Ngày 5.12.1959, tờ Báo Người giáo viên nhân dân, tiền thân của Báo Giáo dục và Thời đại, ra đời. Từ đó đến nay, trải qua các thời kì phát triển của đất nước, gắn bó với sự nghiệp “trồng người”, Báo Giáo dục và Thời đại đã không ngừng cải tiến, đổi mới nội dung, hình thức, chiếm được tình cảm, sự quan tâm của đông đảo bạn đọc trong ngành và toàn xã hội.
Từ tờ báo xuất bản mỗi tháng 2 kỳ, chỉ có 8 trang, đến nay, Báo Giáo dục và Thời đại xuất bản mỗi tuần 6 kỳ, bao gồm: báo hằng ngày, đặc biệt thứ hai hằng tuần, đặc biệt giữa tháng, đặc biệt cuối tháng) và ấn phẩm Giáo dục và Thời đại Chủ nhật ra hằng tuần.
Từ giữa năm 2009, với việc khai trương Báo điện tử Giáo dục và Thời đại, các thông tin của ngành đã được cập nhật, chuyển tải đến đông đảo bạn đọc một cách kịp thời, nhanh chóng và chính xác, đến nay lượng bạn đọc ổn định và tăng đều qua các năm.
Từ năm 2018, Bộ Giáo dục - Đào tạo đã giao nhiệm vụ cho Báo này tổ chức Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam” và chương trình “Lễ tri ân, tôn vinh những tấm gương nhà giáo tiêu biểu”. Đây là 2 sự kiện thường niên, 2 năm qua đã được Báo tổ chức thành công và mang lại hiệu ứng xã hội sâu rộng.
|
Ông Nguyễn Ngọc Chụ, nguyên Tổng biên tập Báo, đã bày tỏ những cảm xúc “gan ruột” về tình yêu với một tờ báo mà ông đã gắn bó gần như cả cuộc đời. Báo Giáo dục và Thời đại gắn với phong trào thi đua "Hai tốt" của ngành giáo dục, do Bác Hồ phát động; là cơ quan bảo trợ thành lập trường phổ thông dân lập đầu tiên của cả nước, mở đầu cho hình thức xã hội giáo dục; là cơ quan khởi đầu cho việc hỗ trợ kinh phí xây nhà công vụ cho giáo viên miền núi ở Lương Sơn - Hòa Bình…
Ông Nguyễn Ngọc Chụ cũng cho rằng, là tờ báo chính trị - xã hội của một ngành nhưng là ngành có vị trí hết sức quan trọng trong cơ cấu xã hội, nên Giáo dục và Thời đại luôn nhận được sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước…
“Những năm chiến tranh, giấy in báo khan hiếm, đồng chí Trường Chinh đã có ý kiến phải ưu tiên giấy cho Báo Người giáo viên nhân dân. Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình đã gặp Ban biên tập góp ý xây dựng tờ báo và trực tiếp viết bài cho báo. Đó cũng là điều chúng tôi cảm thấy vinh hạnh và tự hào”, ông Chụ phát biểu.
Tại lễ kỷ niệm, ông Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo, ghi nhận những thành tựu mà Báo đã đạt được, ngày càng được lãnh đạo Bộ tín nhiệm, giao tổ chức nhiều hoạt động, sự kiện quan trọng của ngành…
Đứng trước cơ hội cũng như thách thức lớn của ngành Giáo dục, ông Nhạ yêu cầu Báo Giáo dục và Thời đại tiếp tục phát huy thế mạnh, bám sát định hướng, tôn chỉ, mục đích - tuyên truyền đường lối, chủ trương giáo dục của Đảng, Nhà nước, chỉ đạo của ngành Giáo dục - Đào tạo.
Cùng với đó, tăng cường phản biện mang tính xây dựng; đưa thông tin nhanh, chính xác, chuyên sâu về giáo dục…
Bình luận (0)