'Bao giờ chúng ta mới có thị trường điện cạnh tranh thực sự?'

07/11/2024 17:10 GMT+7

Đề cập nhiều bất cập trong ngành điện hiện nay, đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam) cho rằng, với các quy định trong dự thảo luật Điện lực sửa đổi, sẽ chưa thể có thị trường điện cạnh tranh thực sự.

Chiều 7.11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về luật Điện lực sửa đổi. Đại biểu Tạ Văn Hạ, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, thống nhất nhu cầu cấp bách sửa đổi luật.

Theo ông, năm 2023 Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có giám sát chuyên đề về việc thực hiện chính sách pháp luật phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021, chỉ ra rất nhiều vướng mắc và điểm nghẽn.

'Bao giờ chúng ta mới có thị trường điện cạnh tranh thực sự?'- Ảnh 1.

Đại biểu Tạ Văn Hạ, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội

ẢNH: GIA HÂN

"Điện là loại hàng hóa đặc biệt, không phải dư thì chúng ta cho vào kho đóng bao để dành được. Nhu cầu của nền kinh tế bao nhiêu chúng ta phải đáp ứng được bấy nhiêu", ông Hạ nói.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho rằng việc sửa đổi luật Điện lực trong 1 kỳ họp khó đảm bảo, cần cân nhắc 2 kỳ họp. Về vấn đề phát triển điện tự sản xuất, tự tiêu thụ từ nguồn năng lượng tái tạo, điều 33 quy định trước khi đầu tư nguồn điện, tổ chức, cá nhân phải có trách nhiệm thỏa thuận với đơn vị mua điện.

Ông Hạ nêu câu hỏi: "Trường hợp doanh nghiệp tư nhân sản xuất ra điện, họ có thể bán điện, thuê đường truyền tải của nhà nước được không?".

Theo ông, các điều kiện sau đây từng bước phải hoàn thành trước khi bắt đầu vận hành các cấp độ thị trường điện cạnh tranh. Theo đó, phải hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ cấu lại ngành điện; cơ sở hạ tầng hệ thống điện và thị trường điện; cải cách cơ chế giá điện, giảm dần, tiến tới xóa bỏ bù chéo giữa các nhóm khách hàng, giữa các vùng miền.

"Không biết đến bao giờ chúng ta mới có được thị trường điện cạnh tranh thực sự nếu như quy định như thế này? Tôi cho rằng phải "mùa quýt" chúng ta mới có thị trường điện cạnh tranh thực sự", đại biểu đoàn Quảng Nam lo ngại.

Chấm dứt bù chéo giữa các nhóm khách hàng

Còn theo đại biểu Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh), dự thảo luật cần bổ sung và làm rõ các quy định về cơ chế giá điện, đặc biệt là giá cho từng loại hình năng lượng khác nhau và cho từng khu vực. Ông đề xuất xây dựng cơ chế tính giá điện linh hoạt dựa trên các yếu tố như độ cao điểm và thấp điểm, điều kiện địa lý và nguồn cung cấp năng lượng.

Điều này sẽ khuyến khích sử dụng điện hiệu quả, tiết kiệm vào khung giờ thấp điểm, đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng trong việc tiếp cận thông tin về giá điểm và quy trình điều chỉnh giá điện.

'Bao giờ chúng ta mới có thị trường điện cạnh tranh thực sự?'- Ảnh 2.

Đại biểu Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh)

ẢNH: GIA HÂN

Bên cạnh đó, các điều chỉnh giá điện nên được công khai, minh bạch và có sự tham gia giám sát của cơ quan quản lý nhà nước. Về giải pháp phát triển thị trường điện cạnh tranh, dự thảo luật cần có lộ trình rõ ràng cho việc chuyển đổi từ cơ chế đặc quyền sang thị trường điện cạnh tranh.

Đồng thời, cần bổ sung quy định cụ thể về các bước thực hiện mở cửa thị trường điện, bao gồm thị trường bán buôn và thị trường bán lẻ bị cạnh tranh, quy định về trách nhiệm của các cơ quan quản lý công việc giám sát và điều phối thị trường điện, nhằm đảm bảo công bằng, minh bạch. Đưa ra các quy định về kiểm soát độc quyền của các tập đoàn lớn trong ngành điện, bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng, nhà đầu tư.

Đề cập đến lộ trình xóa bù chéo, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) đồng tình việc thực hiện giá điện hai thành phần (giá điện năng và công suất) để rõ ràng, minh bạch và chấm dứt bù chéo giữa các nhóm khách hàng.

"Không thể để khách hàng này thu giá cao, để bù cho nhóm khác thu thấp hơn. Như vậy sẽ không khuyến khích sử dụng tiết kiệm, thiếu công bằng", ông Hòa nói. Giá điện theo thị trường sẽ tránh việc ngành điện báo lỗ hằng năm do phải bù chênh lệch giá. Mua cao thì phải bán cao, không thể mua cao lại bán thấp.

'Bao giờ chúng ta mới có thị trường điện cạnh tranh thực sự?'- Ảnh 3.

Đại biểu Nguyễn Duy Thanh (đoàn Cà Mau)

ẢNH: GIA HÂN

Đối tác Singapore muốn mua điện từ Cà Mau

Đại biểu Nguyễn Duy Thanh (đoàn Cà Mau) cho rằng dù thiếu điện, nhưng EVN vẫn đều đều cắt giảm sản lượng điện của các dự án điện mặt trời áp mái quy mô nhỏ đã ký với nhà đầu tư.

Ông cho rằng, dự thảo còn nhiều quy định, thể hiện sự độc quyền của ngành điện. Nhu cầu về điện ngày càng tăng cao, nhưng dự thảo thắt chặt, kiểm soát nguồn cung. Quy định nhiều giấy phép tại điều 47 của dự thảo luật sẽ đẩy giá điện tăng cao, làm ảnh hưởng đến an ninh năng lượng.

Nêu đề án xuất khẩu điện tỉnh Cà Mau đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, ông Thanh cho biết nhiều doanh nghiệp đến đăng ký đầu tư điện gió để xuất khẩu. Hiện tại có các đối tác của Singapore đang đặt vấn đề mua điện của Cà Mau, kéo lưới điện cáp ngầm vượt biển từ Mũi Cà Mau đến Singapore không thông qua lưới điện quốc gia.

"Tiền doanh nghiệp đầu tư thì nên để doanh nghiệp tự thỏa thuận giá hợp lý để bán cho đối tác nước ngoài, vì vấn đề này không liên quan đến EVN", ông Thanh nêu quan điểm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.