Có nghị quyết riêng, có tổ công tác gỡ vướng, vẫn chưa đủ?
Trong báo cáo về tiến độ và các khó khăn, vướng mắc của Dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu giai đoạn 1 (dự án chống ngập 10.000 tỉ) vừa gửi UBND TP.HCM, Sở Xây dựng cho biết công trình đã thi công hoàn thành đạt 93,33% tổng khối lượng. Hiện nay, dự án còn vướng lập phương án thanh toán cho nhà đầu tư và phương án huy động nguồn vốn cho nhà đầu tư vay để tiếp tục thi công hoàn thành. UBND TP đã có thông báo giao Sở Tài chính, Sở KH-ĐT, các thành viên tổ công tác của UBND TP rà soát cơ sở pháp lý, đánh giá quá trình thực hiện Nghị quyết 40 để đề xuất tham mưu UBND TP trình Chính phủ nghị quyết thay thế, giải quyết dứt điểm các khó khăn, vướng mắc của dự án. "Tuy nhiên, để giải quyết các khó khăn, vướng mắc của dự án thì phải trình Chính phủ thay thế Nghị quyết 40 nên khó có thể triển khai thi công theo tiến độ", báo cáo của Sở Xây dựng TP nêu.
Thông tin TP.HCM phải chờ nghị quyết mới gỡ vướng của Chính phủ khiến không ít người bất ngờ, bởi sau khi dự án tiếp tục phải dừng thi công lần thứ 2 vì thiếu vốn vào năm 2020, ngày 1.4.2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 40 về việc tiếp tục triển khai Dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM, giai đoạn 1. Trên cơ sở đó, UBND TP cho gia hạn hoàn thành dự án đến năm 2023, đồng thời làm việc với Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng BIDV để tháo gỡ việc tái cấp vốn và giải ngân cho dự án. Dù vậy, cũng phải kéo tới tháng 1.2023, phụ lục hợp đồng mới được ký kết và hai tháng sau, công trình mới được tái khởi động. Tuy nhiên, dự án lại tiếp tục vướng với thủ tục giải ngân theo yêu cầu từ ngân hàng.
TP.HCM loay hoay mãi không có lối ra, tháng 9.2023, Chính phủ quyết định thành lập Tổ công tác do Phó thủ tướng Trần Lưu Quang làm tổ trưởng, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi làm tổ phó, từ đó gỡ vướng cho dự án thông qua Nghị quyết số 98 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM và Nghị quyết số 40 của Chính phủ. Thời gian qua, Phó thủ tướng nhiều lần thúc giục, UBND TP.HCM cũng liên tục có văn bản chỉ đạo, tổ chức họp với các sở, ban, ngành, song theo báo cáo mới nhất của Sở Xây dựng thì dự án vẫn chưa thể về đích như đã hẹn và UBND TP đang chờ Chính phủ có nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 40.
DN 'oằn lưng' gánh nợ, người dân khốn khổ vì ngập
Trong văn bản gửi Phó thủ tướng Trần Lưu Quang ngày 26.2, Công ty CP đầu tư xây dựng Trung Nam nêu nhà đầu tư vẫn đang phải chịu lãi quá hạn và lãi phát sinh theo từng ngày. Tính đến cuối tháng 5.2023, tổng lãi vay phát sinh là hơn 1.519 tỉ đồng. Cứ mỗi ngày thủ tục kéo dài sẽ phát sinh thêm khoảng 1,46 tỉ đồng tiền lãi. Chưa kể đến thiệt hại về hiệu quả kinh doanh, tài chính, uy tín, nguồn nhân lực và trang thiết bị của nhà đầu tư khi dự án kéo dài đến nay đã 7 năm tính từ thời điểm khởi công. "Số tiền lãi này đang rất cao và chắc chắn sẽ còn tiếp tục tăng cao hơn nữa nếu như dự án vẫn còn tiếp tục kéo dài. Khi đó, nguy cơ tổng mức đầu tư vượt trên 10.000 tỉ đồng là không thể kiểm soát được", phía Trung Nam lo ngại.
Đáng nói, dự án ì ạch quá lâu khiến mục tiêu ngăn triều bị vô hiệu hóa. Trái lại, hàng rào chắn từ những phần cống đã hoàn thiện lại vô tình chặn dòng chảy, gây ùn rác, đọng chất thải tại nhiều khu vực dòng kênh. Những ngày mùa khô cạn nước, dọc tuyến kênh Tàu Hủ - Bến Nghé đoạn cặp bên đại lộ Võ Văn Kiệt và đường Bến Vân Đồn (Q.1, Q.4), nước thải quyện cùng bèo, rác nổi lềnh bềnh trên dòng kênh bốc mùi hôi thối. Tương tự, một số vị trí cống ngăn triều thuộc dự án này tại khu vực Q.7, Q.8 cũng không ít lần bị phản ánh tình trạng công trường, lô cốt án ngữ quá lâu ảnh hưởng tới giao thông và đời sống của người dân xung quanh; chưa kể mỗi khi triều lên thì ngập vẫn hoàn ngập.
Không ai có thể tưởng tượng đó chính là một trong những dự án trọng điểm, luôn đứng đầu danh sách công trình cấp bách, đã từng được kỳ vọng sẽ đưa TP.HCM thoát cảnh ngập lụt mỗi khi vào mùa mưa.
Quy rõ trách nhiệm, đúng sai ở đâu cũng phải dứt điểm
Thực tế, từ cuối năm ngoái, TP.HCM đã đề xuất 3 phương án gỡ vướng về vốn cho dự án ngăn triều. Thứ nhất là TP thực hiện thanh toán cho nhà đầu tư khối lượng đã hoàn thành song song cả bằng cách trả đất và tiền, phù hợp với lịch thanh toán đã thỏa thuận. Phương án hai là Quỹ đầu tư phát triển TP (HFIC) cho vay từ nguồn vốn hoạt động. Phương án này có thuận lợi khi HFIC có thể chủ động cho vay để nhà đầu tư thi công hoàn thành công trình. Phương án ba là HFIC sẽ nhận ủy thác cho vay công trình dự án từ ngân sách TP theo quy định của Nghị định số 147/2020 của Chính phủ. Cụ thể là TP sẽ ủy thác ngân sách (khoảng 1.800 tỉ đồng) cho HFIC để HFIC cho nhà đầu tư vay hoàn thành công trình. Sau khi công trình được nghiệm thu, TP sẽ thanh toán cho nhà đầu tư theo đúng hợp đồng BT, các phụ lục hợp đồng BT đã ký. Từ đó nhà đầu tư sẽ thanh toán nợ với HFIC để HFIC hoàn trả lại ngân sách TP đối với khoản vốn đã nhận ủy thác.
Qua phân tích 3 phương án, TP.HCM nhận thấy phương án 3 là khả thi nhất, có cơ sở thực hiện. Tuy nhiên, đến đầu năm nay, Sở Tài chính TP lại cho rằng nội dung đề xuất của UBND TP về phương án ủy thác không phù hợp theo quy định như ý kiến của Bộ Tài chính. Vì vậy, Sở không có cơ sở tham mưu đối với phương án ủy thác và đề nghị HFIC làm rõ đơn vị nào sẽ tham mưu UBND TP ban hành quyết định ủy thác.
Theo dõi sát sao từng "cửa ải" của công trình chống ngập 10.000 tỉ từ năm 2018 đến nay, luật sư Nguyễn Văn Hậu (Chủ nhiệm Cơ quan truyền thông Liên đoàn Luật sư VN) cho rằng cần quyết liệt chỉ rõ trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc công trình bị chậm trễ. "Như với phương án ủy thác mà TP đã đưa ra, cơ sở pháp lý đầy đủ là theo quy định của Nghị định số 147/2020; hiện TP cũng có chủ trương gỡ khó từ Nghị quyết 40; có các cơ chế đặc thù từ Nghị quyết 98…Vậy tại sao vẫn không làm được? Sở Tài chính nói không phù hợp thì phải chỉ rõ ra không phù hợp chỗ nào? Những cái vướng đó có giải quyết được không? Giải quyết thế nào? rồi tham mưu cho UBND TP", ông Hậu đặt câu hỏi.
"Không có vướng mắc nào là không gỡ được, vấn đề chỉ là con người có dám quyết, muốn làm hay không. Chính phủ đã mở đường chính về mặt chủ trương rồi, TP phải tự mở các đường phụ để đi tiếp chứ đâu thể cứ trông chờ, đùn đẩy mãi được", LS Nguyễn Văn Hậu nhấn mạnh.
Bình luận (0)