022, song do ảnh hưởng dịch Covid-19, thời tiết mưa nhiều... nên các gói thầu đã phải lùi tiến độ đến tháng 6 - 9.2022.

Với 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2 (2021 - 2025) theo hình thức đầu tư công, đại diện một số nhà thầu cho rằng, nếu không có cơ chế gỡ khó sẽ rất khó đạt được tiến độ như kỳ vọng. “Dù chỉ định thầu sẽ rút ngắn được 3 - 6 tháng, nhưng nếu không gỡ được các vướng mắc về mặt bằng, nguồn đất đắp vật liệu cũng như tính toán, dự phòng trượt giá hợp lý thì dự án rất khó về đích đúng thời hạn”, đại diện một nhà thầu chia sẻ.

Bộ GTVT đã yêu cầu các ban QLDA rà soát tiến độ, rút ngắn thời gian thi công các dự án khoảng 3 tháng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó năm 2022 sẽ hoàn thành thêm 4 dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 gồm Mai Sơn - QL45, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây. Song, một số ban QLDA cho biết, khó khăn vật liệu đất đắp cũng như nhiều yếu tố khác khiến dù muốn cũng rất khó rút ngắn được tiến độ.

Các Ban QLDA cũng đã có văn bản kiến nghị Bộ GTVT đề xuất Bộ Xây dựng báo cáo Chính phủ cho phép bổ sung điều khoản hoặc thỏa thuận trường hợp được phép điều chỉnh giá như giá cả vật tư tăng, giảm đột biến quá lớn so với phạm vi dự phòng phí của dự án. Theo đó, với các dự án chưa vượt tổng mức đầu tư, đề nghị cho phép sử dụng dự phòng của dự án để điều chỉnh cơ cấu tổng mức đầu tư, bổ sung dự toán các gói thầu và cho phép điều chỉnh đơn giá hợp đồng do biến động giá thép trong thời gian qua. Trường hợp vượt tổng mức đầu tư thì được phép điều chỉnh tổng mức đầu tư của dự án để làm cơ sở thực hiện.

Ông Hoàng Tuấn Long, Giám đốc Ban Điều hành dự án Mai Sơn - QL45, cho biết phần trượt giá do giá nguyên vật liệu tăng sẽ được tính trong hợp đồng, tuy nhiên các nhà thầu cũng phản ánh tình trạng một số địa phương chậm công bố báo giá mới hoặc báo giá không sát thực tế. “Có địa phương chậm công bố mức giá nguyên vật liệu từ nửa năm tới 1 năm, như Ninh Bình chậm công bố so với biến động giá mới gần 1 năm”, ông Long nói.

Theo ông Dương Viết Roãn, hiện Ban QLDA Thăng Long đang làm việc với các địa phương để có thông báo giá phù hợp, gỡ khó cho nhà thầu thi công. “Năm 2008 - 2009 cũng từng có tiền lệ khi xảy ra bão giá vật liệu xây dựng, Chính phủ đã có cơ chế bù giá trực tiếp cho nhà thầu thi công. Với cao tốc Bắc - Nam, khối lượng dự án lớn, càng cần cơ chế đặc thù và hướng dẫn riêng về điều chỉnh giá nếu có biến động trượt giá quá lớn”, ông Roãn nói.

Tìm lối ra cho giai đoạn 2

Rút kinh nghiệm từ dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1, nhiều ban QLDA đã sốt sắng tìm kiếm nguồn vật liệu mỏ cho dự án giai đoạn 2. Theo ông Lê Thắng, Giám đốc Ban QLDA 2, Bộ GTVT, giải phóng mặt bằng (GPMB) và thiếu hụt nguồn vật liệu đất đắp là 2 điểm nghẽn lớn nhất với dự án giai đoạn 1, và có nguy cơ lặp lại ở giai đoạn 2 nếu không sớm có giải pháp.

Hiện Ban QLDA 2 (chủ đầu tư dự án Quảng Ngãi - Hoài Nhơn) đã có văn bản tới UBND tỉnh và Sở TN-MT 2 tỉnh Bình Định và Quảng Ngãi, đồng thời sẽ làm việc trực tiếp với các địa phương để nắm được thông tin quy hoạch và hiện trạng nguồn vật liệu xây dựng.

Với GPMB, theo ông Thắng, Chính phủ đã lập Ban chỉ đạo GPMB, song ban cũng mong muốn các địa phương thành lập các ban chỉ đạo GPMB để triển khai hiệu quả. “Công tác GPMB như di dời các công trình công cộng, nhà cửa tái định cư... mất rất nhiều thời gian. Nhưng nút thắt lớn nhất là chính sách đền bù, hỗ trợ tái định cư. Cái khó là khi các công trình đi qua thì giá đất tăng lên nhiều, thực tế nhiều dự án trước đó cũng bị khiếu kiện khiếu nại kéo dài do giá đất thay đổi”, lãnh đạo Ban QLDA 2 chia sẻ.

Về mỏ vật liệu, ông Thắng cho biết để tránh lặp lại nguy cơ khan hiếm vật liệu như giai đoạn 1, Ban cũng sẽ làm việc với các địa phương khảo sát số lượng, chất liệu mỏ vật liệu đất đắp cũng như bãi đổ thải. “Theo các nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ, nguồn mỏ vật liệu đất đắp được giao về cho chủ đầu tư, nhưng quan điểm là trách nhiệm cấp phép mỏ thuộc về địa phương, phải qua HĐND rồi UBND tỉnh từ các khâu quy hoạch đến cấp phép. Chúng tôi cũng kiến nghị các tỉnh có cơ chế để kiểm soát giá các mỏ, không để biến động giá, thổi giá khan hiếm vật liệu trong quá trình thực hiện, ảnh hưởng đến tiến độ chung của dự án", ông Thắng nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.